Nhận định về nguyên nhân tốc độ tăng CPI tháng 8 tại các thành phố lớn không có biến động đáng kể, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, chủ yếu là do giá cả các mặt hàng thiết yếu không có biến động mạnh, trong đó những nhóm hàng hóa thiết yếu mang tính chi phối thị trường hầu như không tăng giá.
Cụ thể, phân tích của Cục Thống kê TP. Hà Nội và TP. HCM cho thấy, trong tháng 8, dù nhóm hàng dịch vụ ăn uống và thực phẩm tăng mạnh nhất, đạt mức 0,34 - 0,58%, song do nhóm hàng chất đốt, gas, xăng dầu và vật liệu xây dựng đều liên tiếp giảm giá do giá nhập khẩu giảm, nên đã làm giảm theo dây chuyền nhóm giao thông, nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng. Đặc biệt, ở nhóm hàng xăng dầu với 2 lần giảm giá liên tiếp trong tháng 8, cộng với các nhóm hàng hóa khác như y tế, giáo dục và các loại hàng hóa tiêu dùng hầu như không tăng đáng kể nên cũng không có mấy tác động mấy CPI.
Bên cạnh đó, theo nhận định của Bộ phận nghiên cứu thị trường CTCK Maritime Bank, tháng 8 là thời điểm trùng với tháng 7 Âm lịch, là tháng “ngâu”, nên về mặt tâm lý cũng ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh nói chung. Mặt khác, thông thường, tâm điểm áp lực tăng CPI của quý III thường rơi vào tháng 9 là tháng có nhiều lễ hội và bước vào năm học mới, chứ không phải tháng 8.
Tuy nhiên, xét về tổng thể, vấn đề khiến các chuyên gia lo ngại là giá cả tháng 8 vẫn nằm trong đà chuỗi tăng thấp của CPI gần đây, thể hiện dấu hiệu của tổng cầu nền kinh tế vẫn đứng ở mức thấp.
“Dựa trên diễn biến gần đây có thể thấy, mặc dù lực mua trên thị trường đã có sự cải thiện song vẫn không đáng kể, nhu cầu tiêu dùng của người dân và thậm chí chi tiêu của Nhà nước vẫn ở mức thấp. Điều này cho thấy, sức cầu nền kinh tế vẫn yếu không chỉ ở khu vực tư nhân mà còn ngay cả ở khu vực Nhà nước. Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài thì CPI có nguy cơ chững lại và hệ lụy của nó là nền kinh tế sẽ chậm phục hồi hơn nhiều so với mức kỳ vọng”, đại điện Bộ phận nghiên cứu thị trường CTCK Maritime Bank nhìn nhận.
Đứng ở góc độ chính sách tiền tệ, tín dụng, các chuyên gia tiếp tục đưa ra cảnh báo sự chậm hồi phục của tổng cầu, hay sức cầu quá yếu của nền kinh tế sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ cho chính sách tiền tệ và thị trường tín dụng. Nhấn mạnh cảnh báo này, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, tổng cầu yếu vẫn sẽ là nguyên chính ảnh hưởng tiêu cực tới tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và tác động không nhỏ tới quá trình hồi phục của nền kinh tế.
“Có thể thấy một thực trạng đang tồn tại dai dẳng hiện nay là tăng trưởng tín dụng luôn ở mức rất thấp, trong khi nợ xấu trên thực tế lại khá cao và triển vọng xử lý khối nợ xấu này tiên lượng vẫn còn nhiều khó khăn. Đây chính là thách thức lớn nhất mà tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ phải đối mặt và cũng như sẽ ảnh hưởng đáng kể tới xu hướng phục hồi của nền kinh tế vĩ mô về trung hạn. Mặt khác, điều này còn kéo theo một áp lực khác đối với thị trường tín dụng, đó là việc thoát khỏi sự trì trệ về tăng trưởng tín dụng như hiện nay để đảm bảo các chỉ tiêu thị trường tín dụng”, ông Nghĩa phân tích và cho rằng, áp lực này có thể còn kéo dài, do phụ thuộc nhiều vào tiến độ xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng như sự phục hồi cầu tiêu dùng và đầu tư.
Mặc dù vậy, lại có ý kiến cho rằng, CPI tháng 8 tăng nhẹ trong chuỗi đà tăng thấp của CPI các tháng gần đây không hẳn đã thể hiện hiện dấu hiệu tiêu cực, bởi trên thực tế, nền kinh tế vẫn đang trên đà hồi phục và có dấu hiệu tăng trưởng tốt dần lên. Bằng chứng là bức tranh hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại trong 7 tháng đầu năm tiếp tục cho thấy một số tín hiệu lạc quan, trong đó thể hiện rõ nhất trong tháng 7 vừa qua với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng rất đáng khích lệ là 7,5%, cao hơn khá nhiều so với mức tăng 5,3% của quý I/2014 và mức 6,9% của quý II/2014.
Bên cạnh đó, theo Bộ phận nghiên cứu chiến lược thị trường CTCK Vietcombank, CPI tăng ở mức thấp, xét ở mức độ nhất định sẽ là yếu tố thuận lợi để ngân hàng hạ lãi suất huy động mà không gây áp lực về thay đổi về chính sách tiền tệ. Theo đó, sẽ góp phần tạo kênh dẫn vốn thuận lợi để tăng dòng tiền vào TTCK cũng như nhu cầu đầu tư vào các lĩnh vực khác.