Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, diễn biến CPI đang theo kịch bản thấp và trung bình. Đầu năm 2019, Viện Kinh tế Tài chính đưa ra 3 kịch bản lạm phát cho cả năm. Theo đó, với kịch bản trung bình, lạm phát sẽ ở mức 3%; kịch bản thấp, lạm phát ở mức 2,5%; trong kịch bản cao, lạm phát vẫn thấp hơn mức 3,54% của năm 2018. Với diễn biến lạm phát duy trì ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm, nhiều khả năng lạm phát trong nửa cuối năm cũng như cả năm sẽ theo kịch bản thấp.
Trong các yếu tố có khả năng tác động trực tiếp tới diễn biến CPI, yếu tố giá xăng dầu trong thời gian tới sẽ khó tăng mạnh. Một mặt, nhu cầu về dầu thô sẽ yếu đi khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại. Mặt khác, nguồn cung dầu đá phiến dồi dào sẽ kiềm chế giá không vượt quá xa mức 60 - 70 USD/thùng.
Hơn nữa, khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không để các cuộc xung đột địa chính trị tại Trung Đông leo thang với quy mô lớn, ảnh hưởng đến giá dầu và tăng trưởng kinh tế Mỹ khi quyết định sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ 2.
Về yếu tố tỷ giá, ông Độ cho rằng, tác động tới lạm phát sẽ không lớn khi tỷ giá tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước điều hành theo hướng ổn định để thu hút đầu tư nước ngoài cũng như giảm thiểu nguy cơ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.
“Với giá dầu và tỷ giá ổn định, lạm phát tổng thể từ nay đến cuối năm được dự báo sẽ dao động trong khoảng 1,5 - 2,5%, tức xoay quanh mức lạm phát cơ bản, còn lạm phát trung bình cả năm 2019 xoay quanh mức thấp là 2,5 - 3%”, ông Độ nói.
Lạm phát so với cùng kỳ năm trước của 6 tháng đầu năm và
dự báo cho 6 tháng cuối năm 2019 (Đơn vị: %)
Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, thời gian tới, yếu tố có thể ảnh hưởng đến CPI là giá thực phẩm tại thị trường trong nước dự báo vẫn cao. Giá gas dự báo tăng nhẹ do nhu cầu sưởi ấm của nhiều nước vào mùa đông và phục vụ dịp lễ, tết cuối năm. Về giá xăng dầu, nhiều tổ chức dự đoán, có thể giá sẽ tiếp tục giảm nhẹ. Trong khi đó, theo Ngân hàng Nhà nước, áp lực điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay sẽ “nhẹ” hơn năm 2018 do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã công bố không tăng lãi suất USD.
Tuy nhiên, yếu tố tiềm ẩn là dịch tả lợn châu Phi nếu không được kiểm soát cùng với thiên tai thường xảy ra vào các tháng cuối năm sẽ có tác động làm tăng lạm phát 6 tháng cuối năm. Dẫn dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos Consulting, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho hay, dịch tả lợn châu Phi có thể kéo dài từ tháng 7/2019 đến gần Tết Nguyên đán 2020, do đó, Việt Nam có thể thiếu 500.000 tấn thịt lợn.
“Nguồn cung thiếu hụt dẫn đến khả năng tăng nhập khẩu, tăng giá bán lẻ. Việc tăng nhập khẩu, cộng thêm các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi chưa dám tái đàn, sẽ khiến giá bán lẻ thịt lợn tăng mạnh và tác động đến CPI”, ông Hùng cảnh báo.
Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, kinh tế thế giới đang có xu hướng chững lại, các căng thẳng kinh tế - chính trị thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt làm giá nhiều loại nguyên, nhiên liệu như xăng dầu diễn biến phức tạp.
CPI còn có nguy cơ chịu tác động vòng 2 của việc tăng giá điện, rủi ro thiên tai, bão lũ, sự điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế (điều chỉnh bước 3), giáo dục, cũng như việc điều chỉnh tiền lương cơ sở từ ngày 1/7/2019. Những yếu tố nêu trên ngoài việc tác động trực tiếp lên mặt bằng giá còn có thể tác động đến lạm phát kỳ vọng nếu như không chú trọng công khai, minh bạch thông tin về giá.
“Với diễn biến này, CPI bình quân năm 2019 sẽ dao động từ 3,3 - 3,9%, lạm phát cơ bản vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ”, Cục Quản lý giá dự báo.