Có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có CPI tháng 8/2018 tăng so với tháng trước, trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất 0,87%, chủ yếu do nhóm thực phẩm tăng 1,12% (làm CPI chung tăng 0,25%). Nhóm lương thực tăng nhẹ 0,1%.
Nhóm giáo dục tăng 0,46% do 14 địa phương tăng học phí theo lộ trình. Nhóm nhà ở vật liệu và xây dựng tăng 0,44%.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,19%; nhóm giao thông tăng 0,13%, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%. Hai nhóm may mặc, mũ nón, giày dép và thiết bị, đồ dùng gia đình cùng tăng 0,1%.
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,13%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07%.
Tổng cục thống kê phân tích các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 8 năm 2018 là do chỉ số giá nhóm thực phẩm tiếp tục tăng cao do giá thịt lợn tăng với mức khá cao, bình quân giá thịt lợn tăng 3,41% so với tháng trước, theo đó giá các loại thực phẩm chế biến từ thịt cũng tăng theo.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của mưa bão và lũ quét làm cho giá rau xanh tăng. Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 1,12% góp phần tăng chỉ số CPI khoảng 0,25%.
Từ ngày 1/8/2018 giá gas trong nước điều chỉnh tăng 11.000đ/bình 12 kg tăng 2,8% so với tháng 7/2018, do giá gas thế giới bình quân tháng 8/2018 công bố ở mức 587,5 USD/tấn, tăng 25 USD/tấn so với tháng trước…
Ở chiều ngược lại, các nguyên nhân kìm đà tăng CPI tháng 8 năm 2018 là: Giá nhiều mặt hàng điện tử, điện lạnh giảm do nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đưa ra chương trình khuyến mại, giảm giá vào tháng 7 âm lịch. Giá vé tàu hỏa giảm 3,31% do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam áp dụng chương trình giảm giá vé khi sắp qua mùa cao điểm của du lịch hè.
Tổng cục Thống kê cũng tính toán, lạm phát cơ bản tháng 8/2018 tăng 0,22% so với tháng trước và tăng 1,54% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 1,38% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.