Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn về Covid-19 của Nhà Trắng cùng Giám đốc điều hành Moderna Stephane Bancel và Giám đốc điều hành Chương trình Cấp cứu Y tế của Tổ chức Y tế Thế giới, Tiến sĩ Mike Ryan đã nói trong những tuần gần đây rằng Covid-19 có thể sẽ không bao giờ biến mất.
David Heymann, giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London đã cảnh báo loại virus này dường như đã trở thành dịch bệnh phổ biến vào cuối năm ngoái.
“Tôi nghĩ nếu bạn nói chuyện với hầu hết các nhà dịch tễ học và hầu hết các nhân viên y tế công cộng, họ sẽ nói ngay hôm nay rằng họ tin rằng căn bệnh này sẽ trở thành bệnh dịch đặc hữu, ít nhất là trong ngắn hạn và rất có thể trong dài hạn”, ông nói.
Heymann là chủ tịch nhóm cố vấn chiến lược và kỹ thuật của WHO về các nguy cơ lây nhiễm và lãnh đạo đơn vị bệnh truyền nhiễm của cơ quan y tế trong đợt dịch SARS năm 2002-2003.
Ông cảnh báo rằng vẫn chưa thể chắc chắn về số phận của virus vì kết quả của nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố chưa chắc chắn.
“Vấn đề trọng tâm hiện tại là cứu sống và đảm bảo rằng các bệnh viện không quá tải với bệnh nhân Covid và điều này sẽ có thể xảy ra trong tương lai”, Heymann nói.
Cần rút ra bài học từ năm 2020
Việc cung cấp hàng loạt vắc xin bắt đầu ở nhiều quốc gia có thu nhập cao gần hai tháng trước và mặc dù đã được tiến hành nhanh chóng kể từ thời điểm đó, nhưng việc tiêm chủng hàng loạt cho người dân sẽ mất nhiều thời gian.
Một số quốc gia thu nhập thấp vẫn chưa nhận được liều vắc xin để bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất khỏi virus.
Theo báo cáo do Economist Intelligence Unit công bố vào tháng trước đã dự đoán, phần lớn dân số trưởng thành của các nền kinh tế phát triển sẽ được tiêm phòng vào giữa năm tới.
Tuy nhiên, mốc thời gian này sẽ kéo dài đến đầu năm 2023 đối với nhiều quốc gia thu nhập trung bình và thậm chí kéo dài đến năm 2024 đối với một số quốc gia thu nhập thấp.
Báo cáo cũng nhấn mạnh quy mô của thách thức trong việc kiểm soát đại dịch trên toàn thế giới.
“Covid-19 là một bệnh lây nhiễm đặc hữu ở người. Theo khoa học thực tiễn là với rất nhiều người bị nhiễm trên toàn thế giới, virus sẽ tiếp tục đột biến”, Tiến sĩ Jeremy Farrar, Giám đốc Wellcome và thành viên của Nhóm Cố vấn Khoa học về Trường hợp khẩn cấp của Anh cho biết.
“Tuy nhiên, việc sống chung với loại virus này không có nghĩa là chúng ta không thể kiểm soát nó. Chúng ta cần rút ra những bài học từ năm 2020 và hành động nhanh chóng. Mỗi ngày đều có giá trị”, ông nói thêm.
Cân bằng cuộc sống của chúng ta với các bệnh đặc hữu
Khi được hỏi liệu các nhà hoạch định chính sách có nên quan tâm đến các bệnh đặc hữu khác để ứng phó với đại dịch Covid hay không trong một sự kiện trực tuyến hôm thứ Tư (10/2), Heymann đã trích dẫn các bệnh lao và HIV, cũng như bốn loại Covid-19 đặc hữu được biết là nguyên nhân gây cảm lạnh thông thường.
“Chúng tôi đã học cách sống chung với tất cả những bệnh dịch này, chúng tôi đã học cách tự đánh giá rủi ro cho mình. Chúng tôi có vắc xin cho một số người, chúng tôi điều trị cho những người khác và chúng tôi có các xét nghiệm chẩn đoán có thể giúp tất cả chúng ta sống tốt hơn với những bệnh dịch này”, ông nhận xét.
“Có một vài ẩn số khiến các nhà lãnh đạo chính trị và các nhà lãnh đạo y tế cộng đồng rất khó đưa ra quyết định đâu sẽ là chiến lược tốt nhất”, ông cho biết.
“Vì vậy, đây không phải là vấn đề của một căn bệnh đặc biệt. Đây là một trong những điều mà chúng ta sẽ phải cân bằng cuộc sống của mình và hiểu cách đối phó với nó khi chúng ta bị cúm cũng như đối với các bệnh lây nhiễm khác”, Heymann nói.
Tháng trước, một nghiên cứu toàn cầu lớn nhất về dịch Covid cho đến nay đã phát hiện ra rằng nhiều người trong số những người bị nhiễm bệnh đã không thể trở lại làm việc hết công suất trong 6 tháng sau đó.