Theo bà, CPI giảm không phải là do cầu giảm, thì do nguyên nhân gì?
Trong số 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ trong rổ tính CPI, so với tháng 12/2014 và cùng kỳ năm 2014 thì chỉ có nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng; giao thông là giảm, còn 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ khác đều tăng. So với tháng 12/2014 và cùng kỳ năm 2014, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm lần lượt 1,09% và 3,99%; còn nhóm giao thông giảm rất mạnh tương ứng là 3,96% và 10,4%. Đây là nguyên nhân chính khiến CPI giảm 0,2%.
Còn sức cầu trong tháng 1/2015 thì sao, thưa bà?
Ước tính, doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tháng 1/2015 tăng 3,13% so với tháng 12/2014. Điều đáng nói là, doanh thu tháng 1 của hầu hết các nhóm hàng hóa, dịch vụ trọng yếu đều tăng. Trong đó, doanh thu mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng 3,97%; hàng may mặc tăng 6,17%; hoạt động lưu trú và ăn uống tăng 2,57%... Ngay cả nhóm phương tiện đi lại và xăng dầu cũng tăng nhẹ (lần lượt là 0,03%; xăng dầu tăng 0,08%), mặc dù trong tháng 1/2015 đã có 2 lần giảm giá xăng dầu với mức giảm khá sâu.
Số liệu trên cho thấy, sức cầu không giảm, thậm chí còn tăng mạnh vì người dân không hề “thắt lưng buộc bụng”.
Thưa bà, cho dù xăng dầu và nhà ở, vật liệu xây dựng có giảm giá đi chăng nữa, nhưng cầu tăng mạnh thì CPI không thể giảm được?
Theo lẽ thường thì như vậy, nhưng mấy năm gần đây, tháng giáp Tết Nguyên đán giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng không mạnh, vì mấy lẽ sau.
Thứ nhất là do đời sống vật chất ngày càng được cải thiện, người dân mua sắm hàng hóa thiết yếu như hàng may mặc, đồ dùng gia đình… quanh năm, chứ không tập trung mua sắm vào những ngày giáp Tết nên cầu không còn tăng mạnh như trước nữa. Hơn nữa, các mặt hàng này đã bão hòa, vì thế giá cả khó có thể tăng trong dịp Tết.
Thứ hai, cũng nhờ đời sống được cải thiện khiến tâm lý “đói quanh năm, no ba ngày tết” của người dân phai nhạt dần, không tập trung mua sắm lương thực, thực phẩm, bánh kẹo… vào dịp cuối năm nữa khiến các mặt hàng này khó có thể tăng mạnh.
Thứ ba, nếu như trước đây vào dịp lễ Tết, các gia đình thường tụ họp ăn uống linh đình, kéo dài, thì bây giờ thói quen này dần bị mai một. Thay vì ăn uống tụ tập đông người, giới trẻ có xu hướng nghỉ ngơi, đi du lịch trong những ngày Tết, nên nhiều mặt hàng thiết yếu không thể tăng được giá.
Thứ tư, nhiều năm trở lại đây, cứ từ đầu quý IV trở đi, các doanh nghiệp tập trung dự trữ hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán, cộng với các chương trình bán hàng bình ổn giá được nhiều địa phương thực hiện, nên lượng cung rất dồi dào.
Tất cả các lý do trên khiến giá hàng hóa, dịch vụ trước Tết Nguyên đán mấy năm gần đây tăng rất thấp, năm nay giảm vì cộng thêm yếu tố là giá xăng dầu giảm.
Người Việt có tâm lý mua hoặc sửa chữa nhà cửa vào dịp cuối năm, nên giá nhà ở và vật liệu xây dựng thường tăng vào dịp cuối năm. Vậy bà giải thích thế nào khi giá nhóm mặt hàng này tháng 1/2015 giảm 1,09% so với tháng trước?
Nhìn vào giá nhà ở và vật liệu xây dựng giảm trong tháng 1/2015, nhiều người nghi ngờ về sự phục hồi của thị trường bất động sản. Nhưng trên thực tế, thì thị trường bất động sản năm 2014 đã có sự phục hồi đáng kể. Trong nhiều năm trở lại đây, vào tháng 1, giá nhóm hàng này tăng chậm so với tháng trước (năm 2012 tăng 1,71%; năm 2013 tăng 0,36% và năm 2014 tăng 1,02%) hoặc thậm chí giảm 1,09% như năm 2015 là vì nguồn cung bất động sản dồi dào, giá cả có xu hướng giảm trong cả một thời gian dài, nên nhiều người có nhu cầu có tâm lý chờ đợi “ra Giêng” giá sẽ giảm tiếp mới đi mua nhà cửa.
Nhưng quan trọng hơn, thị trường nhà ở và vật liệu xây dựng, ngoài mua bán còn có dịch vụ cho thuê. Vào dịp cuối năm, nhu cầu thuê nhà ở của người lao động, học sinh, sinh viên giảm mạnh; nhu cầu thuê mặt bằng để sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân cũng giảm vì được nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, khiến giá nhóm hàng nhà ở, vật liệu xây dựng tháng giáp Tết Nguyên đán thường chỉ tăng nhẹ, thậm chí giảm như tháng 1/2015.
Người nông dân chỉ trông chờ giá lương thực, thực phẩm tăng trong dịp Tết Nguyên đán để có thêm thu nhập, nhưng giá hai mặt hàng này không tăng, rõ ràng người nông dân gặp bất lợi?
Tháng 1/2015, so với tháng trước, giá mặt hàng lương thực, thực phẩm chỉ tăng tương ứng 0,3% và 0,42%. Số liệu này cùng kỳ năm 2014 tương ứng tăng 1,33% và 0,75%; năm 2013 là tăng 0,15% và 1,96%; năm 2012 là giảm 0,14% và tăng 1,41%. Đúng là giá lương thực, thực phẩm tăng quá thấp, một bộ phận người nông dân gặp bất lợi về thu nhập, nhưng họ cũng đã được hưởng lợi nhờ giá cả rất nhiều mặt hàng thiết yếu khác giảm giá hoặc tăng không đáng kể.
Nếu so sánh với kỳ gốc (năm 2009), thì giá lương thực, thực phẩm tăng tương ứng 46,58% và 67,72%, tức là tăng cao hơn rất nhiều so với các nhóm hàng hóa, dịch vụ khác như thiết bị và đồ dùng gia đình chỉ tăng 34,7%; giao thông tăng 35,05%... Như vậy, rõ ràng là, mặc dù thu nhập của người nông dân tăng thấp do giá hàng lương thực, thực phẩm tăng thấp, nhưng họ cũng được hưởng lợi khá nhiều nhờ giá nhóm mặt hàng này tăng cao hơn nhiều so với các mặt hàng thiết yếu khác.