Theo quyết định trên, tỉnh Bình Thuận lựa chọn Công ty Cổ phần Rạng Đông làm nhà đầu tư. Hạng mục hàng không dân dụng nói trên có tổng mức đầu tư hơn 1640 tỷ đồng với thời gian xây dựng 36 tháng. Dự án sẽ được khởi công đầu vào tháng 1 năm 2015 và hoàn thành vào năm 2018.
Sau khi dự án hoàn thành, chủ đầu tư được khai thác kinh doanh không quá 81 năm 1 tháng kể từ ngày bắt đầu thu phí hoàn vốn cho dự án. Thời gian chính thức sẽ được xác định trên cơ sở đàm phán, thương thảo tại Hợp đồng Dự án.
Dự án sân bay Phan Thiết có tổng diện tích là 543ha, đặt tại xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết. Đây là sân bay lưỡng dụng, đạt tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp I. Sân bay này thiết kế để có thể tiếp nhận các loại máy bay dân dụng ATR72, F-70, Bae 146-300, Bombardier và tương đương. Dự án có nhiều hạng mục như đường hạ cất cánh, dải hãm phanh, công trình dẫn đường, quản lý bay... Trong đó, nhà ga hàng không dân dụng, công suất tối đa 300 hành khách mỗi giờ cao điểm.
Mục tiêu của dự án sân bay Phan Thiết nhằm phục vụ hoạt động đi lại, du lịch với các chuyến bay nội địa hàng không dân dụng từ Phan Thiết đi Liên Khương, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc, Đà Nẵng, Phú Bài, Tuy Hòa, Phù Cát, Rạch Giá. Bên cạnh đó, dự án cũng có tầm ảnh hưởng trọng yếu đối với sự phát triển của tỉnh Bình Thuận cũng như chiến lược an ninh quốc phòng vùng biển, đảo khu vực duyên hải Nam Trung bộ.
Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương cho hay, công tác chuẩn bị để khởi xây dựng sân bay Phan Thiết vào ngày 18/1 tới đây đã cơ bản được hoàn thành theo đúng lịch trình.
Tập đoàn Rạng Đông là một tập đoàn tư nhân xây lắp hạ tầng, được thành lập từ năm 1991 (theo trang web của tập đoàn này), đến nay đã có 11 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, hạ tầng giao thông, sân gôn, xây dựng, khoáng sản, trồng rừng, bất động sản… và giờ tập đoàn này muốn mở rộng sang lĩnh vực hàng không dân dụng.
Được biết, dự án sân bay Phan Thiết tại xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết được quy hoạch giúp đảm bảo hoạt động hàng không dân dụng kết hợp với hoạt động quân sự. Trong đó, hạng mục hàng không dân dụng được Bộ Giao thông vận tải và chính quyền tỉnh Bình Thuận kêu gọi hình thức xã hội hóa. Theo quy hoạch giai đoạn đến năm 2020, sân bay Phan Thiết với quy mô khoảng 500.000 hành khách một năm. Đến năm 2030, lượng hành khách qua sân bay này lên đến 1 triệu khách mỗi năm. Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư của cả hạng mục quân sự quốc phòng và hàng không dân dụng có tổng vốn đầu tư khoảng 5.600 tỉ đồng. Trước đó vào tháng 11-2012, Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã trình Bộ Giao thông vận tải quy hoạch 4 cảng hàng không gồm Cát Bi, Quảng Ninh, Tân Sơn Nhất, Đồng Hới và 3 sân bay gồm Thọ Xuân, Quảng Trị, Phan Thiết. Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong năm 2013 này tiếp tục nghiên cứu việc áp dụng hình thức đầu tư PPP, BOT, BT… đối với các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không trong điều kiện đặc thù về quản lý chuyên ngành hàng không tại Việt Nam để tham gia chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp quản lý dự án theo phân công nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải.
Theo Saigon Times
|