Covid-19 đang trở thành “đại dịch” đối với những người chưa tiêm chủng tại Mỹ

Khi Mỹ đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng trở lại ở cả 50 tiểu bang, các quan chức y tế cho rằng, những người chưa được tiêm chủng là nguyên nhân dẫn đến xu hướng này.
Tiêm vaccine Moderna tại điểm tiêm chủng ở Đại học Loyola Marymount ngày 8/3 ở Los Angeles (Mỹ). Ảnh: Getty Images.

Nguy cơ đại dịch đối với những người chưa tiêm chủng

Tiến sĩ Rochelle Walensky tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết: “Covid-19 đang trở thành đại dịch đối với những người chưa được tiêm chủng”.

“Chúng tôi đang chứng kiến sự bùng phát các ca mắc bệnh ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp tại Mỹ vì những người chưa được tiêm chủng có nguy cơ mắc bệnh cao”, bà Walensky nói.

Số ca nhiễm SARS-CoV-2 đều đang tăng ở tất cả 50 tiểu bang với mức tăng trung bình cao hơn ít nhất 10% so với 1 tuần trước đó. Theo phân tích của CNN từ dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, 38 tiểu bang đang chứng kiến số ca mắc bệnh tăng ít nhất 50%.

Mỹ ghi nhận trung bình 26.448 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày trong tuần trước, tăng 67% so với một tuần trước đó. Tỷ lệ mắc Covid-19 cao nhất xảy ra ở các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Trong số những bang đã tiêm chủng đầy đủ cho gần 50% dân số, tỷ lệ mắc Covid-19 trung bình là 11 người trên 100.000 người vào tuần trước, so với 4 người trên 100.000 người ở các bang đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn một nửa dân số.

Theo dữ liệu của CDC, nhiều chuyên gia cho rằng, tỷ lệ tiêm chủng ở Mỹ đang chững lại với chỉ 48,4% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

“Mối lo ngại lớn nhất của chúng ta hiện tại là sẽ xuất hiện những ca mắc bệnh, ca nhập viện và những ca tử vong ở những người chưa được tiêm chủng”, bà Walensky nói.

Mối lo ngại này ngày càng gia tăng bởi sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ. Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết, biến thể Delta hiện chiếm hơn 50% ca mắc Covid-19 ở Mỹ. Ở một số khu vực, con số này lớn hơn 70%.

“Chúng ta đang đối phó với một đối thù đáng gờm là biến thể Delta”, ông Fauci nói, đồng thời cho biết thêm những người không được tiêm chủng sẽ phải đối mặt với “tình trạng rất dễ bị tổn thương”.

Bang Arkansas, nơi chỉ có 35,1% dân số được tiêm chủng đầy đủ, đang bị biến thể Delta tấn công mạnh mẽ. Cam Patterson, hiệu trưởng Đại học Arkansas về Khoa học Y tế, cho biết, các bệnh viện tại tiểu bang đã quá tải và số ca mắc bệnh tăng gấp đôi sau mỗi 10 ngày.

Theo CNN, các dịch vụ khẩn cấp ở bang Arkansas đã nhận được lượng cuộc gọi cao kỷ lục do sự gia tăng số ca nhiễm SARS-CoV-2.

“Tin tốt là nếu bạn đã tiêm chủng đầy đủ, bạn sẽ được bảo vệ khỏi tình trạng mắc Covid-19 nghiêm trọng, nhập viện và tử vong, và thậm chí còn được bảo vệ trước các biến thể, bao gồm cả biến thể Delta. Nhưng nếu bạn chưa tiêm vaccine, bạn vẫn có tất cả các nguy cơ trên”, bà Walensky nói.

Tầm quan trọng của việc tiêm chủng đầy đủ

Để ứng phó với tình trạng số ca mắc Covid-19 tăng cao, một số khu vực tại Mỹ đang tái áp đặt các quy định về đeo khẩu trang.

Tại bang California, quận Los Angeles, quận đông dân nhất ở Mỹ với dân số 10 triệu người, đã đối phó với sự gia tăng số ca mắc bệnh và số ca nhập viện bằng cách khôi phục quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín đối với toàn bộ người dân, bất kể tình trạng tiêm chủng, từ ngày 17/7.

Khu Y tế Nam Nevada cũng khuyến nghị cả người đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng đeo khẩu trang. Giới chức cho biết, khẩu trang đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2. Nhưng tiêm chủng vẫn là “bước quan trọng và hiệu quả nhất mà mọi người có thể thực hiện để bảo vệ bản thân và những người khác khỏi mắc Coivd-19”, khu Y tế Nam Nevada cho biết.

Bình luận về tuyên bố của bà Walensky cho rằng Covid-19 sẽ trở thành đại dịch đối với những người chưa được tiêm chủng, Tiến sĩ Peter Hotez, Hiệu trưởng Trường Y học Nhiệt đới Quốc gia thuộc Đại học Y khoa Baylor cho biết, đây cũng là đại dịch đối với những người mới tiêm 1 liều vaccine.

“Nếu những xu hướng này tiếp tục xảy ra, bất kỳ ai chưa được tiêm chủng hoặc có thể mới chỉ tiêm một liều vaccine, thì rất có khả năng họ vẫn sẽ bị nhiễm virus”, ông Hotez nói.

Các quan chức y tế khuyến cáo những người đã tiêm vaccine liều đầu tiên nên tiêm liều thứ hai sau đó 3-4 tuần, tùy thuộc vào việc họ tiêm vaccine Pfizer/BioNTech hay Moderna.

Cả 2 loại vaccine Pfizer/BioNTech và Moderna đều có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn chặn tình trạng mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong do Covid-19 trong các nghiên cứu thực tế. Nhưng những người mới chỉ tiêm 1 liều vaccine vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Vì sao nhiều người còn do dự tiêm vaccine?

Theo một phân tích của CNN, lý do chính dẫn đến sự do dự tiêm vaccine Covid-19 là sự không tin tưởng và thông tin sai lệch.

Kết quả nghiên cứu từ 23/6 đến 5/7 chỉ ra rằng, gần 50% người dân tham gia khảo sát cho biết, họ sẽ “chắc chắn” hoặc “có thể” không tiêm chủng do không tin tưởng vào vaccine. Con số này tăng so với khoảng 46% vào khảo sát vào một tháng trước đó.

“Hàng triệu người chưa thể tiếp cận với những thông tin chính xác bởi các thông tin sai lệch về vaccine đang tràn lan trên các nền tảng truyền thông xã hội và điều này khiến nhiều người phải trả giá bằng mạng sống”, bác sĩ phẫu thuật Vivek Murthy nói với CNN.

Ông Murphy nói thêm rằng, phần lớn thông tin sai lệch thường đến từ những người có mục đích tốt, họ nghĩ rằng họ đang truyền bá thông tin hữu ích, nhưng những thông tin sai lệch đó thường lan truyền nhanh hơn thông tin chính xác.

“Nhiều người đang tiếp nhận những thông tin không đúng sự thật và trở nên do dự với việc tiêm vaccine. Nhưng thật may mắn, có những người đã nhìn ra sự thật. Họ thấy một người thân không may phải nhập viện do Covid-19 và có thể họ đang thay đổi ý định”, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Xavier Becerra nói.

Yêu cầu bắt buộc tiêm chủng

Một số doanh nghiệp và bệnh viện tại Mỹ đã yêu cầu nhân viên của họ phải tiêm chủng và hiện nay một số trường đại học cũng đang thực hiện yêu cầu này.

Rhode Island đã trở thành tiểu bang đầu tiên yêu cầu tất cả sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng công lập và tư nhân phải tiêm chủng đầy đủ trước khi quay trở lại trường vào mùa thu này.

Tiến sĩ Nicole Alexander-Scott, Giám đốc y tế của Rhode Island, cho biết, tiêm chủng là “chìa khóa” để có một năm học thành công và biến thể Delta đã “lây lan ở nhiều khu vực tại Mỹ, nơi có nhiều sinh viên của chúng tôi sinh sống”.

Đại học California (UC), hệ thống đại học công lập lớn nhất nước Mỹ, có kế hoạch yêu cầu tất cả sinh viên, giảng viên và nhân viên phải tiêm chủng đầy đủ trước khi quay trở lại trường vào mùa thu. Các quan chức của UC hôm 15/7 cho biết, trừ những người được miễn tiêm chủng, những người chưa tiêm vaccine sẽ không được tham gia vào các lớp học và hoạt động trực tiếp tại trường.

Hiệp hội các trường Cao đẳng Y khoa Mỹ (AAMC) cũng kêu gọi các tổ chức thành viên tiêm chủng cho nhân viên để bảo vệ bệnh nhân và nhân viên y tế.

Cựu Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Kathleen Sebelius nói rằng, các nhà tuyển dụng, trường học và trường đại học nên “nghiêm túc” nói với mọi người rằng, không tiêm chủng có thể đồng nghĩa với việc mất quyền đi tới những nơi có thể khiến người khác gặp rủi ro lây nhiễm.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục