NSC hiện là công ty có quy mô lớn nhất trong ngành giống cây trồng Việt Nam đã được Pan Farm (thuộc CTCP Tập đoàn PAN) sở hữu trên 80% vốn vào các năm trước với định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, bổ sung vào chuỗi giá trị của PAN. Thông qua NSC, vốn tiếp tục được rót vào SSC với tỷ lệ sở hữu trên 90% để mở rộng vào khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Đại hội đồng cổ đông của NSC năm 2016 từng nóng lên vấn đề hậu sáp nhập SSC, khi kết quả kinh doanh của SSC năm 2015 giảm khá mạnh. Tính tới thời điểm này, những đồng vốn của NSC bỏ ra để M&A chưa thực sự mang lại hiệu quả cao, nhưng nhìn chung chủ trương Ban lãnh đạo NSC đề ra cùng việc tái cấu trúc SSC đã ghi nhận sự tích cực nhất định. Thương vụ M&A này cung cấp một góc nhìn cụ thể, từ đó hỗ trợ nhà đầu tư có thêm những đánh giá riêng trong các thương vụ M&A khác.
Hiệu quả trước và sau M&A
Về vấn đề này, đa phần giá trị trong các thương vụ rơi vào tay bên bán và lợi ích cộng hưởng không đạt được như kỳ vọng của bên mua. Một công ty khi thâm nhập vào ngành mới hoặc thị trường mới xem xét nhiều yếu tố để đưa ra được 2 quyết định: Một là, thành lập một pháp nhân mới, sau đó xây lại từ đầu mọi thứ từ cơ sở vật chất, con người đến thương hiệu…; hai là, thông qua các pháp nhân hiện hữu đàm phán mua lại cổ phần, việc làm này tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, giúp công ty mở rộng nhanh hơn.
NSC bắt đầu mua cổ phiếu SSC vào năm 2014 với tỷ lệ sở hữu 40%, năm 2015 chính thức hợp nhất với tỷ lệ sở hữu 61,4% và hiện tăng lên 94,66%, tương đương 12,79 triệu cổ phiếu SSC. Tổng giá gốc NSC phải bỏ ra cho toàn bộ số cổ phiếu này là gần 781 tỷ đồng (tương đương 61.000 đồng/CP), tương ứng P/E bình quân 4 năm (2015-2018) khoảng 12 lần.
Thực tế, tuy là nước nông nghiệp, nhưng quy mô ngành giống cây trồng Việt Nam còn rất hạn chế, hàng năm đều phải nhập khẩu hàng trăm triệu USD tiền giống, thị trường khá phân tán với khoảng 260 doanh nghiệp hoạt động tại các địa phương, trong đó 6 doanh nghiệp đầu ngành là NSC, SSC, TSC, Giống cây trồng Thái Bình, Giống cây trồng An Giang, Lộc Trời nắm giữ 30% thị phần của cả nước.
NSC có thế mạnh tại khu vực phía Bắc và Trung bộ chiếm khoảng 25% thị phần lúa giống và 27% thị phần ngô, SSC tập trung ở khu vực phía Nam với thị phần bắp giống quanh 10%. Như vậy, có thể nói, thương vụ này nhằm mục đích hợp nhất để mở rộng thị trường. Chiến lược của PAN là đi mua những công ty mạnh trên từng sản phẩm để nắm giữ thị trường, cơ sở vật chất và sở hữu trí tuệ.
Nhìn lại kết quả kinh doanh của cả 2 doanh nghiệp giai đoạn 2006-2014 trước khi hợp nhất đều rất ấn tượng. Đối với NSC, doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng kép lần lượt 24% và 36%, còn SSC đạt tương ứng 19% và 18%. Tổng lợi nhuận SSC tạo ra giai đoạn này tương ứng 1,33 đồng trên 1 đồng vốn bỏ ra (chủ yếu là vốn chủ sở hữu), tỷ suất lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế bình quân đạt 31,2% và 14%.
Tuy nhiên, từ 2014 tới nay, tổng lợi nhuận sau thuế tạo ra là hơn 324 tỷ đồng trên tổng vốn sử dụng khoảng 1.014 tỷ đồng, tương đương 3 đồng vốn bỏ ra thu lại 1 đồng lợi nhuận, tức là hiệu suất không còn tốt như giai đoạn trước do SSC gặp khó khăn cả về nội tại (quản trị doanh nghiệp) cũng như bên ngoài (khí hậu, dịch bệnh...).
Tổng số tiền NSC bỏ ra là 781 tỷ đồng, lợi thế thương mại kế toán ghi nhận hơn 250 tỷ đồng, tức giá trị hợp lý là khoảng 531 tỷ đồng. Tính từ thời điểm đầu tư, tổng lợi nhuận từ năm 2014 tới nay, NSC thu về khoảng 303 tỷ đồng (khoảng 39% lượng vốn đầu tư ban đầu).
Tại thời điểm trước M&A, về mặt tiềm lực và hiệu quả tài chính, NSC nhìn chung tốt hơn SSC với nguồn vốn rót thêm từ cổ đông lớn. Từ năm 2013 tới nay, NSC đã đầu tư tổng cộng hơn 283 tỷ đồng vào các dự án và hơn 430 tỷ đồng cho công tác R&D (nghiên cứu và phát triển). Mới đây, ngày 17/4/2019, NSC triển khai xây dựng Trung tâm Công nghiệp chế biến giống và nông sản quy mô 30.000 tấn giống và 50.000-60.000 tấn nông sản/năm tại tỉnh Đồng Tháp với tổng vốn đầu tư 308,2 tỷ đồng và dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 10 tới.
Với SSC, tuy là đơn vị nòng cốt của NSC, nhưng sau hợp nhất, tình hình kinh doanh lại không mấy thuận lợi chủ yếu do yếu kém trong công tác quản trị. SSC có đội R&D mạnh, nguồn gen tốt, nhưng chưa phối hợp tốt với đội phát triển sản phẩm của NSC, dẫn tới tình trạng sản phẩm được đưa tràn lan vào chi nhánh mà không hiểu nhu cầu thị trường nên tiêu thụ kém, đồng thời chất lượng hàng hóa không đảm bảo.
Năm 2015, SSC không đạt tỷ lệ cơ cấu sản phẩm khoa học công nghệ nên thuế thu nhập doanh nghiệp tăng. Năm 2016, SSC tiếp tục đạt kết quả kinh doanh không khả quan do đứng vai trò phân phối các sản phẩm ngô giống của nước ngoài, không tập trung kinh doanh mảng lúa lai, bộ phận marketing không phát triển nên không có được lượng khách hàng lâu dài.
Hiện tại, tình hình kinh doanh của SSC đã cải thiện, nhưng những khó khăn điển hình giai đoạn trước vẫn tồn tại như bộ sản phẩm rau - bắp vàng chưa đủ mạnh, sản phẩm chiến lược dẫn dắt thị trường chưa có, các sản phẩm độc quyền còn hạn chế so với nhu cầu kinh doanh, khả năng nắm bắt xu hướng sản phẩm thị trường còn hạn chế...
Năm 2019, SSC đặt kế hoạch doanh thu tăng trưởng 18%, nhưng lợi nhuận không tăng do không còn được hưởng ưu đãi thuế cho doanh nghiệp khoa học công nghệ (phải nộp thuế suất thu nhập doanh nghiệp 20%).
Bức tranh thị trường giống cây trồng hậu M&A
Ngành giống cây trồng Việt Nam được đánh giá là còn nhiều dư địa phát triển, dự báo tới năm 2021, quy mô thị trường này có thể đạt 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt chưa cao và ngành đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn cho nghiên cứu, phát triển.
Thực tế, để lai tạo ra một giống mới cần 4-5 năm để khảo nghiệm, sản xuất thử và cấp bằng sở hữu trí tuệ, chưa kể các giống cây ăn quả có thể lên tới hàng chục năm. Chính vì điều này mà rất ít doanh nghiệp nội tham gia lĩnh vực lai tạo giống, thị phần chủ yếu nằm trong tay các công ty nước ngoài.
Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long hiện có hơn 100 giống lúa, nhưng chỉ có khoảng 4 giống có thể sản xuất gạo bán với giá từ 600-800 USD/tấn. Hiện có 90% các loại giống yêu cầu công nghệ cao, đặc biệt là các loại giống hoa, rau cao cấp, lúa lai cần nhập khẩu 70% nhu cầu, điểm yếu cốt lõi vẫn là chất lượng gen. Nguồn gen quý hiếm của Việt Nam đang dần mất đi, các nước c
ó công nghệ tiên tiến đã lấy về cải tiến và đưa vào thương mại, trong khi các công ty bản địa vẫn đang loay hoay với câu chuyện tổ chức sản xuất, quản trị, bảo vệ bản quyền, xây dựng thương hiệu...
Với NSC, thách thức lớn nhất là quy mô diện tích chuỗi quá nhỏ, phân tán, diện tích đất nông nghiệp đang mất đi nhanh chóng do quá trình đô thị hóa, bà con nông dân tham gia chuỗi chưa chuyên nghiệp, đặc biệt là thói quen "tự cung, tự cấp" lúa giống.
Thực tế cho thấy, nông dân thường tự sản xuất giống, vừa sử dụng cho nhà mình, còn thừa thì cung ứng cho các hộ xung quanh, trong khi giống thường không được cơ quan quản lý về giống cây trồng quản lý, giám sát chặt chẽ nên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa thương phẩm.
Kết thúc năm 2018, NSC nắm giữ 19% thị phần giống cây trồng cả nước (tăng trưởng 3,2%), sản lượng đạt 74.227 tấn (tăng trưởng 16%) với mạng lưới công ty 29 đơn vị thành viên, hơn 1.711 đại lý cấp 1 phân bố trên toàn quốc.
Vốn đầu tư cho tài sản cố định khoảng 291 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế tạo ra gần 985 tỷ đồng trên tổng vốn đầu tư là 1.049 tỷ đồng cho thấy hiệu quả đầu tư đã được cải thiện. Về công suất thiết kế cho chế biến sản phẩm là 90.000 tấn/năm, tức Công ty có khả năng đáp ứng sản lượng tiêu thụ tăng thêm khoảng 20% và sau tháng 10/2019 sẽ nâng tổng công suất chế biến lên 120.000 tấn/năm.
Các thương vụ mua lại rất phức tạp và thường có ít thông tin để nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể phân tích, NSC và các công ty trong chuỗi giá trị nông nghiệp vẫn có thể là những khoản đầu tư dài hạn, nhưng để nắm giữ cổ phiếu, nhà đầu tư cần hiểu sâu sắc về doanh nghiệp.
Về lợi thế cạnh tranh lâu dài, theo quan điểm của người viết, NSC có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại ở các sản phẩm độc quyền và sản phẩm mới với tính năng thích nghi cao như lúa, ngô... Lợi thế của NSC một phần tới từ thương hiệu lâu năm, sự liên kết chặt chẽ với người nông dân, qua đó giúp Công ty thấu hiểu hơn nhu cầu, nỗi lo của họ, từ đó có thể đưa sản phẩm tới tận các ngóc ngách làng, xã.
Vào tháng 5/2014, NSC phát hành hơn 5 triệu cổ phiếu (quyền mua 2:1, giá 65.000 đồng/CP) thu về hơn 328 tỷ đồng (bằng vốn chủ sở hữu của NSC thời điểm đó), gấp đôi giá trị sổ sách và thấp hơn khoảng 16% so với giá thị trường thời điểm đó. Cổ đông lớn SCIC đã không thực hiện quyền và chuyển nhượng toàn bộ 11% vốn cho công ty liên quan với PAN.
Theo Ban lãnh đạo NSC, việc phát hành nhằm tạo nguồn vốn xây dựng 2 nhà máy mới cùng hệ thống kho, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, đợt phát hành quyền mua này nhìn “giống” phát hành cho cổ đông chiến lược hơn là quyền mua cho cổ đông hiện hữu vì mức giá cao, gây khó khăn cho các cổ đông nhỏ lẻ, đồng thời cổ phần sẽ bị pha loãng rất nhiều nếu không thực hiện quyền mua.
Như vậy, nhìn chung “cuộc chơi” ở đây chỉ bao gồm các cổ đông lớn nhất, nhà đầu tư nhỏ lẻ hầu như có ít cơ hội tham gia do không có nhiều thông tin. Các lãnh đạo liên quan tới nhóm cổ đông lớn nhất đã được bầu vào HĐQT NSC từ năm 2012. Một vấn đề khác, vì Pan Farm và nhóm cổ đông liên quan thời điểm đó chưa niêm yết trên sàn chứng khoán nên thị trường không thể biết được tổng nguồn vốn tài trợ cho đợt mua lại này của họ. Vậy nên cổ đông chỉ xem xét được tính hiệu quả chủ yếu về mặt tài chính giai đoạn hậu M&A.