Công ty tài chính phục hồi tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cho vay tiêu dùng dần phục hồi, hoạt động thu hồi nợ của các công ty tài chính cũng đang tốt hơn.
Nhu cầu vay tiêu dùng tăng mạnh khi nền kinh tế mở cửa trở lại Nhu cầu vay tiêu dùng tăng mạnh khi nền kinh tế mở cửa trở lại

Tín dụng tiêu dùng trên đà tăng trưởng

Nền kinh tế chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh Covid-19, nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ… mở cửa trở lại đã thúc đẩy nhu cầu vay tiêu dùng gia tăng. Bên cạnh đó, các công ty tài chính cũng tích cực triển khai nhiều chương trình ưu đãi, khiến tín dụng tiêu dùng tăng mạnh.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng đã tăng tốc đáng kể trong tháng 3 và tháng 4, tăng trưởng tín dụng đến ngày 25/4/2022 đạt 6,75% so với cuối năm 2021.

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý. Điều này sẽ tiếp tục là động lực giúp thị trường tài chính tiêu dùng hồi phục mạnh mẽ.

Quý I năm nay, FE Credit ghi nhận con số lợi nhuận gần 800 tỷ đồng, cao gần gấp đôi mức thực hiện trong cả năm 2021. Với kết quả này, FE Credit đã lấy lại “ngôi vương” về lợi nhuận trong ngành sau khi vuột mất vào tay HD Saison trong năm 2021.

Tính đến cuối tháng 3/2022, dư nợ cho vay của Công ty đạt 76.600 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng dư nợ cho vay của khách hàng mới đạt 27.500 tỷ đồng, chiếm 36% tổng dư nợ. Số lượng khách hàng đạt 14 triệu người, tính đến hết ngày 31/3/2022.

FE Credit đã đầu tư mạnh mẽ cho chuyển đổi số, nhằm mở rộng thị trường cũng như nâng cao năng lực phục vụ khách hàng, khiến chi phí hoạt động trong quý I tăng lên 1.340 tỷ đồng. Với chi phí đầu vào, nhờ cải thiện và đa dạng các kênh huy động vốn trong nước và nước ngoài, chi phí sử dụng vốn chỉ ở mức 6,1%, giảm đáng kể so với con số 7,4% của cùng kỳ năm ngoái.

HD Saison cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2022, với dư nợ đạt 14.852 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2021; trong đó, cho vay điện máy chiếm 27,3%; cho vay xe máy chiếm 25,7%; giải ngân trực tiếp chiếm 46,8%. Công ty tài chính này hiện đang nắm 35% thị phần cho vay mua xe máy, lớn hơn nhiều so với FE Credit (26%) và Home Credit (14%).

Biên lãi ròng (NIM) của HD Saison đã tăng thêm 3% so với cuối năm 2021, lên mức 29,8%. Tổng thu nhập hoạt động trong quý đầu năm nay đạt 1.300 tỷ đồng, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2021; lãi trước thuế đạt 258 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Tổng tài sản của Công ty tại ngày 31/3/2022 đạt 15.600 tỷ đồng, tăng 10,6% so với thời điểm cuối năm 2021.

Công ty tài chính M-Credit cũng ghi nhận đà tăng trưởng tích cực trong 3 tháng đầu năm, với doanh thu đạt 1.746 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 266 tỷ đồng, lần lượt tăng 69% và 89% so với cùng kỳ.

Thu hồi nợ tốt hơn

Giai đoạn 2020 - 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các công ty tài chính gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng mới cũng như thu hồi nợ, dẫn đến tổng dư nợ tăng trưởng thấp hơn kế hoạch. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu cũng tăng vọt lên mức 9%.

Báo cáo tài chính quý I/2022 của VPBank cho thấy, nợ xấu của ngân hàng này tại thời điểm cuối tháng 3 tăng 11% so với cuối năm ngoái; trong đó, nợ nghi ngờ tăng 30%, kéo tỷ lệ nợ xấu từ mức 4,57% đầu năm lên 4,83%. Trong khối nợ này, nợ xấu của công ty con FE Credit chiếm khoảng 63%. Tính riêng ngân hàng mẹ, số dư nợ xấu tăng 20%, lên gần 6.746 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,01% lên 2,27%.

Quý I/2022, FE Credit ghi nhận con số lợi nhuận gần 800 tỷ đồng, cao gần gấp đôi kết quả cả năm 2021.

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo VPBank cho biết, mảng kinh doanh của FE Credit sẽ sớm hồi phục nhờ thị trường tài chính tiêu dùng vẫn giàu tiềm năng, nhất là khi Chính phủ đang triển khai các chương trình kích cầu.

“FE Credit từng trải qua các cuộc khủng hoảng tài chính trước đó nên có kinh nghiệm để bứt tốc nhanh hơn các công ty tài chính tiêu dùng khác. Bên cạnh đó, tập đoàn tài chính tiêu dùng lớn nhất Nhật Bản là SMBC hỗ trợ Công ty hoạt động ngày càng an toàn và hiệu quả. VPBank đã đặt ra nhiều kịch bản lợi nhuận cho FE Credit năm 2022, trong đó có kịch bản đạt 5.000 - 6.000 tỷ đồng”, lãnh đạo VPBank nói.

Thực tế, cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu của FE Credit tăng lên 13% khi ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ 4 và các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt được triển khai trên diện rộng. Tuy nhiên, với việc nền kinh tế đang dần phục hồi, VPBank kỳ vọng đưa nợ xấu của công ty tài chính trực thuộc xuống mức trước đại dịch, tức dưới 6%.

Quý đầu năm nay, tình hình thu hồi nợ được cải thiện, trừ tháng 2 bị ảnh hưởng yếu tố mùa vụ, nghỉ Tết Nguyên đán. Hiện công ty này đã có tới 80% khách hàng trả được nợ và tiếp tục vay mới, chỉ còn 20% khách hàng phải tái cấu trúc lần hai.

Theo VPBank, xu hướng này sẽ tiếp tục được củng cố trong những tháng tiếp theo, chỉ trừ khi có các biến cố bất thường ảnh hưởng sâu rộng tới toàn nền kinh tế.

Tỷ lệ nợ xấu của HD Saison tại thời điểm cuối quý I/2022 là 7,3%, đi ngang so với cuối năm 2021 và với công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng thì nợ xấu dưới 10% chưa phải quá cao.

Trải qua năm 2021 nhiều biến động với những ảnh hưởng to lớn do đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, nợ xấu công ty tài chính tăng là khó tránh khỏi. Để chia sẻ cùng người vay và từng bước thu hồi được nợ, các công ty tài chính đã đẩy mạnh tái cơ cấu, giãn nợ.

Chẳng hạn, MCredit hỗ trợ cho 18.493 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ với tổng dư nợ được cơ cấu lại là hơn 381 tỷ đồng, miễn giảm lãi cho 29.320 khách hàng với tổng dư nợ được miễn giảm lãi lũy kế gần 486 tỷ đồng. Hay SHB Finance hỗ trợ cho 3.995 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay, với tổng dư nợ được cơ cấu là 104 tỷ đồng.

HD Saison thực hiện giãn nợ, cơ cấu thời gian trả nợ cho khách hàng hiện hữu có nhu cầu, giúp cho hơn 66.000 khách hàng bị hạn chế khả năng thanh toán, hoặc gặp trở ngại không thể xoay xở được trong mùa dịch, tương ứng với tổng số tiền giãn nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ là hơn 655 tỷ đồng...

Lãnh đạo các công ty tài chính tiêu dùng cho biết, năm 2022, Công ty sẵn sàng các giải pháp nhằm thích ứng với hoàn cảnh mới, duy trì ổn định và tạo đà tăng trưởng trở lại trong tương lai.

Ông Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc VietCredit cho biết, Công ty xác định hoạt động kinh doanh sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, song cũng là thời cơ để tạo ra bước đột phá, chinh phục thị trường. Công ty đặt ra các chỉ tiêu kinh doanh cho năm 2022 gồm: tổng tài sản tăng 14%, lên hơn 7.000 tỷ đồng; huy động vốn tăng 15%, lên gần 6.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay tăng 22%, lên 5.600 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 61%, đạt 80 tỷ đồng, kiểm soát nợ xấu không quá 7%...

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục