Công ty chứng khoán trên đường đua công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuộc đua đầu tư cho hệ thống công nghệ trong khối công ty chứng khoán ngày càng nóng, trước những yêu cầu cao hơn từ cơ quan quản lý và từ chính khách hàng.
Nhờ sự phát triển của công nghệ, nhà đầu tư chứng khoán có thể giao dịch mọi lúc mọi nơi Nhờ sự phát triển của công nghệ, nhà đầu tư chứng khoán có thể giao dịch mọi lúc mọi nơi

Tạo lợi thế riêng

Đầu năm 2024, Công ty Chứng khoán DNSE thực hiện IPO 30 triệu cổ phiếu nhằm huy động 900 tỷ đồng qua hình thức đấu giá online. Đây là lần đầu tiên nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu IPO trực tuyến.

Đáng chú ý, cổ phiếu DNSE sẽ được chào bán lần đầu theo hình thức dựng sổ, tức là phân phối ưu tiên về giá, mức giá đặt mua cao hơn sẽ được ưu tiên phân phối trước. Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể dễ dàng tìm kiếm tất cả thông tin doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh, chiến lược sau IPO và đặt lệnh đăng ký, đặt cọc mua cổ phiếu ngay trên kênh chào bán cổ phiếu lần đầu của DNSE. Việc thực hiện chào bán cổ phiếu IPO 100% online cũng là một sự khẳng định cho chiến lược lấy công nghệ làm trọng tâm phát triển của công ty chứng khoán này.

Trước đó, DNSE ra mắt hàng loạt sản phẩm số như hệ thống quản trị và cho vay theo từng giao dịch (margin deal), Ensa - Trợ lý đầu tư AI đầu tiên trên thị trường, hay chiến lược kết nối API với các đối tác như ví điện tử ZaloPay…

Theo ông Bạch Quốc Vinh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán DSC, trong một thị trường ngày càng cạnh tranh và đa dạng, đầu tư công nghệ là một hướng đi của các công ty chứng khoán nhằm cung cấp các sản phẩm khác biệt, tạo lợi thế thu hút khách hàng. Không nằm ngoài mục tiêu đó, DSC đang triển khai xây dựng hệ thống phần mềm giao dịch mới. Hệ thống giao dịch DSC được triển khai trên các nền tảng Home Trading, Web trading, Mobile app…, tích hợp nhiều tính năng giao dịch, phân tích, tổng hợp thông tin, an toàn, bảo mật, nhằm mang đến cho khách hàng công cụ giao dịch hiện đại và hiệu quả. Đây chỉ là một phần trong kế hoạch nâng cấp, hiện đại hóa toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin và hệ thống giao dịch của Công ty.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) đưa vào vận hành trang giao dịch trực tuyến SMART.ACBS.com.vn. Công ty cho biết, trang giao dịch trực tuyến này là kết quả của việc nghiên cứu chuyên sâu hành vi khách hàng và ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. ACBS Smart được xây dựng dựa theo nền tảng Blockchain, có tính tương thích cao với hầu hết các trình duyệt và thiết bị phổ biến, tích hợp cả tính năng mở tài khoản trực tuyến S-eyes bằng công nghệ eKYC bảo mật an toàn…

Tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), theo chia sẻ của Giám đốc công nghệ thông tin Nguyễn Phúc Nguyên, công nghệ không chỉ là yếu tố hỗ trợ nhà đầu tư, mà thay đổi hoàn toàn trải nghiệm khách hàng. Công nghệ đã mở ra cánh cửa cho giao dịch chứng khoán trực tuyến, cho phép nhà đầu tư tự do truy cập thị trường mọi lúc, mọi nơi thông qua nền tảng trực tuyến và ứng dụng di động.

“BVSC xác định, công nghệ sẽ giúp ích rất lớn cho quá trình đầu tư của khách hàng, đồng thời chú trọng đến việc làm sao để khách hàng nhận thấy và nhận được lợi ích cốt lõi mà công nghệ mang lại”, ông Nguyên nói và cho biết thêm, công nghệ không chỉ mang đến cho khách hàng, các nhà đầu tư dịch vụ đơn lẻ, mà sẽ mang đến các sản phẩm đi kèm đa dạng, được cá nhân hóa cụ thể dựa trên trải nghiệm trên từng khách hàng riêng biệt, từng lứa tuổi, đặc thù; đồng thời có sự liên kết đa dạng hơn, không chỉ cung cấp một dịch vụ chứng khoán, mà cả hệ sinh thái dịch vụ đi kèm.

ĐÁp ứng yêu cầu của hệ thống KRX

Ảnh tác giả

Trong một thị trường ngày càng cạnh tranh và đa dạng, đầu tư công nghệ là một hướng đi của các công ty chứng khoán nhằm cung cấp các sản phẩm khác biệt, tạo lợi thế thu hút khách hàng.

Ông Bạch Quốc Vinh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán DSC

Sau nhiều năm để thị trường chờ đợi, hệ thống giao dịch chứng khoán KRX dự kiến sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2024. Hệ thống KRX kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho việc triển khai các sản phẩm mới, trong đó có sản phẩm chứng khoán về trong ngày (T0). Tuy nhiên, để khai thác tốt cơ hội này, cần sự đồng lòng của các bên liên quan, từ cơ quan quản lý (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán) cho tới các công ty chứng khoán thành viên.

Đặt yêu cầu về việc thay đổi, nâng cấp hệ thống công nghệ, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) đã yêu cầu các công ty chứng khoán tiếp tục chủ động rà soát, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, nhân sự, đảm bảo hệ thống công nghệ của công ty kết nối, tương thích với hệ thống KRX khi hệ thống này được đưa vào vận hành trong năm nay. Trong trường hợp hệ thống công nghệ thông tin của công ty chứng khoán không kết nối được với hệ thống KRX thì sẽ không đáp ứng điều kiện làm thành viên của VNX, thậm chí bị hủy tư cách thành viên và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với khách hàng mở tài khoản giao dịch tại công ty.

Như chia sẻ của ông Bạch Quốc Vinh, hệ thống KRX nhận được sự trông đợi lớn về việc sẽ giúp thị trường giao dịch sôi động hơn. Các công ty chứng khoán đã nhận thức rõ phải luôn nỗ lực đổi mới về công nghệ để có thể tích hợp với hệ thống mới. DSC cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để sẵn sàng thay đổi mô hình kinh doanh, chuẩn bị cho xu hướng tư vấn đầu tư, khi phí giao dịch tiến dần về mức 0 đồng. Nếu không kết nối được với hệ thống giao dịch mới, nhiều công ty chứng khoán sẽ phải đứng ngoài cuộc đua.

Nhìn dài hạn hơn, tiềm năng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam rất lớn. Trong Đề án phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Con số thực tế dự kiến sẽ vượt so với kế hoạch khi mà đến thời điểm cuối năm 2023, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư đã đạt 7,3 triệu và con số này mới chỉ tương đương gần 7% quy mô dân số cả nước - một tỷ lệ khá thấp so với các thị trường chứng khoán phát triển.

Với việc không bị giới hạn về số tài khoản mỗi cá nhân được mở, nhà đầu tư có thể cùng lúc mở tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán. Từ đó, họ có điều kiện để so sánh sản phẩm, chất lượng dịch vụ của các công ty. Ngoài các yếu tố như được hỗ trợ phí, giảm lãi vay giao dịch ký quỹ (margin) thì tiện ích giao dịch là yếu tố quan trọng trong việc nhà đầu tư chọn công ty chứng khoán để mở tài khoản giao dịch.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, nhà đầu tư Trần Khoa cho biết, công nghệ là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa các công ty chứng khoán. Anh chọn mở tài khoản tại 3 công ty chứng khoán là HSC, VPS và DNSE để tận dụng ưu thế của từng công ty. HSC có lợi thế về các phần mềm chọn lọc cổ phiếu, VPS thì có hệ thống giao dịch khá thông minh, trong khi DNSE có những hỗ trợ khách hàng theo cách riêng, mặc dù đây là công ty chứng khoán không có môi giới…

“Thông qua những tiện ích trên app giao dịch của công ty chứng khoán, nhà đầu tư có thể chủ động hơn trong việc nghiên cứu sức khỏe cổ phiếu, nên mua loại chứng khoán nào, của doanh nghiệp nào, ngành nào, thậm chí là cách phân bổ nguồn vốn ra sao”, anh Khoa chia sẻ.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ