Theo nghiên cứu mới đây của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nếu giá xăng tăng 5%, ảnh hưởng tới các ngành kinh tế sẽ rất lớn.
Cụ thể, theo phân tích của PGS.TS. Tô Trung Thành, Trưởng nhóm Nghiên cứu, có 5 nhóm ngành chịu ảnh hưởng mạnh và ngay lập tức từ giá xăng tăng, gồm dịch vụ vận chuyển, lưu trữ và bưu chính; dịch vụ lưu trú và ăn uống; thủy sản; dịch vụ khí đốt, cấp thoát nước và chất thải; dịch vụ vận tải, kho bãi. Giá xăng dầu tăng sẽ tác động vào giá các sản phẩm dịch vụ của 5 nhóm sản phẩm này ngay vòng đầu, do xăng là sản phẩm đầu vào quan trọng.
5 nhóm ngành chịu tác động mạnh ở vòng sau, gồm có sản xuất kim loại; sản xuất thực phẩm; đồ uống; hóa chất, hóa dược và dược liệu, cao su; sản xuất xe có động cơ; khai khoáng. Đây là những ngành sử dụng sản phẩm đầu vào từ những ngành khác nhiều nên tác động của việc tăng giá xăng sẽ mạnh từ chu kỳ tiếp sau.
“Ảnh hưởng từ giá xăng dầu tăng là rất lớn, cả trực tiếp và gián tiếp tới hầu hết các ngành sản xuất quan trọng, gây tác động lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tế, giá xăng dầu đã tăng ngay từ đầu năm khi phải đội thêm mức tăng thuế bảo vệ môi trường.
Chưa kể, tác động cộng hưởng từ tăng giá điện cùng các mặt hàng khác thì ảnh hưởng tới nền kinh tế sẽ lớn hơn rất nhiều. Do đó, cần hết sức cẩn trọng trong điều hành giá để tránh làm tăng mạnh chi phí sản xuất từ quý tới, gây khó khăn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát”, ông Thành khuyến cáo.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, liên quan đến điều chỉnh giá xăng dầu, trong kỳ điều hành thứ 2 vào ngày 18/3 vừa qua, đáng ra giá xăng dầu đã điều chỉnh tăng, song liên bộ Công thương - Tài chính đã dùng Quỹ bình ổn để giảm thiểu tâm lý kỳ vọng của tăng giá các mặt hàng thiết yếu khi giá điện cũng đã điều chỉnh tăng trong cuối tháng 3.
Do đó, CPI quý I hầu như không chịu tác động từ đà tăng giá của 2 mặt hàng thiết yếu này. Tuy nhiên, trước áp lực giá xăng dầu thị trường thế giới tăng cao, giá xăng dầu đã được điều chình tăng mạnh từ 17h ngày 2/4. Vì vậy, tác động tăng giá xăng dầu và giá điện từ quý II sẽ rõ ràng và trực tiếp.
Còn đối với giá điện và giá các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, theo bà Ngọc, trong tháng 4 và tháng 5, giá thịt lợn dự báo vẫn giảm do ảnh hưởng của dịch tả châu Phi, song tới tháng 6, khi dịch bệnh thuyên giảm, ngành chăn nuôi chưa tổ chức tốt việc tái đàn lợn kịp thời sẽ có khả năng tạo áp lực tăng giá đối với mặt hàng thực phẩm. Do đó, việc chuẩn bị sẵn sàng cho tái đàn lợn và doanh nghiệp cần có kế hoạch cung ứng sản phẩm ngay khi dịch lui bớt là vấn đề cần đặt ra ngay hiện nay.
Đối với các yếu tố ảnh hưởng tới CPI khác, còn có việc điều chỉnh các dịch vụ y tế theo hai bước tiếp theo là tính chi phí quản lý và khấu hao sau khi đã giá đã được điều chỉnh xong bước tiệm cận thị trường.
Trước mắt sẽ có thể nâng mức tiền lương cơ sở tính vào dịch vụ này từ 1/7/2019. Ngoài ra, còn có yếu tố tăng giá dịch vụ giáo dục và giá sách giáo khoa và tháng 9 tới cũng sẽ làm tăng tác động kỳ vọng cộng hưởng tới CPI nói chung.
Trong bối cảnh này, để kiểm soát chỉ số CPI trong quý II và những quý tới, Tổng cục Thống kê vừa đưa ra đề xuất không nên điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu do nhà nước quản lý cùng lúc, đặc biệt là trong quý II và đầu quý III.
Theo kết quả nghiên cứu công bố mới đây của Đại học Kinh tế Quốc dân, ngay sau khi giá xăng dầu tăng ở mức 5%, chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng khoảng 0,18%. Ngoài ra, xăng dầu tăng khiến chi phí trung gian của nền kinh tế tăng 0,39%, tỷ lệ chi phí trung gian trên giá trị sản xuất tăng lên 0,1 điểm phần trăm. Từ đó, dẫn đến chỉ số giá khi bán cho người mua tăng 0,25%.
Trong vòng 3 tháng sau, ước tính giá xăng tăng với mức này khiến CPI tăng khoảng 0,22%. Ở ngay chu kỳ sản xuất tiếp theo, CPI có thể tăng tới 0,47%. Tới chu kỳ sản xuất tiếp 3 - 6 tháng sau đó, khi nền kinh tế sử dụng đầu vào đã tăng giá ở chu kỳ trước, chi phí trung gian sẽ tiếp tục tăng lên, trong trường hợp không tăng giá được nữa thì có thể khiến tổng GDP giảm khoảng 0,27%.