Sao chép lộ liễu
Theo đơn thư của Công ty P&C.S.P.A (hiện là nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong lĩnh vực xe hai bánh), năm 2012, công ty đi vào hoạt động nhà máy sản xuất động cơ xe tay ga tại Vĩnh Phúc với kỳ vọng đưa Việt Nam là điểm phân phối hệ thống xe máy hạng sang cho thị trường Đông Nam Á. Trong đó, dòng xe tay ga nhãn hiệu “P” là một trong những dòng xe bán chạy nhất.
Năm 2013, công ty nộp đơn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho xe P. Ngày 27/2/2015, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng độc quyền kiểu dáng cho xe P số 20652, có hiệu lực trong vòng 5 năm và có thể gia hạn theo quy định tại khoản 4 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ.
Công ty khẳng định, theo khoản 1, Điều 125, Luật Sở hữu trí tuệ, Công ty độc quyền sử dụng và ngăn cấm người khác sử dụng kiểu dáng công nghệ đang được bảo hộ.
Tuy nhiên, Công ty cổ phần Hỗ trợ phát triển công nghệ Detech đã sản xuất và phân phối sản phẩm xe máy ra thị trường với kiểu dáng giống hệt kiểu dáng xe máy Công ty P&C.S.P.A đang được bảo hộ. Đặc biệt, mẫu xe của Công ty Detech giống về hình dạng, bố trí và tỷ lệ kích thước giữa các bộ phận.
Mô tả cho thấy: “kiểu dáng xe điện của bị đơn được coi là bản sao của kiểu dáng được bảo hộ với phần đầu xe nhô cao, đèn pha hình tròn nhô về phía trước, phần yếm dẹt và mở rộng đều sang hai bên, chỗ để chân rộng và thấp, phần đuôi to và thon dần về phía sau”.
Viện Khoa học và Sở hữu trí tuệ đã ra kết luận giám định số KD001-17YC/KLGĐ ngày 13/1/2017 kết luận kiểu dáng xe máy điện sản xuất bởi Công ty Detech là yếu tố xâm phạm bản quyền văn bằng số 20652.
Công ty Detech thì cho rằng, trước khi sản xuất, kinh doanh xe máy điện, xe đạp điện, công ty đã tiến hành trưng cầu giám định về sở hữu công nghiệp tại Viện Khoa học và Sở hữu trí tuệ. Theo đó, đối tượng giám định không phải là bản sao của kiểu dáng công nghiệp xe máy đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Cũng theo Detech, mẫu xe mang nhãn EVS mà nguyên đơn thu được tại đại lý bán xe và mang đi giám định không phải là mẫu xe do công ty sản xuất.
Lập vi bằng, Detech thua kiện
Công ty P&C đã khởi kiện vụ việc trên ra TAND TP. Hà Nội. Công ty P&C cũng xuất trình vi bằng do Thừa phát lại lập thể hiện mẫu xe điện có số khung, số máy nêu trong hóa đơn GTGT ngày 28/7/2017 của Công ty TNHH Phát triển thương mại L.A và phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng số 0176 ngày 1/3/2017 của bị đơn và giấy chứng nhận kiểu loại số 0199 ngày 17/2/2017 của Cục đăng kiểm cấp trùng khớp với mẫu xe nguyên đơn đã mua và mang đi giám định.
Với những chứng cứ xác đáng trên, TAND TP. Hà Nội đã chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, buộc Công ty Detech phải chấm dứt việc sử dụng trái phép kiểu dáng công nghệ xe máy được bảo hộ và các kiểu dáng khác không khác biệt đáng kể với kiểu dáng xe máy được bảo hộ độc quyền. Công ty Detech phải bồi thường số tiền 217 triệu đồng gồm tiền thuê luật sư 200 triệu đồng, tiền mua xe mẫu để giám định 7,2 triệu đồng; tiền lập vi bằng, tiền giám định về sở hữu trí tuệ…
Bên cạnh đó, Công ty Detech cũng phải làm thủ tục để hủy bỏ giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cho xe máy mang kiểu dáng xâm phạm. Đồng thời phải loại bỏ, tiêu hủy các sản phẩm xe điện đang tồn kho và các xe hiện đang còn tại các đại lý bán hàng.
Tòa án cũng buộc Công ty Detech phải đăng công khai xin lỗi trên báo Thanh Niên trong ba số liên tiếp về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.