CPI tăng thấp là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng

(ĐTCK) Tại cuộc họp báo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI bình quân năm 2015 tăng 0,63% so với năm 2014. 
CPI tăng thấp, thu nhập của người dân không bị ảnh hưởng nhiều, nên tiếp tục chi tiêu, giúp tăng tổng cầu

Đây là mức tăng thấp nhất trong 14 năm trở lại đây. Điều đáng quan tâm là tuy CPI cả năm tăng thấp, nhưng nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao.

Cụ thể, theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2015, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,58%, là mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Điều này cho thấy, nền kinh tế có sự vận hành tốt không phải nhờ yếu tố tăng giá.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê, Tổng cục Thống kê cho hay, nguyên nhân khiến lạm phát giảm nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng tốt là do mặt bằng mức giá trong nước thấp hơn giá thế giới. Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm theo diễn biến của thị trường quốc tế, góp phần giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận và giúp đẩy mạnh tăng trưởng. 

Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng là hoạt động điều hành giá cả hiệu quả của Chính phủ, có chỉ đạo ổn định giá cả trên từng địa bàn, kịp thời có những chương trình bình ổn, tạo mặt bằng giá phù hợp vào các dịp lễ, Tết... Trong điều kiện này, bà Ngọc cho rằng, lạm phát thấp là yếu tố quan trọng tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát năm nay tuy thấp, nhưng sức mua của dân cư và thị trường vẫn tăng, hoàn toàn không phải do tác động của giảm tổng cầu. Do đó, xu hướng CPI tăng trưởng thấp kéo dài trong bối cảnh này không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và nền kinh tế. Việc quan trọng trong điều hành kinh tế là kiểm soát lạm phát để tăng trưởng bền vững, thay vì kiềm chế lạm phát.

“Không phải lạm phát cao đồng hành với tăng trưởng kinh tế. Lạm phát thấp mà kinh tế vẫn tăng trưởng cho thấy chất lượng tăng trưởng năm 2015 đã được khẳng định qua các yếu tố vĩ mô, không liên quan nhiều đến yếu tố giá. CPI thấp cho thấy, thu nhập của người dân không bị ảnh hưởng nhiều, tiếp tục chi tiêu giúp tăng tổng cầu, tăng trưởng kinh tế. Đây là yếu tố tích cực của lạm phát đối với tăng trưởng năm nay”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói.

Diễn biến CPI từ 2002 - 2015
 
Về diễn biến CPI tháng 12, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 12/2015 tăng 0,02% so với tháng trước và tăng 0,6% so với tháng 12/2014. Đây là mức tăng thấp nhất trong 9 năm gần đây.

Theo bà Ngọc, nguyên nhân khiến CPI tăng là do chỉ số giá lương thực tăng 0,45%, khi thương nhân thu gom lúa gạo cho hợp đồng xuất khẩu, một số mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng cao hơn tháng trước do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vào tháng cuối năm ở mức cao. Nhu cầu quần áo cho mùa Đông làm tăng chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép. Giá gas tăng 5,38% so với tháng 11 do các DN tăng giá từ ngày 1/12.

Nguyên nhân khiến CPI tháng 12/2015 tăng ở mức thấp là do giá xăng, dầu giảm vào các ngày 18/11 và 3/12, dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 3,39% so với tháng trước.

Lạm phát năm nay tuy thấp, nhưng sức mua của dân cư và thị trường vẫn tăng, hoàn toàn không phải do tác động của giảm tổng cầu.

Tổng cục Thống kê dự báo, CPI năm 2016 nhiều khả năng sẽ tăng cao, thậm chí có thể vượt mức 5% kế hoạch đề ra. Các yếu tố ảnh hưởng có thể khiến CPI 2016 tăng mạnh là việc điều chỉnh giá một số nhóm hàng dịch vụ công và dịch vụ thiết yếu trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Cụ thể, học phí có thể được điều chỉnh tăng theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP cho các năm học từ 2016 - 2021, khả năng sức ép tăng học phí sẽ xuất hiện từ quý I/2016 và tác động tới CPI 2016. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực y tế dự báo có những thay đổi về giá dịch vụ theo hướng tăng, nên CPI sẽ chịu tác động từ việc tăng giá dịch vụ thiết yếu này.

Một yếu tố quan trọng khác là khả năng tiếp tục tăng giá điện trong năm 2016 và việc điều chỉnh tăng lương cơ bản, với mức tăng 5% từ ngày 1/5/2016, sẽ tác động khiến CPI 2016 tăng lên.

Trong bối cảnh nào, Tổng cục Thống kê cũng khuyến nghị, Chính phủ cần có những giải pháp điều hành sát sao để có thể kiểm soát CPI. Chu kỳ CPI tăng thấp thường ngắn hơn so với chu kỳ tăng CPI tăng cao, do đó nên có chính sách kiểm soát lạm phát để chủ động kích thích kinh tế phát triển bền vững, không nên để xảy ra tình trạng tăng CPI mạnh mới có biện pháp xử lý.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục