Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, CPI tháng 4/2018 tăng 0,08% so với tháng trước, tăng 1,05% so với tháng 12/2017 và tăng 2,75% so với cùng kỳ năm trước. Còn nếu tính bình quân, mức tăng là 2,8%, đã thấp hơn so với con số 2,82% của 3 tháng đầu năm.
Việc CPI bình quân đang có xu hướng tăng chậm lại đã phần nào làm vơi bớt nỗi lo lạm phát trong năm nay, khi mà thời gian qua, nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng, cần thận trong trong điều hành các biện pháp kiểm soát lạm phát trong năm 2018.
Quay trở lại với diễn biến giá cả thị trường tháng 4/2018, sau khi giảm 0,27% trong tháng 3, thì tháng 4, CPI đã tăng nhẹ 0,08%. Đây là một mức tăng không đáng kể, cho thấy giá cả hàng hóa thị trường đã ổn định trở lại.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong rổ hàng hóa tính CPI, có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Trong đó, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất - 1,18%, chủ yếu do ảnh hưởng từ hai đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 7/4/2018 và thời điểm 23/4/2018, làm CPI chung tăng 0,11%.
Tiếp đó, là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng - tăng 0,18%, do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và giá điện, nước sinh hoạt tăng. Bên cạnh đó, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,08%; giáo dục tăng 0,06% (dịch vụ giáo dục tăng 0,05%); thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02% (dịch vụ y tế không đổi).
Trong khi đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,18%, trong đó lương thực tăng 0,12% - chủ yếu do giá gạo xuất khẩu tăng; thực phẩm giảm 0,33% - do giá hầu hết các mặt hàng trong nhóm giảm (riêng giá thịt lợn tăng 1,25%).
Nhóm bưu chính - viễn thông, như thường lệ, giảm 0,08%; may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,02%; đồ uống và thuốc lá không đổi.
Giá cả hàng hóa hiện đang ổn định, khiến việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2018 ở mức 4% vẫn có thể đạt được. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, công tác quản lý, điều hành vẫn cần thận trọng với các yếu tố bất thường có thể tác động mạnh đến CPI bình quân năm 2018 và gây khó khăn cho công tác quản lý, điều hành giá năm 2019.
Ở một diễn biến khác, theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 4/2018 tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 1,33% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 4/2018, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực, giá xăng dầu. Lạm phát cơ bản bốn tháng đầu năm 2018 so cùng kỳ ở mức 1,34% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.
Trong khi đó, chỉ số giá vàng tháng 4/2018 tăng 0,47% so với tháng trước; tăng 3,67% so với tháng 12/2017 và tăng 5,41% so với cùng kỳ năm 2017. Chỉ số giá USD tháng 4/2018 tăng 0,10% so với tháng trước; tăng 0,32% so với tháng 12/2017 và tăng 0,29% so với cùng kỳ năm 2017.