Thực ra, việc CPI tháng 4/2014 tăng 0,08% không nằm ngoài quy luật thường thấy trong diễn biến CPI những tháng giữa năm tại Việt Nam. Tháng 4 của các năm gần đây, ngoại trừ hai năm 2008 và 2011, CPI đều tăng rất thấp. Tháng 4 năm ngoái, CPI thậm chí chỉ tăng 0,02% so với tháng trước đó. Con số này của tháng 4/2012 là 0,05%, trong khi tháng 4/2010 là 0,14%...
Điểm khác biệt nằm ở hệ so sánh với tháng 12 năm trước đó, tức là lạm phát theo cách tính của Việt Nam. Mức tăng 0,88% của tháng 4 năm nay được cho là thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,64% của tháng 4/2011 và thấp đáng kể so với mức tăng 2,41% của tháng 4 năm ngoái, hay mức tăng 2,6% của tháng 4/2012...
Một cách công bằng, lạm phát thấp là chuyện đáng mừng đối với nền kinh tế, giá cả dễ chịu sẽ đẩy sức mua lên cao. Hơn nữa, khi lạm phát thấp hơn nhiều so với tăng trưởng kinh tế (tăng trưởng GDP quý I/2014 đạt 4,96%), người dân thực sự được hưởng “trái ngọt tăng trưởng”, chứ không như những năm trước đây, khi luôn trong tình trạng lạm phát cao hơn tăng trưởng, nên dù kinh tế tăng trưởng cao, thì thành quả thực sự mà người dân được hưởng không hề ngọt ngào. Lạm phát thấp tức là thu nhập thực tế của người dân tăng lên.
Nhưng thực ra, đó là câu chuyện mang tính lý thuyết nhiều hơn. Dù vào thời điểm này của tháng trước, khi CPI giảm 0,44%, Chính phủ đã thống nhất quan điểm rằng, giá cả thấp không phải là do tổng cầu yếu, thì cũng không thể không thừa nhận một thực tế là, nền kinh tế đang còn rất nhiều khó khăn và sức mua của nền kinh tế chưa có dấu hiệu cải thiện.
Có thể thấy được điều này nếu nhìn vào tín dụng của nền kinh tế, vào dòng tiền của nền kinh tế chưa thực sự được khơi thông, hay nhìn vào khó khăn của hệ thống doanh nghiệp. Dù tăng trưởng kinh tế đang dần hồi phục, nhưng chưa thấy một động lực đủ mạnh để nền kinh tế bứt phá. Và vì thế, trong khi có những dự báo rằng, lạm phát năm nay có thể chỉ ở mức 4 - 5%, thì nỗi lo tăng trưởng, sự ì ạch trong các nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế mới là điều đáng nói nhất.
Không có thiểu phát, bởi CPI vẫn tăng. Tăng trưởng kinh tế cũng vẫn đang có xu hướng tích cực hơn. Nhưng một sự trì trệ có thể là điều cần được cảnh báo, để tiếp tục có những giải pháp đủ mạnh và hiệu quả để “kích” nền kinh tế đi lên.