World Cup luôn là một mỏ vàng cho các doanh nghiệp lớn trên toàn thế giới và sự kiện năm nay tại Nga cũng không ngoại lệ. Nhưng trong thời điểm nhiều công ty Mỹ và châu Âu rút rui do lo ngại nạn tham nhũng, sự hiện diện của các nhà tài trợ Trung Quốc nổi lên một cách bắt mắt, đặc biệt là các công ty công nghệ.
Không giống các dạng tiếp thị khác, tiếp thị thể thao về bản chất là một loại tiếp thị cảm xúc và có ý nghĩa to lớn đối với việc định hình giá trị thương hiệu.
Đây được xem là lý do khiến các công ty Trung Quốc không ngại chi mạnh tay để lấy về các quyền tài trợ tại sự kiện thể thao mùa hè này.
"Ngoài đội tuyển bóng đá nam, những người khác về cơ bản đều đã tới World Cup", tuy chỉ xuất phát từ một lời châm biếm khá phổ biến trên mạng Internet tại quốc gia này thời gian gần đây, câu nói này đã phản ánh một thực tế khá bất ngờ là các yếu tố Trung Quốc đang hiện diện rất nhiều và mạnh mẽ tại Nga mùa hè này.
Theo Chinadaily, so với chỉ có một công ty Trung Quốc (Yingli) trong danh sách các nhà tài trợ World Cup 2014 tại Brazil, World Cup 2018 năm nay có tới 7 nhà tài trợ đến từ Trung Quốc, trong đó có các cái tên nổi bật trong giới công nghệ như hãng điện thoại di động Vivo, hãng TV và tủ lạnh Hisense, hãng xe điện Yadea và tập đoàn đa ngành Dalian Wanda.
Chia sẻ trên Weibo, nhiều thành viên cho biết thay vì hú hét bởi các pha bóng gay cấn, trong các trận đấu, nhiều người cảm thấy vui mừng tột độ khi thấy các biển quảng cáo của thương hiệu Trung Quốc hiện lên trên màn hình.
"Thay vì xem các cầu thủ Ả Rập nỗ lực cứu bóng, tôi lại thích thú với dòng chữ Vivo trên biển quảng cáo ngoài sân hay logo của Wanda gần băng ghế dự bị", một người dùng Weibo chia sẻ sau trận khai mạc. Một số người khác thì chia sẻ cảm giác thích thú khi thấy biểu tượng thương hiệu của Hisense.
Bên cạnh đó còn nhiều đơn vị khác cũng mạnh dạn bước chân vào sân chơi mới mẻ này với mong muốn khuếch đại giá trị thương hiệu thông qua "hiệu ứng World Cup" và giành được thị phần trên thị trường quốc tế.
Đầu tiên là việc người hâm mộ thể thao Trung Quốc có thể sử dụng phương thức thanh toán di động Alipay cho hệ thống tàu điện ngầm ở Nga. Khách du lịch đơn giản chỉ cần quẹt thẻ là có thể di chuyển khắp mọi nơi, mang lại sự thuận tiện đáng kể khi giảm bớt khó khăn về khảng cách ngôn ngữ.
Không chỉ tàu điện ngầm, khoảng 4.000 doanh nghiệp Nga bao gồm nhiều cửa hàng bách hóa, cửa hàng miễn thuế, siêu thị địa phương... cũng chấp nhận việc quét mã Alipay khi thanh toán cho khách du lịch Trung Quốc.
Đây được cho là biện pháp kích cầu mua sắm hiệu quả, dành riêng để phục vụ cho du khách Trung Quốc, những người rất chịu chi khi mua sắm.
Ga tàu điện ngầm ở Nga, nơi du khách Trung Quốc tới xem World Cup có thể tự tin "quẹt điện thoại" thanh toán.
Còn về linh vật của World Cup, Zabikaka, với nguyên mẫu là một con sói đồng bằng của Siberia, chúng sẽ được sản xuất bởi một Fude, một công ty Trung Quốc có nhà máy chính ở Quảng Đông. Được cấp phép chính thức, công ty này chịu trách nhiệm về việc định giá, sản xuất và bán linh vật trên quy mô toàn cầu (trừ tại nước chủ nhà Nga).
Ngoài ra, đơn vị này đã giành được giấy phép của gần 100 loại sản phẩm liên quan như đồ chơi sang trọng, cốc, móc khóa và áo.
Để có thể đáp ứng nhu cầu khổng lồ của thị trường, công ty đã phải hợp tác với các công ty con của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba. Khách hàng trên khắp thế giới và tại Trung Quốc có thể đặt mua trực tuyến và nhận hàng tại nhà dễ dàng hơn cả việc ra các cửa hàng để tìm kiếm sản phẩm.
Ngoài linh vật biểu tượng, nhiều món đồ khác như món quà lưu niệm dành cho các đội bóng tham dự World Cup 2018 cũng được một công ty Trung Quốc bao thầu. Có thể nói, sức mạnh của "Made in China" một lần nữa gây đã gây ân tượng với thế giới.
Về lĩnh vực điện máy, tại 12 sân vận động diễn ra các trận bóng của World Cup 2018, tập đoàn sản xuất điều hòa Trung Quốc là Gree đã giành được gói thầu để trở thành nhà cung cấp chính cho hệ thống điều hòa không khí ở các địa điểm này.
Ngoài điều hòa không khí, 67 thang máy ở hai sân vận động mới là Mordovian và Samara cũng do một công ty Trung Quốc chịu trách nhiệm sản xuất và lắp đặt.
Hàng hóa "Made in China" sẽ đi khắp thế giới nhờ World Cup và sự phát triển của dịch vụ thương mại điện tử. Trong ảnh là linh vật Zabikaka của World Cup 2018.
Còn trong nước, với phần lớn người hâm mộ bóng đá muốn xem hết các trận đấu tại nhà, các công ty kinh doanh trên Internet ở Trung Quốc từ vài tháng qua đã chuẩn bị các kế hoạch đa dạng và khéo léo để tích hợp chúng với việc buôn bán và cung ứng dịch vụ.
Về bản quyền phát sóng, trong 40 năm qua, CCTV là đơn vị độc quyền trong việc phát sóng các mùa World Cup tại Trung Quốc. Năm nay, dưới một số thỏa thuận, bản quyền phát sóng được san sẻ cho hai đơn vị khác là Youku và Migu.
Tuy nhiên, các số liệu trong vài ngày vừa qua cho thấy CCTV vẫn chiếm hơn 90% lượng truy cập, với con số kỷ lục là hơn 600 triệu người xem trên cả TV lẫn các phương tiện di động.
Số tiền thu được từ quảng cáo, đặc biệt từ số lần click quảng cáo trên thiết bị di động, được ghi nhận ở mức tăng đột biến.
Theo Sina, trong những ngày bắt đầu mùa World Cup vừa qua, kênh thể thao CCTV-5 có thêm hàng trăm nghìn người dùng mới mỗi ngày còn số lượng đăng nhập mới trên ứng dụng di động của nó thì lên tới con số hàng triệu.
Đại diện CCTV cho biết đây là kết quả của việc tối ưu hai trải nghiệm được người dùng quan tâm nhất: một là bình luận, hai là chất lượng hình ảnh.
Việc đảm bảo tiêu chuẩn hình ảnh cao với độ trễ thấp, dựa trên nền tảng kỹ thuật mạnh đã thể hiện sự vượt trội so với hai đối thủ còn lại, đưa CCTV thành lựa chọn ưu tiên với người hâm mộ thể thao.
Không chỉ vậy, năm nay khán giả Trung Quốc sẽ không chỉ đắm chìm trong các kênh xem bóng đá trực tiếp trên TV mà còn có cơ hội tận hưởng các chương trình liên quan đến từ các kênh kỹ thuật số, bên cạnh nhiều dịch vụ trò chơi hay đặt hàng ăn trực tuyến.
Dịch vụ video trực tuyến Youku, trực thuộc tập đoàn Alibaba, mới đây đã đưa ra trải nghiệm mới cho người xem, khiến họ không thể ngồi yên và xem các trận đấu.
Bởi đi kèm với 64 trận bóng là một loạt các chương trình khuyến mãi để tăng cường sự tương tác của người tiêu dùng, bao gồm các chương trình nói chuyện, bán hàng và tặng quà.
"Chúng tôi không chỉ phát trực tuyến các trận bóng mà còn thúc đẩy sự kiện thể thao này để giới thiệu cách mà Youku có thể nắm bắt cơ hội trong thị trường thể thao Trung Quốc bằng cách xây dựng nội dung và sự phấn khích", Yang Weidong, chủ tịch của Youku nói.
Đơn vị này cũng tổ chức một chương trình dành riêng cho trẻ em, bên cạnh việc phân phối nội dung theo chủ đề World Cup dưới dạng các video ngắn, âm nhạc và đồ họa qua các đơn vị trên nền tảng Alibaba.
Trong khi đó Hema, một siêu thị chuyên về thực phẩm tươi sống (cũng của Alibaba), sẽ cung cấp dịch vụ giao hàng hải sản suốt cả ngày lẫn đêm để phục vụ khách xem bóng đá.
Migu, một công ty con của tập đoàn quốc doanh China Mobile Communications Corp, cũng là đối tác của CCTV trong việc phát sóng World Cup trên các kênh truyền thông và viễn thông kỹ thuật số.
Cách đây vài ngày, công ty đã công bố quan hệ đối tác với Weibo, liên quan đến việc hợp tác phân phối và quảng bá các video ngắn, chương trình do World Cup sản xuất cũng như các tính năng tương tác khác.
Ngoài các hình thức kinh doanh chính thống, theo iFeng, một loại hình dịch vụ khá nổi tiếng khác được nhiều người nhắc tới thời điểm này là "xổ số Internet" hay "xổ số thể thao".
Đây là dạng xổ số, cá cược ăn theo các sự kiện thể thao được các công ty tư nhân đứng ra tổ chức, như trước đó tại World Cup 2014 là Alibaba, Tencent hay Baidu. Mọi người có thể cá cược bằng một cú nhấp chuột hay sử dụng điện thoại thông minh.
Tuy nhiên, năm 2015, Bộ tài chính cùng Bộ nội vụ và cơ quan quản lý thể thao Trung Quốc đã đưa ra lệnh cấm loại hình này.
Mùa World Cup năm nay, tuy không xuất hiện một cách chính thức, rất nhiều ứng dụng có nội dung tương tự đã được phát hành và chiếm nhiều vị trí cao trên các chợ ứng dụng như App Store tại quốc gia này.
Các hình thức kinh doanh, thanh toán cũng trở nên đa dạng và khéo léo hơn để tránh việc kiểm soát của các cơ quan chức năng.