Covid-19 công suất thuế mặt bằng bán lẻ Hà Nội giảm 2%, giá thuê giảm 2-3%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngoài việc kéo công suất thuê giảm 2% điểm theo quý, đạt 93% vào quý II/2021, dịch bệnh còn khiến nhiều kế hoạch mở rộng của các nhãn hàng phải tạm hoãn.
Ngành bán lẻ đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19. Ảnh: Thành Nguyễn. Ngành bán lẻ đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19. Ảnh: Thành Nguyễn.

Theo Savills, nguồn cung bán lẻ tại Hà Nội tăng trưởng trung bình 5%/năm trong 5 năm qua. Do không có nguồn cung mới, tổng nguồn cung đạt khoảng 1,6 triệu m2 vào quý II/2021, ổn định theo quý và tăng 2% theo năm.

Trung tâm mua sắm vẫn duy trì nguồn cung cao nhất ở mức 914.000 m2, tốc độ tăng trưởng nguồn cung của trung tâm bách hoá là 10% và khối đế bán lẻ là 9%, vượt xa trung tâm mua sắm trong 5 năm qua. Sự không chắc chắn về đại dịch khả năng lớn sẽ làm trì hoãn lễ ra mắt của các trung tâm bán lẻ. Thực tế thị trường đã không đón nhận thêm nguồn cung mặt bằng trung tâm thương mại mới.

Khó khăn này đã tác động trực tiếp lên giá thuê mặt bằng, giá thuê trung bình tầng trệt tại trung tâm thương mại trong quý II/2021 tại Hà Nội đạt mức 41 USD/m2/tháng. Đối với các trung tâm thương mại, giá thuê hiện ghi nhận giảm nhiệt nhiều nhất tại khu vực tầng trệt, một số trung tâm thương mại đã bắt đầu giảm giá thuê cho khi vực tầng 1 khoảng 5 - 10% so với trước dịch, tính mặt bằng chung của cả trung tâm thương mại tại tất cả các tầng thuê thì giá thuê chỉ giảm nhẹ khoảng 2 - 3%.

Theo Savills, giá thuê mặt bằng bán lẻ trung tâm thương mại trong 6 tháng cuối năm dự kiến sẽ không có sự thay đổi lớn, bởi tại các trung tâm thương mại, đã có một số ngành hàng được vận hành với chiến lược giữ giá thuê trung bình ở mức nhất định. Do đó, đa phần các trung tâm thương mại tại 4 quận nội thành Hà Nội vẫn đang đạt mức dao động từ 28 - 30 USD/m2/tháng.

Sự không chắc chắn về dịch Covid-19 cũng khiến khách thuê mặt bằng bán lẻ đã đưa ra các thay đổi trong điều khoản thuê kể từ thời điểm thị trường bắt đầu chịu tác động của dịch bệnh. Mỗi hợp đồng thuê đều có các điều khoản bất khả kháng trên cơ sở các hoạt động chống dịch bệnh và yêu cầu đóng cửa những ngành hàng không thiết yếu, khách thuê và chủ nhà đã bắt đầu đàm phán các điều khoản bất khả kháng liên quan đến Covid-19.

Các chủ nhà cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho khách thuê, căn cứ vào điều kiện kinh doanh của khách thuê tại từng thời điểm, với những chính sách giảm giá thuê hợp lý. Thậm chí, tại những khu vực bắt buộc đóng cửa trong thời gian quá dài, chủ nhà có thể miễn phí 1 - 3 tháng tiền thuê tối đa trong thời gian bị phong toả.

Savills dự báo, đến năm 2023, thị trường sẽ đón thêm nguồn cung mới và đa phần là những trung tâm thương mại được đầu tư bài bản, như Lotte Mall ở khi vực đường Võ Chí Công hay khu Starlake với sự xuất hiện của các nhà đầu tư lớn đến từ Hàn Quốc như CJ hay Emart. Các nhãn hàng đang hoạt động tại Hà Nội dự định chờ tới khi tình hình dịch được cải thiện và việc triển khai vắc-xin để tiếp tục kế hoạch mở rộng mặt bằng. Tuy nhiên, vẫn có một số nhãn hàng mới, chưa xuất hiện tại Hà Nội, đang tận dụng thời điểm giá thuê bắt đầu giảm nhiệt, để tìm kiếm những vị trí đắc địa hơn cho cửa hàng đầu tiên của họ.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục