CPI tháng 3 giảm mạnh, Mỹ đối mặt nguy cơ giảm phát hoàn toàn

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Mỹ giảm mạnh nhất trong hơn 5 năm qua và nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm thêm vì nhu cầu hàng hóa và dịch vụ bị "đóng băng" do dịch Covid-19 lan rộng.
CPI tháng 4 của Mỹ được dự báo tiếp tục giảm sâu bởi doanh nghiệp có xu hướng giảm giá bán để kích thích nhu cầu tiêu dùng đang xuống thấp vì dịch Covid-19. Ảnh: AFP CPI tháng 4 của Mỹ được dự báo tiếp tục giảm sâu bởi doanh nghiệp có xu hướng giảm giá bán để kích thích nhu cầu tiêu dùng đang xuống thấp vì dịch Covid-19. Ảnh: AFP

Nước Mỹ gần như “đứng im” với nền kinh tế suy giảm nhanh chóng và hàng triệu người thất nghiệp sau khi chính quyền các bang và địa phương áp dụng các biện pháp cứng rắn để ngăn sự lây lan của dịch Covid-19. Các chuyên gia kinh tế dự báo xu hướng giảm phát sẽ tiếp tục hoặc thậm chí giảm phát hoàn toàn có thể diễn ra một thời gian ngắn.

“Mối lo ngại lớn hiện nay là giảm phát”, Gus Faucher, chuyên gia kinh tế trưởng tại tập đoàn dịch vụ tài chính PNC (Mỹ) nhận định. Faucher dự báo tình trạng giảm phát của Mỹ sẽ tiếp tục trong vài tháng tới vì doanh nghiệp có xu hướng giảm giá bán để kích thích nhu cầu tiêu dùng đang xuống thấp do dịch Covid-19 bùng phát mạnh và các biện pháp hạn chế di chuyển.

Bộ Lao động Mỹ hôm 10/4 công bố CPI tháng 3 giảm 0,4% do giá xăng dầu, giá phòng khách sạn, vé máy bay và giá hàng may mặc giảm kỷ lục. Đây là mức giảm CPI lớn nhất kể từ tháng 1/2015. Trước đó, các nhà kinh tế dự báo với Reuters rằng CPI tháng 3 của Mỹ sẽ giảm 0,3% và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn lại biến động CPI của Mỹ 12 tháng qua, chỉ số này tăng bình quân 1,5%. Trong tháng 2/2020, chỉ số CPI tăng 0,1%.

Các chuyên gia đánh giá, giảm phát là điều tổn hại tới nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh nước này đang hứng chịu suy thoái do cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều trì hoãn mua hàng với hy vọng giá cả sẽ giảm thêm. Giảm phát có thể bóp méo chính sách tiền tệ, thị trường lao động và là điềm báo cho giá cổ phiếu và bất động sản.

Tuy nhiên, Viện nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) không coi việc GDP Mỹ sụt giảm trong 2 quý liên tiếp vừa qua là hiện tượng suy thoái bởi nó giống như quy luật thông thường của nhiều quốc gia khác. Thay vào đó, NBER tập trung đánh giá sự sụt giảm trên diện rộng của các hoạt động sản xuất kinh doanh trên khắp nước Mỹ.

Đối phó với dịch Covid-19, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã triển khai các biện pháp chưa từng có tiền lệ để hỗ trợ nền kinh tế đang rơi tự do. Tổng thống Donald Trump tháng trước đã ký gói kích thích “khổng lồ” 2.300 tỷ USD nhằm xoa dịu các doanh nghiệp và người lao động trước cú sốc đại dịch. Một con số "khổng lồ khác là 16,8 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 3 tuần qua. Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ dự kiến sẽ tăng kỷ lục lên 10% trong tháng này.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các biện pháp kích thích kinh tế khó có thể đưa Mỹ trở lại lạm phát, bởi các áp lực về giá vẫn thấp dù Fed đã bơm tiền vào nền kinh tế thông qua các chương trình mua trái phiếu mở rộng.

“Sức ép giảm phát cùng với sự gián đoạn trên diện rông của các hoạt động kinh doanh và thị trường tài chính là căn nguyên chính buộc Fed 'tung' ra các chính sách tiền tệ quy mô lớn”, Jonathan Daco, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu kinh tế Oxford Economics tại New York bình luận.

Nhà hàng, quán bar và các địa điểm công cộng đều bị đóng cửa. Các hãng bán lẻ quần áo cũng đóng cửa theo chân nhiều nhà sản xuất, trong khi đó hoạt động giao thông vận tải tại Mỹ cũng bị hạn chế. Chưa kể, những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga đã khiến giá dầu thô trôi dốc trong 2 tháng qua.

Việc đóng cửa các hoạt động kinh doanh trên diện rộng đã ảnh hưởng lớn đến kết quả chỉ số CPI tháng 3 của Mỹ vì việc thu thập dữ liệu tại cửa hàng tạm dừng hoạt động bị ngưng lại từ ngày 16/3, Bộ Lao động Mỹ cho biết.

Dữ liệu giá cả thu thập được trong tháng 3 bị ảnh hưởng nhiều do nhiều cơ sở kinh doanh đóng cửa tạm thời hoặc hạn chế hoạt động. Điều này khiến số liệu nhiều danh mục giá không thu thập được và con số dự đoán tăng lên. Do đó, nhiều chỉ số giá được tính toán dựa trên lượng mẫu thu thập nhỏ hơn thông thường. Vấn đề này có thể vẫn xảy ra đối với việc thu thập số liệu giá cả tiêu dùng trong tháng 4.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục