Ngày 28/1/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt Công ty Chứng khoán Trí Việt (TVSC, mã TVB) và Công ty Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APEC, mã APS) do cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán cho khách hàng, phối hợp với tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán nhưng chưa báo cáo và chưa được cơ quan này chấp thuận.
Bên cạnh mức phạt tiền 250 triệu đồng, hai công ty chứng khoán còn chịu hình phạt bổ sung là đình chỉ cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày ký quyết định.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Đức Quân, Giám đốc Kinh doanh Khối Chứng khoán APEC phân trần, dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán đã có từ 10 năm trước, các công ty chứng khoán vẫn thực hiện dịch vụ này như một nghiệp vụ đương nhiên mà không cần đăng ký. Tuy nhiên, khi Luật Chứng khoán 2021 có hiệu lực, tất cả các khoản vay, trong đó có ứng trước tiền bán chứng khoán đều phải xin ý kiến, đăng ký và được sự đồng ý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới được cung cấp.
“APEC chưa nắm được thông tin trên, dẫn đến tình trạng vô tình vi phạm”, ông Quân nói.
Cũng theo ông Quân, “sau khi thấy một vài trường hợp bị phạt vì lỗi trên, rất nhiều công ty chứng khoán mới bắt đầu đổ xô đi đăng ký lại dịch vụ này, vì cũng rất ít đơn vị nắm bắt được thông tin từ luật mới.
Trong khi đó, ông Vũ Văn Toản, Quyền Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt chia sẻ: “Có thể do Trí Việt chưa kịp cập nhật nên không nắm được thông tin hoặc hiểu sai rằng ứng trước tiền bán chứng khoán là dịch vụ cơ bản, nhưng thực ra đó cũng là khoản vay. Ngay sau khi nhận quyết định, chúng tôi đã chấp hành quy định, nộp phạt đầy đủ”.
Ứng trước tiền bán chứng khoán đã trở thành một dịch vụ quen thuộc với các nhà đầu tư chứng khoán. Theo quy định, 3 ngày sau khi giao dịch bán chứng khoán, tiền bán mới được đổ về tài khoản của nhà đầu tư.
Trong thời gian đó, nhà đầu tư có thể sử dụng dịch vụ ứng trước một phần hoặc toàn bộ số tiền đã bán để mua cổ phiếu khác, hoặc rút ra khỏi tài khoản. Nhà đầu tư sẽ phải trả cho công ty chứng khoán một khoản phí - được tính bằng số ngày vay thực tế của khách hàng nhân với lãi suất cho vay theo quy định của các công ty.
Theo biểu phí dịch vụ của Trí Việt, dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán là 0,045%/ngày, tối thiểu 50.000 đồng/ngày. Đối với Chứng khoán APEC, mức phí là 0,022%, tối thiểu 20.000 đồng/ngày.
Với quyết định xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mỗi công ty chứng khoán trên không chỉ tốn 250 triệu đồng tiền phạt mà mất đi nguồn thu không nhỏ từ dịch vụ này trong vòng 2 tháng.
Hơn thế nữa, theo Quyền Phó tổng giám đốc Trí Việt, khách hàng đang phàn nàn rất nhiều về điều này.
“Thời gian gần đây, khách hàng của Trí Việt đã rút đi rất nhiều bởi bán cổ phiếu xong mà không được ứng tiền để mua cổ phiếu khác. Điều này khiến tình hình kinh doanh của Công ty bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là kết quả kinh doanh trong quý I”, ông Toản lo ngại.
Cùng chung nỗi lo, ông Nguyễn Đức Quân cho biết: “Bị phạt tiền là một chuyện, bên cạnh đó còn là thiệt hại chi phí. Nhà đầu tư đang mua bán chứng khoán mà APS không cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán như bao nhiêu năm nay vẫn làm sẽ rất dễ mất khách, mất doanh thu”.
Thực tế, nhà đầu tư sẽ khó tránh khỏi tâm lý nghi ngại khi mở tài khoản đầu tư ở một đơn vị “cung cấp dịch vụ trái phép”. Điều này sẽ ảnh hưởng tới uy tín của các công ty chứng khoán này nói riêng, cũng như của ngành chứng khoán nói chung.
Kiến nghị được nhiều công ty chứng khoán đưa ra, cơ quan quản lý nên tổ chức các buổi tập huấn, truyền thông về quy định mới. Đồng thời, trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện thiếu sót có thể gửi công văn cảnh báo, nhắc nhở các đơn vị nhanh chóng khắc phục.