Công ty Mỹ suýt phá sản vì đối tác Trung Quốc

Nạn ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ đã gần như hủy hoại American Superconductor khi họ làm ăn tại Trung Quốc.
Một trang trại turbine gió của Trung Quốc. Ảnh: CNN Một trang trại turbine gió của Trung Quốc. Ảnh: CNN

Hồi tháng 1, công ty công nghệ năng lượng có trụ sở tại Massachusetts này đã thắng một vụ kiện chống lại đối tác cũ tại Trung Quốc - Sinovel. Theo đó, Sinovel bị một tòa án liên bang Mỹ kết tội ăn cắp bí mật thương mại của American Superconductor.

“Chiến lược của họ là giết chết chúng tôi”, CEO Daniel McGahn cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên CNN.

Năm 2007, American Superconductor bắt đầu hoạt động tại Trung Quốc. Công ty này hợp tác với Sinovel - một doanh nghiệp sản xuất turbine gió. American Superconductor cung cấp công nghệ để vận hành các turbine này. 

Sự hợp tác sau đó đã biến AMSC thành một công ty tỷ USD. Họ xây nhà máy ở Trung Quốc, mở trung tâm thiết kế ở châu Âu và tạo thêm hàng trăm việc làm tại Trung Quốc cũng như Mỹ.

Tuy nhiên, đến tháng 3/2011, mọi việc bắt đầu rắc rối. McGahn cho biết Sinovel nợ American Superconductor 70 triệu USD, dù đã nhận hàng. Họ từ chối thanh toán, và từ chối luôn một lô hàng American Superconductor sắp xuất xưởng.

Cổ phiếu công ty Mỹ này mất nửa chỉ trong một đêm, khiến vốn hóa bốc hơi gần một tỷ USD. Họ cũng buộc phải sa thải 700 nhân sự. “Wall Street coi như là chúng tôi đã chết”, McGahn cho biết.

American Superconductor sau đó bắt đầu điều tra vì sao Sinovel đột ngột ngừng làm ăn với họ. Thế là họ tìm ra một nhân viên tại chi nhánh của American Superconductor ở Áo có tên Dejan Karabasevic.

Năm 2011, Karabasevic thú nhận nhân viên Sinovel đã hối lộ mình để lấy mã nguồn phần mềm điều khiển điện gió của American Superconductor. Anh được hứa hẹn 2 triệu USD, nhà cửa và cả một cuộc sống mới ở Trung Quốc.

McGahn cho biết mã nguồn này là “huyết mạch” của công ty mình. Karabasevic sau đó đã bị kết án một năm tù. “Cứ như là đọc tiểu thuyết điệp viên vậy”, McGahn cho biết, “Họ dùng chiêu từ thời Chiến tranh Lạnh để thuyết phục anh ta”.

Trong một tin nhắn rò rỉ, Karabasevica nói với một nhân viên Sinovel rằng “nếu anh thành công, Sinovel có thể độc lập khỏi AMSC”. Người kia đã trả lời rằng: “Thế thì tôi cần anh giúp nhiều đấy”.

Ủy ban Điều tra Ăn cắp Bản quyền Sở hữu Trí tuệ Mỹ cho biết tình trạng này khiến kinh tế Mỹ mất tới 600 tỷ USD mỗi năm. Còn Trung Quốc là “nước vi phạm chính về sở hữu trí tuệ trên toàn cầu”.

Quan hệ thương mại giữa hai nước gần đây lại thêm căng thẳng, khi Tổng thống Mỹ - Donald Trump cuối tuần trước ký biên bản ghi nhớ về việc áp thuế nhập khẩu với số hàng hóa Trung Quốc trị giá tới 60 tỷ USD, với cáo buộc vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ.

Theo các chuyên gia, một phần vấn đề là công ty nước ngoài ở Trung Quốc phải đối mặt với các hạn chế có thể khiến họ dễ tổn thương vì ăn cắp bản quyền hoặc bị buộc chuyển giao công nghệ.

Như trong trường hợp của American Superconductor, 70% mỗi turbine gió của Trung Quốc phải được sản xuất trên đất Trung Quốc. Đó là lý do họ phải mở nhà máy ở đây và hợp tác với Sinovel.

McGahn cho biết American Superconductor ý thức được rủi ro này. “Chúng tôi có các biện pháp bảo vệ rồi”, ông nói. Nhưng cuối cùng, nguyên nhân họ bị ăn cắp bí mật thương mại lại không phải vì chuyển giao công nghệ hay tội phạm mạng, mà là con người.

7 năm sau biến cố, McGahn cho biết American Superconductor đã quay lại quỹ đạo hoạt động. Công ty này đã mở rộng công nghệ sang cải thiện độ bền của lưới điện. Hè năm ngoái, họ còn giành được hợp đồng với Hải quân Mỹ về công nghệ giúp tàu chống mìn.

Phán quyết dành cho Sinovel sẽ được công bố vào ngày 4/6. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết muốn yêu cầu Sinovel trả tiền bồi thường 900 triệu USD cho American Superconductor.

McGahn tin rằng đây là cơ hội để Trung Quốc cho cả thế giới thấy họ coi trọng vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ. “Tôi cho rằng nó sẽ thay đổi phần nào chính sách kinh tế Mỹ - Trung”, ông kết luận.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục