Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có Quyết định số 19/QĐ – UBQLV phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 của Công ty Mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Theo đó, trong năm 2020, Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam với 7.000 lao động sẽ phải đạt doanh thu khoảng 2.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là – 168,4 tỷ đồng; không có nợ phải trả quá hạn, khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1; kế hoạch vốn tối đa không quá 77 tỷ đồng; nộp ngân sách 220 tỷ đồng.
Tại phần phụ lục của quyết định này, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, doanh thu này đã tính đến yếu tố khách quan gồm những tác động tiêu cực của việc thi công các dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đường sắt tuyến Hà Nội – Tp.HCM và việc Tổng công ty chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án Quản lý, khai thác và sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, không tính doanh thu cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia (80 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ - Tổng công Đường sắt Việt Nam trong năm 2020 cũng chưa tính đến việc trích lập dự phòng đối với các khoản mục được nêu ý kiến kiểm toán ngoại trừ tại Báo cáo tài chính năm 2017, 2018 (khoảng 807 tỷ đồng) đã được kiểm toán của Công ty mẹ.
Năm 2019, doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam với hơn 3 vạn lao động chỉ đạt 8.191,3 tỷ đồng, tuy bằng 100% so với cùng kỳ năm nhưng chỉ đạt 97,2% so với kế hoạch. Mức doanh thu này chỉ bằng 1/12 doanh thu của Vietnam Airlines và bằng 1/11 doanh thu của hãng hàng không thế hệ mới Vietjet. Đặc biệt, vận tải hành khách, hệ số sử dụng chỗ trên các đoàn tàu đường sắt rất thấp và tiếp tục giảm so với cùng kỳ.
“Năm 2019 kết quả kinh doanh của toàn Tổng công ty chưa đạt như kỳ vọng, thậm chí còn là một trong những giai đoạn khó khăn nhất lịch sử ngành đường sắt, tương tự như các năm 1979, 1984”, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lo lắng.