CPI tháng 8 có thể tăng trở lại

Sau 2 tháng giảm liên tiếp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2012 đang đứng trước khả năng tăng trở lại, xóa sạch hồ nghi về khả năng nền kinh tế đi vào giai đoạn giảm phát. Cho nên, nếu tình hình thực tế diễn biến đúng hướng “tăng nhẹ” như nhận định kể trên, cảm nhận là tích cực.
CPI tháng 8 có thể tăng trở lại

Tiền tệ “cầm cương” cho ổn định

“Dự báo giá thị trường tháng 8/2012 có xu hướng tăng nhẹ so với tháng 7/2012”, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cách đây ít hôm đã phát đi “thông điệp” này. Như vậy, sau 2 tháng giảm liên tiếp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2012 đang đứng trước khả năng tăng trở lại, xóa sạch hồ nghi về khả năng nền kinh tế đi vào giai đoạn giảm phát. Cho nên, nếu tình hình thực tế diễn biến đúng hướng “tăng nhẹ” như nhận định kể trên, cảm nhận là tích cực.

Có nhiều yếu tố tác động đến kịch bản CPI mà Cục Quản lý giá vừa nêu. Với yếu tố quan trọng nhất là tiền tệ, những điều chỉnh trên thực tế đang hỗ trợ lập lại trạng thái cân bằng hơn của giá cả, theo hướng xóa bỏ xu thế giảm của lạm phát. Trung tâm thông tin Công nghiệp - Thương mại (Bộ Công Thương) trong một phân tích mới đây cũng cho rằng, xu hướng giảm lãi suất VND sẽ phần nào tác động làm giảm giá VND.

Điều này là có lợi cho sản xuất. Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện khá yếu bởi doanh nghiệp đang khó khăn để tồn tại với lượng hàng tồn kho cao và thị trường xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước đều khó khăn. Cho nên, sản xuất dường như còn đang chờ đợi hiệu ứng của các quyết định giảm lãi suất trong tháng 5 và tháng 6.

Tuy nhiên, “trong bối cảnh thị trường bất động sản tiếp tục “đóng băng”, thị trường chứng khoán chưa thể phục hồi, tồn kho của doanh nghiệp ở mức cao cùng với nhu cầu tiêu dùng tăng thấp khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn... Tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục đạt thấp trong 5 tháng cuối năm 2012”, Trung tâm thông tin Công nghiệp - Thương mại lưu ý.

Trong khi đó, thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định với xu hướng giảm của tỷ giá USD/VND, hệ quả từ việc cán cân thanh toán thặng dư lớn trong nửa đầu năm nay. Trên thị trường tự do, giá giao dịch USD tiếp tục được niêm yết thấp hơn tại các NHTM, cho thấy các giao dịch USD trên thị trường chậm, chủ yếu là giao dịch của các nhu cầu cần USD thực sự. Như vậy, tiền tệ vẫn đang ở vị thế “cầm cương” cho ổn định vĩ mô.

Biểu hiện ở cầu tiêu dùng của nền kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả nước trong tháng 7 chỉ tăng nhẹ 0,12% so với tháng 6. Phía cầu ngoại, Trung tâm thông tin Công nghiệp - Thương mại cho biết, đầu ra cho xuất khẩu vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với những ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày hay thủy sản.

 

Lạm phát được “cấp phép”

Trở lại với nhận định của Cục Quản lý giá, về nguyên nhân đẩy lạm phát đứng trước khả năng tăng trở lại, đáng chú ý là nhiều yếu tố trong đó xuất phát từ ý chí điều hành của cơ quan quản lý nhà nước. Trước xu hướng tăng giá của một số nguyên vật liệu trên thị trường thế giới (xăng dầu, khí hóa lỏng, đường, thức ăn chăn nuôi...), Bộ Tài chính, Công Thương trong thời gian vừa qua cũng đã “mở đường” cho các doanh nghiệp tăng giá các mặt hàng này.

Kể từ ngày 1/7, giá điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 5%. Thông thường, việc tăng giá điện sẽ bắt đầu tác động đến chi tiêu của hộ gia đình sau khoảng 1-2 tháng, cũng có nghĩa là sẽ tác động đến CPI bắt đầu từ tháng 8 này. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ hồi đầu năm nay đã cho biết, nếu giá điện tăng 5% thì tác động lên CPI qua hai vòng trực tiếp và gián tiếp vào khoảng 0,369%.

Thêm vào đó, giá xăng dầu cũng đã có 2 lần điều chỉnh tăng trong chu kỳ tính giá này: lần đầu vào ngày 20/7 là tăng 300-400 đồng/lít; lần hai vào ngày 1/8 tăng từ 350-900 đồng/lít. Tổng cộng cả hai đợt, giá xăng dầu đã tăng từ 650-1300 đồng/lít. Theo ước tính của chuyên gia thống kê, tác động cả trực tiếp và gián tiếp của hai lần tăng giá xăng dầu gần đây lên CPI vào khoảng xấp xỉ 1%. Như vậy, tác động thực tế từ việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu vừa qua sẽ chuyển dần vào chỉ số giá tiêu dùng trong khoảng 2-3 tháng.

Với việc “cấp phép” cho tăng giá kể trên, chỉ số giá các nhóm giao thông; nhà ở và vật liệu xây dựng; và giá một số hàng hoá, dịch vụ khác sẽ chịu sức ép tăng trong tháng này. Đó là chưa kể đến giá nước sạch, giá dịch vụ khám chữa bệnh... cũng được điều chỉnh tăng tại một số địa phương; giá gas cũng tăng trong kỳ tính giá tháng 8 này.

Nhưng tác động ở chiều ngược lại, giá lúa gạo trong tháng này tiếp tục xu hướng giảm tại thị trường cả miền Bắc và miền Nam . Do nguồn cung lớn trong khi nhu cầu không cao, xuất khẩu gạo đến cuối tháng rồi đã giảm gần 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tình hình mua tạm trữ gạo hè thu vẫn khá chậm, mới đạt gần 20% so với kế hoạch. Đáng chú ý là giá thực phẩm tươi sống cũng đang trong xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ tùy loại. Nguyên nhân là do nguồn cung dồi dào trong khi sức mua giảm. Trong đó, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn hơi có tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục giảm về giá.

Đó là các yếu tố hỗ trợ để CPI tháng 8 nếu có tăng cũng không quá mạnh. Tuy nhiên, hiện các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối đang đề xuất tiếp tục tăng giá xăng dầu với mức tăng lên tới 1.400 đồng/lít đối với xăng; từ 600 - 800 đồng/lít đối với các mặt hàng dầu. Nếu điều này xảy ra, chưa biết CPI tháng 8 sẽ tăng ở mức nào.


Thời báo Ngân hàng

Tin cùng chuyên mục