CPI tháng 1 ít biến động
Theo báo cáo của Cục Quản lý giá, biến động giá cả tập trung ở nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đồ uống, thuốc lá, may mặc.
Trước tình hình giá xăng dầu giảm mạnh, mới đây, Bộ Tài chính đã có động thái mạnh tay với giá cước vận tải. Theo công văn mới nhất của Bộ gửi Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương, “đến nay, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm sâu thêm 2 đợt vào ngày 6/1/2015 và 21/1/2015, qua kiểm tra, nắm tình hình tại một số địa phương cho thấy, vẫn còn đơn vị chưa thực hiện kê khai giảm giá”.
Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các sở giao thông vận tải phối hợp với sở tài chính và các cơ quan liên quan yêu cầu các đơn vị căn cứ phương án tổ chức vận tải và xu hướng giảm giá nhiên liệu để tính toán lại giá thành, kê khai với cơ quan có thẩm quyền, trường hợp quá thời hạn quy định mà các đơn vị này không thực hiện kê khai giảm giá cước theo xu hướng giảm giá nhiên liệu, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vi phạm theo quy định. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở giao thông vận tải, sở tài chính và cơ quan thuế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá cước vận tải ô tô trên địa bàn. Đối với đơn vị không thực hiện kê khai giá theo quy định, sẽ xử phạt và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng… Với những động thái trên, giá cước vận tải dịp Tết có khả năng giảm, dù mức giảm không tương đương với tốc độ giảm giá xăng.
Trong khi đó, theo báo cáo của Cục Quản lý giá, ở thị trường trong nước, giá cả ổn định trong 15 ngày đầu tháng 1/2015, giá thép và một số nhóm vật liệu xây dựng còn có xu hướng giảm.
Bám sát giá dịp Tết
Cùng với diễn biến giảm giá khách quan của xăng dầu, sự vào cuộc chủ động của các cơ quan quản lý giá ngay từ những ngày đầu năm sẽ góp phần kiểm soát tốt biến động CPI. Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu giám đốc sở tài chính các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn. Trong đó, chú trọng theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân trên địa.
Đối với một số mặt hàng là đầu vào của ngành nông nghiệp như phân đạm urê, phân NPK, thức ăn chăn nuôi chưa thể hiện rõ xu hướng giảm khi đầu vào giảm, Bộ Tài chính đã hối thúc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở tài chính phối hợp với sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, cục thuế, chi cục quản lý thị trường và các cơ quan liên quan có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh các mặt hàng này giảm giá.
Khác với các lần trước, lần này, chỉ đạo của ngành tài chính khá cụ thể. Bộ Tài chính đã "điểm mặt, chỉ tên" những loại hàng hóa có tác động trực tiếp đến đời sống dân sinh của đại đa số người dân, góp phần bình ổn giá cả thị trường, tránh tình trạng "té nước theo mưa", tăng giá trong dịp Tết.
CPI cả năm sẽ duy trì mức thấp
Báo cáo của các CTCK đều nhận định, lạm phát năm 2015 sẽ dao động từ 4-5%. CTCK Bảo Việt cho rằng, giá cả các mặt hàng chiến lược, là đầu vào cho hoạt động sản xuất như nhiên liệu, kim loại, nông sản… nhiều khả năng sẽ ổn định. Nhu cầu tiêu dùng nội địa được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng tốc độ tăng trưởng khó có đột biến trong khi chính sách tín dụng và chính sách tài khóa được điều hành theo hướng thận trọng sẽ không gây nhiều áp lực lên lạm phát.
Trong một số hội thảo gần đây liên quan đến giá cả, lạm phát, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 5%, trong điều hành giá cơ quan quản lý cần thận trọng vì diễn biến giá cả ở Việt Nam năm 2015 phụ thuộc rất mạnh vào quan điểm và các quyết sách thực hiện lộ trình điều chỉnh giá một số mặt hàng của Nhà nước (điện, than, xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục…).
Theo lộ trình, năm 2015, nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tăng giá điện, viện phí, học phí... theo lộ trình thực hiện cơ chế giá thị trường và xã hội hóa giá dịch vụ y tế, giáo dục. Do đó, việc điều chỉnh giá của từng mặt hàng cụ thể cần được cân nhắc liều, lượng và phân phối về không gian, thời gian một cách hợp lý để tránh tạo ra những cú sốc trên thị trường và tác động xấu tới đời sống người dân.