Công ty tài chính xoay giữa đại dịch

(ĐTCK) Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến các công ty tài chính hoạt động cầm chừng vì gặp khó khăn trong cho vay cũng như đòi nợ.
Nợ xấu khó tránh khỏi nguy cơ sẽ tăng, không chỉ tại các công ty tài chính, mà cả các ngân hàng cho vay tiêu dùng.

Kinh doanh xấu đi vượt mọi dự tính

Đầu tuần qua, ngày đầu tiên Hà Nội áp dụng các biện pháp cấp bách nhằm phòng chống dịch Covid-19 trên toàn địa bàn, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán liên hệ với ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) để tìm hiểu về tình hình hoạt động của Công ty. Ông Phúc cho biết: “Tình hình khá căng. Trong TP.HCM, gần như các bộ phận làm việc tại nhà. Còn ngoài Hà Nội, tôi vừa điện thoại cho nhân viên yêu cầu tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch…”.

Ông Phúc chia sẻ, đây là lần đầu tiên trong chặng đường lập chiến lược của mình, các kế hoạch liên tục thay đổi và đến hiện tại là thay đổi theo tuần; chiến lược không chỉ dành cho hoạt động của Công ty, mà còn là sự an toàn của cán bộ, nhân viên.

Về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2021, FE Credit được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 8,5%, so với điều kiện bình thường thì đây là mức thấp, thấp nhất của Công ty từ khi thành lập đến nay. Tuy nhiên, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, FE Credit buộc phải hạn chế hoạt động, theo đó, tín dụng không những không tăng trưởng, mà dư nợ còn giảm tuyệt đối là 3.000 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/5/2021, Công ty có vốn điều lệ 10.900 tỷ đồng, nguồn vốn 72.280 tỷ đồng, cho vay 63.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.068 tỷ đồng.

“Tình hình dịch bệnh hiện nay biến động rất lớn, đa số người lao động phổ thông, buôn bán nhỏ, công nhân thuộc nhóm có sức chịu đựng rất kém lại là đối tượng khách hàng chính của FE Credit nói riêng và các công ty tài chính nói chung. Giãn cách được triển khai gần như ở tất cả các thành phố lớn nên không thể cho vay được, đòi nợ rất khó khăn. Bên cạnh việc giảm lãi suất vay cho 400.000 khoản vay với giá trị lên tới 2.000 tỷ đồng trong 5 tháng qua, Công ty liên tục cải tiến về năng lực vận hành để giảm chi phí về lãi suất cho khách hàng”, ông Phúc nói.

Mặc dù nỗ lực triển khai các giải pháp trước diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, nhưng ông Phúc thừa nhận, nợ xấu khó tránh khỏi nguy cơ sẽ tăng, không chỉ tại các công ty tài chính, mà cả các ngân hàng cho vay tiêu dùng.

Tình hình dịch bệnh đã vượt quá mọi dự đoán nên Ban lãnh đạo FE Credit đã xác định phải xem xét lại kế hoạch 6 tháng cuối năm 2021. Bộ phận nòng cốt đang “gom” thông tin, cập nhật tình hình để lên chiến lược, nhưng diễn biến thực tế hiện nay liên tục thay đổi nên chưa hoàn thành được công việc.

Tương tự, một lãnh đạo cao cấp của Viet Credit cho biết, trước tình hình dịch bệnh, Công ty chủ động chọn lọc khách hàng hơn, nên tốc độ giải ngân giảm. Viet Credit đã có phương án điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2021, nhưng vẫn đang làm, chưa xong do có nhiều biến số.

Liên lạc với Home Credit, một lãnh đạo công ty này cho hay, số liệu về hoạt động 6 tháng đầu năm 2021 chưa công bố chính thức do nhân sự đang tập trung phòng chống dịch Covid-19 và tham gia các hoạt động từ thiện tại TP.HCM.

Mong chờ tháo gỡ khó khăn

Theo thống kê, dư nợ tín dụng tiêu dùng nói chung đến cuối năm 2020 đạt 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm 20% dư nợ cho vay nền kinh tế. Tính riêng nhóm công ty tài chính tiêu dùng, dư nợ đạt khoảng 130.000 tỷ đồng, với hơn 30 triệu khách hàng được phục vụ. Đây là con số ấn tượng, vì thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam còn non trẻ. Tuy vậy, các chuyên gia nhìn nhận, thị trường phát triển còn chậm so với nhiều nước trong khu vực.

Dịch Covid-19 khiến FE Credit buộc phải hạn chế hoạt động, theo đó, tín dụng 6 tháng đầu năm 2021 không những không tăng trưởng, mà dư nợ còn giảm 3.000 tỷ đồng.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực nhận xét: “Dù phát triển nhanh, nhưng tín dụng tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 8,7% tổng dư nợ nền kinh tế và còn quá nhỏ so với các nước trong khu vực như Malaysia là 15%, Thái Lan là 17%, Indonesia là 22,7%, Hàn Quốc là 35%”.

Như vậy, dư địa phát triển lĩnh vực này cho các công ty tài chính cũng như ngân hàng còn lớn, nhưng ông Phúc trăn trở, chặng đường sắp tới vẫn đối mặt với một số khó khăn, thậm chí rào cản.

Chẳng hạn, Khoản 2, Điều 3, Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính có nội dung: mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình; chi phí hoạt động khám chữa bệnh, du lịch, văn hoá, thể dục, thể thao; sửa chữa nhà ở. Nội dung này sau đó được bổ sung, mở rộng các phạm vi nhu cầu vốn, tuy nhiên, gói dịch vụ viễn thông di động, truyền hình, mua thực phẩm chức năng, cưới hỏi… vẫn là những trường hợp không được phép cho vay tiêu dùng, hạn chế người dân tiếp cận nguồn vốn tiêu dùng chính thức.

“Xu hướng của xã hội sẽ phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, do đó, quy định yêu cầu vốn về cho vay tiêu dùng cần theo hướng mở hơn nhằm đáp ứng được yêu cầu đa dạng của cuộc sống. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị điều chỉnh Khoản 2, Điều 3, Thông tư 43 như sau: Nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ quy định tại Khoản 1 Điều này bao gồm mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình; chi phí học tập, khám chữa bệnh, sức khoẻ, bảo hiểm, thẩm mỹ, giải trí, du lịch, văn hóa, thể dục, thể thao; chi phí sửa chữa nhà ở và cuối cùng là các nhu cầu tiêu dùng khác”, ông Phúc nói.

Một quy định khác, Khoản 4, Điều 8a, Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 43 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính có lộ trình giảm tổng dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng đối với các công ty tài chính kéo dài trong khoảng thời gian 4 năm, từ năm 2021 đến 2024, lần lượt là 70%, 60%, 50% và 30%.

Ông Phúc cho rằng, lộ trình giảm nợ cho vay tiêu dùng trực tiếp cho khách hàng so với dư nợ tín dụng ngân hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có tác động bất lợi cho toàn xã hội sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các công ty tài chính. Một khảo sát và theo dõi mô hình vận hành cho thấy, triển khai lộ trình này sẽ làm sụt giảm nghiêm trọng giải ngân khoản vay tiêu dùng giữa nhà phân phối, hàng hoá dịch vụ hợp tác với công ty tài chính. Hơn nữa, người dân thắt chặt chi tiêu để đảm bảo nhu cầu cơ bản trong mùa dịch, hạn chế mua sắm hàng hoá dịch vụ không thiết yếu, làm cho các phương thức giải ngân cũ không phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

“Thực tế, việc mở rộng sản phẩm cho vay tiêu dùng để giải ngân khó thực hiện được, trong khi đó, nhu cầu của người dân về những khoản vay nhỏ để trang trải những chi tiêu cho cuộc sống gia đình nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách đang ngày càng tăng lên. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, đặc biệt để người dân không tìm kiếm nguồn tín dụng không chính thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đồng thời chuẩn bị cơ sở hạ tầng phù hợp sau đại dịch, chúng tôi đề xuất cơ quan quản lý nhà nước xem xét giảm thời gian thực hiện Khoản 4, Điều 8a, Thông tư 18 cho đến khi nền kinh tế phục hồi trở lại”, ông Phúc nói.

Đồng tình với những quan điểm trên, lãnh đạo các công ty tài chính còn kiến nghị cơ quan quản lý xem xét nâng mức tổng dư nợ tiêu dùng giải ngân cho vay trực tiếp. Theo đó, không áp dụng tỷ lệ trên 20 triệu đồng, mà trên 40 triệu đồng, bởi vì diễn biến của lạm phát và nhu cầu của cuộc sống càng ngày càng cao.

“Áp dụng eKYC đã có văn bản quy định rõ ràng đối với mở tài khoản thanh toán của các ngân hàng, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực cho vay. Một số ngân hàng và công ty tài chính đã triển khai eKYC trong cho vay từ vài năm nay, do không có văn bản pháp luật nào hướng dẫn nên họ đang chịu rủi ro pháp lý. Trong bối cảnh dịch bệnh, việc tiếp xúc khách hàng rất phức tạp, khó khăn đối với các công ty tài chính và ngân hàng, nên chăng, cơ quan quản lý sớm triển khai eKYC trong lĩnh vực cho vay”, lãnh đạo một công ty tài chính nêu quan điểm.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục