Công ty chứng khoán “ôm” nhiều trái phiếu doanh nghiệp

(ĐTCK) Nhiều công ty chứng khoán đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào trái phiếu, chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp, trong khi không ít doanh nghiệp phát hành trái phiếu đứng trước nguy cơ không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán.

Theo VIS Rating, trong số 252.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào năm 2023, có 113.000 tỷ đồng (tương đương 45% trái phiếu đáo hạn) có nguy cơ không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán, chủ yếu tại các công ty chưa niêm yết liên quan đến lĩnh vực bất động sản và có dòng tiền yếu, nguồn tiền mặt hạn chế.

Trong bối cảnh này, rủi ro đối với chất lượng tài sản của các định chế tài chính (ngân hàng, công ty chứng khoán) có xu hướng tăng, do trái phiếu và/hoặc tổ chức phát hành có nguy cơ không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán, ảnh hưởng đến các khoản cấp tín dụng trực tiếp và giá trị tài sản bảo đảm mà các định chế tài chính này đang nắm giữ.

Trong đó, với khối công ty chứng khoán, các công ty tập trung vào mảng tư vấn phát hành trái phiếu có trên 20% tổng tài sản dưới dạng trái phiếu doanh nghiệp của nhóm phi tài chính. Ngoài rủi ro trực tiếp về tài sản, công ty chứng khoán còn phải đối mặt với việc nhà đầu tư cá nhân yêu cầu mua lại trái phiếu doanh nghiệp mà công ty đã phân phối.

Số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, năm 2022, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nước là 255.163 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2022, khối lượng trái phiếu (chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp) mà khối công ty chứng khoán sở hữu tăng mạnh so với cuối năm 2021. Cụ thể, xét 20 công ty chứng khoán có giá trị các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) lớn nhất trong khối (chiếm gần 90%), giá trị các trái phiếu là 56.615 tỷ đồng, gấp đôi so với một năm trước đó.

Nếu tính theo tỷ lệ phần trăm giá trị trái phiếu trên tổng tài sản, Công ty Chứng khoán VPBank (ASCS) dẫn đầu với tỷ lệ gần 45%. Cuối năm 2022, Công ty nắm giữ 7.227,7 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết, trong khi con số này đầu năm 2022 chỉ là 176,6 tỷ đồng.

Có 20 công ty chứng khoán nắm giữ 56.615 tỷ đồng trái phiếu tính đến cuối năm 2022.

Công ty chứng khoán có tỷ lệ sở hữu trái phiếu lớn thứ hai so với tổng tài sản là Chứng khoán Tân Việt (TVSI). Theo báo cáo tài chính tự lập năm 2022, tính tới ngày 31/12/2022, TVSI có tổng tài sản 4.337,3 tỷ đồng, bao gồm 1.691,8 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết, giá trị trái phiếu này tăng 108,3% so với đầu năm và chiếm 39% tổng tài sản.

Góp mặt trong danh sách những công ty chứng khoán sở hữu nhiều trái phiếu nhất là Chứng khoán Techcombank (TCBS). Theo báo cáo tài chính quý IV/2022, TCBS nắm giữ 6.339,7 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết và 861,5 tỷ đồng trái phiếu niêm yết. Ngoài ra, Công ty nắm giữ 1.080 tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết. Theo đó, lượng tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) mà TCBS sở hữu là 10.514,8 tỷ đồng, chiếm 40,3% tổng tài sản (26.080,9 tỷ đồng); riêng trái phiếu chiếm 27,6% tổng tài sản.

Công ty Chứng khoán HD (HDBS) có tổng tài sản 4.289,2 tỷ đồng tính đến cuối năm 2022, trong đó gần 19% là trái phiếu doanh nghiệp. Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, Công ty nắm giữ 30,2 tỷ đồng trái phiếu niêm yết của Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản núi Pháo và 780,6 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết.

Một số công ty chứng khoán khác nắm giữ lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp tính đến cuối năm 2022 bao gồm Chứng khoán SSI (12.175,8 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết và 79,7 tỷ đồng trái phiếu niêm yết), Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (1.346,4 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết, 636 tỷ đồng trái phiếu niêm yết), Chứng khoán VNDIRECT (8.053 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp), Chứng khoán VIX (1.741,1 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết), Chứng khoán Tiên Phong (851 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết), Chứng khoán TP.HCM (1.201 tỷ đồng trái phiếu niêm yết chủ yếu là trái phiếu ngân hàng)…

Trong trường hợp doanh nghiệp phát hành không đáp ứng được nghĩa vụ trả nợ, để đánh giá chất lượng tài sản cần đánh giá mức độ đáp ứng của tài sản bảo đảm về tính pháp lý, giá trị và thanh khoản. Trên thực tế, đã có nhiều tiền lệ, công ty chứng khoán bán tài sản bảo đảm là cổ phiếu hoặc nhận tài sản bảo đảm là bất động sản để bán hoặc kinh doanh nhằm thu hồi nợ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc xử lý tài sản bảo đảm không dễ dàng do thanh khoản của thị trường tài sản đều giảm so với thời điểm phát hành. Vì thế, việc xử lý danh mục trái phiếu của các công ty chứng khoán khi doanh nghiệp chưa có khả năng thanh toán trong thời gian tới không đơn giản để làm được ngay.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục