Công ty tài chính hỗ trợ khách vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

(ĐTCK) Đại dịch Covid-19 khiến nhiều khách hàng của công ty tài chính và khách hàng vay tiêu dùng của ngân hàng khốn đốn.
Các ngân hàng, công ty tài chính liên tục nhận được đơn đề nghị giãn nợ, giảm lãi suất của khách hàng cá nhân.

Giật gấu vá vai

Anh Quang Hải, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nhân viên bán các sản phẩm tập thể dục tại một siêu thị cho biết, cách đây 5 tháng, anh mua điện thoại di động trả góp lãi suất qua công ty tài chính lớn thứ hai trên thị trường. Giá sản phẩm là 18,890 triệu đồng, trả trước 30% là 5,667 triệu đồng, theo đó, số tiền vay là 13,223 triệu đồng trong kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 1,93%/tháng, ước tính trả hàng tháng 1.449.548 đồng.

“Tuy nhiên, khi vừa mua điện thoại xong thì dịch Covid-19 bùng phát trở lại và có diễn biến xấu đi nhanh chóng, đặc biệt trong tháng 8 vừa qua. Dịch bệnh khiến tôi không có nguồn thu, nên khoản vay tiêu dùng trở thành gánh nặng, buộc phải giật gấu vá vai”, anh Hải nói.

Cùng cảnh ngộ, anh Mạnh Quân, ở Quận Tân Bình, TP.HCM cho hay, hai vợ chồng mua một căn hộ chung cư, trong đó tiền vay ngân hàng là 400 triệu đồng với lãi suất 10,2%/năm. Mỗi tháng, anh phải trả cho ngân hàng gần 7 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Hai vợ chồng làm cho một doanh nghiệp tư nhân sản xuất hàng tiêu dùng nhưng đã đóng cửa gần như cùng lúc với đợt giãn cách của TP.HCM nhằm phòng chống dịch Covid-19.

Mất việc đột ngột, trong khi khoản tích lũy có hạn, khiến nhiều người lao động rơi vào tình cảnh khó khăn, không đủ khả năng chi trả cho cuộc sống, bao gồm chi phí trả nợ khoản vay, mua trả góp.

“Khó khăn tứ bề nên tôi đã liên hệ với ngân hàng để được giãn nợ thì nhân viên ngân hàng cho biết đang xử lý rất nhiều đơn xin cơ cấu nợ tương tự, trong khi bản thân họ làm việc luân phiên trong thời gian giãn cách nên không thể nhanh được”, anh Quân chia sẻ.

Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới vừa công bố cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại Việt Nam trong tháng 8/2021 tiếp tục suy giảm, mức giảm là 10,5% so với tháng 7 và 33,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này sâu hơn mức giảm trong hai tuần cách ly toàn xã hội vào tháng 4/2020, thể hiện thời gian áp dụng dài hơn và với mức độ nghiêm ngặt hơn của các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại ở các thành phố lớn, nhất là khu vực miền Nam. Trong sự suy giảm này, bán lẻ hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất (59,6%), tiếp theo là các dịch vụ lưu trú và ăn uống (19,2%).

Khảo sát nhanh về việc làm và thu nhập của người lao động do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Văn phòng Chính phủ) cho thấy, 62% người lao động mất việc vì Covid-19 (trên tổng số 69.132 người lao động tham gia khảo sát online từ ngày 1 - 5/8/2021). Trong đó, 50% mất việc trong 1 - 3 tháng, 25% mất việc dưới 1 tháng và 15% không còn việc làm hơn nửa năm qua.

Cũng do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, số duy trì được theo “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến” giảm một nửa lao động, nên cơ hội tìm lại việc làm lâu dài với người lao động không nhiều. Mất việc đột ngột, trong khi khoản tích lũy có hạn, khiến nhiều người lao động có thu nhập thấp và trung bình rơi vào tình cảnh khó khăn, không đủ khả năng chi trả cho cuộc sống, bao gồm chi phí trả nợ khoản vay, mua trả góp tại công ty tài chính tiêu dùng.

Trong khi đó, đối tượng mà các công ty tài chính tiêu dùng hướng đến là khách hàng “dưới chuẩn” của ngân hàng, tức những người có thu nhập trung bình thấp, thu nhập không ổn định, thậm chí là người muốn đi vay nhưng không có tài sản bảo đảm.

Không phải từ đợt dịch lần thứ tư bùng phát, mà từ tháng 3 năm ngoái, các ngân hàng, công ty tài chính cho biết, họ liên tục nhận được hàng nghìn đơn đề nghị giãn nợ, giảm lãi suất của khách hàng cá nhân. Theo tính toán sơ bộ, trong tổng số dư nợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, dư nợ của khách hàng cá nhân chiếm 1/3, nguyên nhân là do mất nguồn thu bởi thất nghiệp hoặc thu nhập giảm sút.

Hỗ trợ không dành cho tất cả

Tác động của dịch bệnh khiến thu nhập của người lao động ở nhiều phân khúc sụt giảm. Các khoản vay tiêu dùng từng giúp họ mua sắm tiện nghi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng khi đồng lương ngày càng eo hẹp, nhiều người khó có thể thu xếp khoản thanh toán hàng tháng.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE Credit cho biết, thấu hiểu được tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Công ty đã triển khai hàng loạt chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ, san sẻ gánh nặng với khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ… Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, Công ty chia nhỏ các khoản thanh toán cho khách hàng có khó khăn về tài chính, tạm hoãn việc thanh toán trong 4 tháng… Tuy nhiên, việc hỗ trợ không phải dành cho tất cả các khách hàng.

Theo đó, khách hàng cần tìm hiểu chính sách giảm lãi, cơ cấu nợ của từng ngân hàng, công ty tài chính được xây dựng dựa trên Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Khách hàng phải chứng minh được mình không có khả năng trả nợ đúng hạn theo hợp đồng do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, khách hàng phải có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tổ chức tín dụng đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không được vượt quá 12 tháng kể từ ngày hưởng ưu đãi và phải phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với từng khách hàng.

Một lãnh đạo cao cấp VietCredit cho hay: “Công ty đã nghiên cứu và đang triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng theo Thông tư 14. Chương trình mới triển khai nên chưa thể có số liệu cụ thể để chia sẻ”.

Một cách hỗ trợ khác của công ty tài chính là HD Saison, đang triển khai gói vay tiền mặt, lãi suất 1,17%/tháng, tương đương 14%/năm. Khách hàng tại các khu vực áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ có thể vay mà không phải chịu áp lực thanh toán trong vòng 4 tháng, vì kỳ thanh toán đầu tiên sẽ bắt đầu từ tháng thứ 5.

“Khoảng thời gian ân hạn sẽ giúp khách hàng có đủ thời gian để phục hồi khả năng tài chính khi tình hình dịch bệnh được cải thiện, giãn cách xã hội được nới lỏng và doanh nghiệp tái hoạt động kinh doanh”, một lãnh đạo cao cấp HD Saison nói.

Tương tự, Home Credit triển khai sản phẩm cho vay ưu đãi với hạn mức lên đến 100 triệu đồng, thời gian vay từ 3 - 57 tháng, thủ tục đơn giản, nhận kết quả xét duyệt trong 10 phút và không cần chứng minh thu nhập, không cần thế chấp tài sản. Lãi suất vay từ 26,8 - 28,8%/năm, tùy từng đối tượng khách hàng.

Theo lãnh đạo Home Credit, các giải pháp mà công ty tài chính nỗ lực đưa ra để chủ động giúp khách hàng không phải lo lắng việc hoàn thành khoản vay tại thời điểm giãn cách xã hội, nhất là thu nhập của người dân đang giảm sút do công việc bị ảnh hưởng từ dịch bệnh. Tuy nhiên, tùy theo chính sách của từng tổ chức tín dụng, các đề xuất hỗ trợ sẽ được đánh giá và phê duyệt phương thức phù hợp cho khách hàng. Do đó, khách hàng cần sớm chủ động liên lạc với nhân viên phụ trách xử lý tín dụng để được tư vấn và xem xét các tiêu chí phù hợp của chương trình theo từng thời kỳ được cập nhật.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục