CPI cả năm được dự báo chỉ khoảng 3%

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2019 tăng 0,32% so với tháng trước, CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2019 tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2018. Theo cơ quan thống kê, nhiều khả năng biến động CPI bình quân chỉ ở mức trên dưới 3% trong năm nay.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (bên trái)  phân tích về CPI tại buổi họp báo. Ảnh:VGP/Huy Thắng. Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (bên trái) phân tích về CPI tại buổi họp báo. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Tổng cục Thống kê phân tích, một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 9 tháng đầu năm 2019 gồm nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán tăng cao vào hai tháng đầu năm làm cho giá một số mặt hàng tiêu dùng thuộc nhóm thực phẩm, dịch vụ ăn uống, đồ uống, dịch vụ giao thông công cộng, dịch vụ du lịch tăng.

Giá điện sinh hoạt điều chỉnh tăng từ ngày 20/3/2019 theo Quyết định số 648/QĐBCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương cùng với nhu cầu tiêu dùng điện tăng vào dịp Tết và thời tiết nắng nóng trong quý II/2019 và quý III/2019 làm cho giá điện sinh hoạt 9 tháng đầu năm 2019 tăng 7,69% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,18%.

Giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019 của Bộ Y tế về việc quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và Thông tư số 37/2018/TT-BYT về quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 3,36% so với cùng kỳ năm trước, góp phần tăng CPI chung 0,13%.

Tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2019-2020 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.

Theo đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng 6,73% so với cùng kỳ năm trước, góp phần tăng CPI chung 0,35%.

Bên cạnh đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp dự kiến tăng từ ngày 01/01/2019 theo Nghị định số 157/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/11/2018 (tính trung bình, mức lương tối thiểu vùng năm 2019 cao hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2018 khoảng 160.000 - 200.000 đồng/tháng; tăng khoảng 5,3%);

Mức lương cơ sở tăng 100.000 đồng/tháng từ ngày 01/7/2019 theo Nghị quyết số 70/2018/QH14 của Quốc hội ngày 13/11/2018, nên giá một số loại dịch vụ như dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, dịch vụ bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ sửa chữa, lắp đặt điện, nước; dịch vụ thuê người giúp việc gia đình có mức tăng giá từ 6% - 10% so với cùng kỳ năm trước.

Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,12% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu xây dựng cùng với chi phí đầu vào tăng, nên giá một số mặt hàng vật liệu xây dựng như sắt, thép, xi măng và giá nhân công xây dựng tăng theo…

Giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới có xu hướng tăng trở lại như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép... nên 9 tháng đầu năm 2019 chỉ số giá nhập khẩu so cùng kỳ tăng 0,77%, chỉ số giá xuất khẩu tăng 2,69%; chỉ số giá sản xuất công nghiệp tăng 1,49%; chỉ số giá sản xuất nông nghiệp tăng 1,12%.

Ở chiều ngược lại, có một số nguyên nhân kiềm chế CPI 9 tháng đầu năm 2019.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, giá xăng dầu được điều chỉnh 18 đợt, trong đó tăng 6 đợt, giảm 8 đợt và giữ ổn định 4 đợt, bình quân 9 tháng đầu năm giá xăng dầu giảm 3,46% so với cùng kỳ năm 2018, góp phần giảm CPI chung 0,14%.

Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, chuẩn bị tốt nguồn hàng, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường,;

Tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý bình ổn giá tại một số địa phương, điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm linh hoạt.

Cơ quan thống kê cũng tính toán lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống;

Năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 9 năm 2019 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,96% so với cùng kỳ; 9 tháng đầu năm 2019 so cùng kỳ tăng 1,91%.

Bình quân 9 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục gây nên.

Mức tăng lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay so với cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,82% đến 2,04%, bình quân 9 tháng lạm phát cơ bản ở mức 1,91% cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.

Nếu tính riêng trong tháng 9, Tổng cục Thống kê tính toán chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 năm 2019 tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 1,98% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,2% so với tháng 12 năm trước;

CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2019 tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; CPI quý III năm 2019 tăng 2,23% so với cùng kỳ năm trước.

So với tháng trước, có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá, gồm nhóm giáo dục tăng 3,15%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,56%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,25%;

Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,13%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,12%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,09%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,06%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,06%; nhóm bưu chính viễn thông không đổi.

Có 2 nhóm giảm giá là nhóm giao thông giảm 1,24%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,01%. 

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá-Tổng cục Thống kê cho biết, so với mục tiêu đặt ra là bình quân dưới 4% thì mức tăng CPI năm nay ở mức kịch bản thấp, vẫn còn dư địa điều chỉnh, ví dụ như  giá các loại dịch vụ y tế.

Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Ngọc cũng lưu ý các yếu tố ảnh hưởng 3 tháng cuối năm như thị trường, giá xăng dầu điều chỉnh theo giá thế giới, thực phẩm tươi sống, giá thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng nguồn cung nhu cầu đến cuối năm lớn hơn.

Ngoài ra, vẫn tiềm ẩn rủi ro thiên tai, bão, áp thấp nhiệt đới có thể gây thiếu hụt nguồn cung cục bộ đẩy giá CPI.

Bên cạnh đó, các yếu tố khác như địa chính trị, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung... ảnh hưởng giá xuất nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng chỉ số giá tiêu dùng…

“Với sự chỉ đạo sát sao của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, định kỳ rà soát điều hành kịp thời, phối hợp tốt  giữa các bộ ngành thì nhiều khả năng biến động CPI bình quân chỉ ở mức trên dưới 3% trong năm nay”, bà Đỗ Thị Ngọc nhận định.

Vụ trưởng Vụ Thống kê  giá cũng phân tích, việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành giúp giảm lãi suất thị trường liên ngân hàng, tạo điều kiện để các ngân hàng thương mai giảm lãi vay, thanh khoản tốt hơn liên ngân hàng.

Bà Ngọc đánh giá việc giảm lãi suất điều hành là  “linh hoạt kiên định mục tiêu kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng vẫn bảo đảm tăng trưởng”.


Theo VGP

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục