Công ty Đầu tư SCIC tháo chạy khỏi Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC - đơn vị thành viên của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, sẽ khó thoát được án phạt do rút lui đột ngột tại Dự án Đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Dự án Đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được xây dựng theo hình thức BOT Dự án Đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được xây dựng theo hình thức BOT

Nằng nặc xin dừng cuộc chơi

Vào đầu tuần trước, Ban Quản lý dự án An toàn giao thông (ATGT) – cơ quan đại diện nhà nước có thẩm quyền, đã  đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) áp dụng chế tài xử lý Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC, sau khi nhà đầu tư này nằng nặc đòi rút khỏi liên danh nhà đầu tư Dự án Đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

“Đề nghị Bộ GTVT xem xét khả năng không cho Công ty Đầu tư SCIC tham gia các dự án khác”, ông  Bùi Văn Rạng, Phó tổng giám đốc Ban Quản lý dự án ATGT kiến nghị. Ban Quản lý dự án ATGT cũng trình Bộ GTVT cho phép điều chỉnh Liên danh BOT Bắc Giang - Lạng Sơn từ 6 thành viên xuống còn 5 thành viên.

Trước đó, chỉ sau 1 tháng khởi công (tháng 7/2015), Công ty Đầu tư SCIC đã xin rút khỏi Dự án đầu tư tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn theo hình thức Hợp đồng BOT, với lý do “xuất hiện một số yếu tố khách quan, khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý có thể làm ảnh hưởng đến việc triển khai Dự án”.

Cần phải nói thêm rằng, để ra được đề xuất này, đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã phải xin ý kiến của Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về việc xử lý tình huống hy hữu nói trên.

Được biết, đến nay chưa từng có một nhà đầu tư nào bỏ cuộc sau khi đã ký hợp đồng sơ bộ, tình huống này cũng nằm ngoài các quy định tại Điều 87, Nghị định 30/2015/NĐ - CP ngày 17/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Cục Quản lý đấu thầu cũng đề nghị đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT có chế tài xử lý đối với Công ty Đầu tư SCIC trong việc tự ý rút khỏi liên danh, nhằm răn đe các trường hợp khác có thể xảy ra, cũng như xem xét không cho Công ty Đầu tư SCIC tham gia các công trình khác.

Phạt như thế nào?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo Ban Quản lý dự án PPP (Bộ GTVT) cho biết, đã nhận được văn bản của cơ quan đại diện nhà nước có thẩm quyền và đang xem xét xử lý phù hợp. Mặc dù việc Công ty Đầu tư SCIC xin rút khỏi dự án không làm phát sinh các trách nhiệm, nghĩa vụ tài chính với Bộ GTVT, cũng như các bên trong liên danh, nhưng việc này gây xáo trộn liên danh và mất thời gian để làm các thủ tục liên quan.

Về vấn đề phạt cấm tham gia đấu thầu các dự án BOT bao nhiêu lâu, có thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng hay không, sẽ phải cân nhắc kỹ.

Vị này cũng cho biết, lý do xin rút mà Công ty Đầu tư SCIC thông báo với Bộ GTVT vào tháng 7/2015 là “từng thành viên trong liên danh chỉ có được các cam kết riêng lẻ của các ngân hàng tài trợ và mới dừng ở mức nguyên tắc”, khiến Dự án có thể gặp khó khăn về vốn là không thực sự hợp lý.

Một thành viên trong liên danh có nhiều kinh nghiệm tham gia đầu tư các dự án BOT giao thông khẳng định, việc chỉ có cam kết riêng rẽ vào thời điểm đó là hết sức bình thường, đúng với thông lệ. Việc ký hợp đồng tín dụng chính thức với các nhà tài trợ chỉ được tiến hành sau khi Dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Trên thực tế, sau khi đánh giá lại hồ sơ yêu cầu đã được duyệt, Ban ATGT cho biết là liên danh nhà đầu tư (không bao gồm Công ty Đầu tư SCIC) vẫn đáp ứng được về năng lực kinh nghiệm, năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu và cam kết tín dụng theo các tiêu chí trong hồ sơ yêu cầu đã được duyệt.

Hiện các thành viên liên danh, bên cạnh cam kết nhận trách nhiệm, nghĩa vụ đối với phần công việc của Công ty Đầu tư SCIC, đã cung cấp thư bảo đảm dự thầu và các cam kết tín dụng điều chỉnh, bổ sung theo thỏa thuận liên danh đã được điều chỉnh.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục