Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC) với bài toán cân não về thị trường

Từ đầu năm 2019, Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam (mã SSC, sàn HoSE) đã thực hiện chính sách bán hàng trả chậm để mở rộng thị trường. Đây có thể là một bài toán cân não, với lằn ranh giữa thành công và rủi ro rất mong manh.
Việc doanh nghiệp thực hiện chính sách bán chịu tuy có tác dụng kích thích khách hàng mua hàng nhiều hơn, nhưng đi kèm với đó là rủi ro phát sinh nợ xấu. Việc doanh nghiệp thực hiện chính sách bán chịu tuy có tác dụng kích thích khách hàng mua hàng nhiều hơn, nhưng đi kèm với đó là rủi ro phát sinh nợ xấu.

Chủ động bán hàng

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư mới đây về việc các khoản phải thu ngắn hạn trong quý I/2019 đã tăng gấp hơn 2 lần so với đầu năm, ông Nguyễn Đình Nam, Phó tổng giám đốc SSC cho biết, các khoản phải thu ngắn hạn tại thời điểm ngày 31/3/2019 tăng 75 tỷ đồng, gấp đôi so với thời điểm 31/12/2018. Lý do là quy mô kinh doanh quý I/2019 tăng lên, trong đó có việc triển khai một số chính sách bán hàng để mở rộng thị trường...

Ông Nam cho biết thêm, toàn bộ các khoản phải thu của Công ty đều có tuổi nợ trong hạn mức, không có nợ xấu rủi ro phát sinh trong quý I/2019, vì việc tăng số dư nợ là chính sách chủ động bán hàng của Công ty.

Nhìn vào con số thực tế quý I/2019 của SSC có thể thấy, tổng doanh thu 3 tháng đầu năm đạt 139,3 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước, tổng chi phí mà SSC dành cho chiết khấu thương mại có chiều hướng giảm hơn so với năm trước, nhưng tình trạng hàng bán bị trả lại có chiều hướng tăng khá mạnh. Cụ thể, giá trị bị trả lại trong quý I/2019 là gần 1,9 tỷ đồng (tăng gấp hơn 10,5 lần so với quý I/2018).

Tại thời điểm ngày 31/3/2019, các khoản phải thu ngắn hạn là hơn 140 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước là gần 66 tỷ đồng). Trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng là khoản mục tăng mạnh nhất trong cơ cấu các khoản phải thu ngắn hạn, từ 51,7 tỷ đồng cùng kỳ năm trước lên 104,8 tỷ đồng trong quý I năm nay (tăng hơn gấp đôi). Ngoài ra, các khoản phải thu ngắn hạn khác tuy chiếm tỷ trọng không lớn trong cơ cấu các khoản phải thu, nhưng tốc độ tăng cũng khá mạnh, từ 7,4 tỷ đồng quý I/2018, lên mức 32,4 tỷ đồng trong quý I/2019.

Bài toán cân não về thị trường

Trên thực tế, việc đẩy mạnh bán hàng bằng chính sách cho khách hàng mua hàng trả chậm là một trong những phương án được nhiều doanh nghiệp thực hiện, nhằm tạo sự thông thoáng cho khách mua hàng. Tuy nhiên, đây cũng là một bài toán cân não và việc lựa chọn chính sách bán chịu ở mức độ như thế nào cũng sẽ có ảnh hưởng đan xen đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, xét cả trên góc độ tích cực và tiêu cực.

Việc doanh nghiệp thực hiện chính sách bán chịu tuy có tác dụng kích thích khách hàng mua hàng nhiều hơn, nhưng đi kèm với đó là rủi ro phát sinh nợ xấu. Theo đó, doanh nghiệp khi quyết định cho bán chịu hàng hóa thường đưa ra một số tiêu chí cơ bản như vốn, khả năng trả nợ của khách hàng; tài sản thế chấp; tiêu chuẩn bán chịu; điều khoản bán chịu; chính sách và quy trình thu hồi nợ…

Đối với SSC, tại thời điểm ngày 31/3/2019, dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi có giá trị gần 7,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là khoản tồn đọng từ quá khứ và xét riêng trong quý I, Công ty chưa có phát sinh khoản nợ xấu mới nào.

Trong chính sách bán hàng trả sau, ngoài rủi ro có thể phát sinh nợ xấu, thì doanh nghiệp cũng có thể sẽ phải chịu chi phí tài chính gia tăng do bị chôn vốn trong những khoản bán hàng mà chưa thu được tiền. Tuy vậy, với trường hợp thực tế SSC, trong quý I/2019, công ty này không chỉ gia tăng bán chịu hàng hóa, mà còn có cả động thái mua chịu từ đối tác cung ứng hàng hóa đầu vào, đồng thời cũng gia tăng cả các giao dịch bán hàng nhận tiền trước khi giao hàng.

Cụ thể, nợ phải trả của SSC tại thời điểm ngày 31/3/2019 là 210,7 tỷ đồng, tăng 62% so với đầu năm. Trong đó, một số khoản mục làm tăng nợ là phải trả người bán ngắn hạn tăng gần 7,7 lần, các khoản người mua trả tiền trước tăng 2,5 lần so với đầu năm.

Chí Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục