Theo quan sát trong thời gian qua, việc tìm kiếm đối tác phù hợp không hề dễ dàng khi danh sách các doanh nghiệp lên kế hoạch M&A nhiều nhưng tỷ lệ thành công rất thấp.
Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn thương tín (SBS) đã lên kế hoạch tiến hành M&A với một công ty chứng khoán khác trong năm 2016, nhưng hết nửa đầu năm vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân chính là chưa thống nhất trong việc lựa chọn đối tác. Mục đích sáp nhập như SBS đã công bố là nhằm tái cấu trúc toàn diện, tìm mọi biện pháp để xoá lỗ luỹ kế.
“Hiện Công ty vẫn đang tìm kiếm và thực hiện các bước rất thận trọng. Sau bước này, SBS mới tiến hành xác định lại giá trị công ty, từ đó có được con số cụ thể về việc tăng vốn, tỷ lệ gộp cổ phiếu là bao nhiêu”, đại diện SBS nói và cho biết, hiện nay, việc xoá lỗ luỹ kế là mục tiêu cao nhất của Ban điều hành Công ty.
Bên cạnh đó, lãnh đạo SBS chia sẻ, nếu xoá được khoản lỗ luỹ kế, Công ty sẽ thực hiện tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành riêng lẻ để mức vốn điều lệ của công ty chứng khoán mới sau hợp nhất đạt tối thiểu 800 tỷ đồng, đủ tiêu chuẩn tham gia các nghiệp vụ mới và đủ điều kiện để chuyển từ UPCoM lên niêm yết trở lại tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE).
Đây không phải là mục tiêu của riêng SBS, bởi trong 5 công ty chứng khoán có ý định hợp nhất, sáp nhập, có đến 4 công ty cho biết, mục đích là để xóa lỗ lũy kế. M&A được xem là “ánh sáng duy nhất cuối đường hầm” để các CTCK giảm khoản lỗ.
Công ty cổ phần Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) cũng là một trong nhiều công ty chứng khoán lên kế hoạch tái cơ cấu, sáp nhập với một hoặc vài công ty khác với mục tiêu “cắt” khoản lỗ lũy kế. Nhưng với năng lực tài chính hiện khá hạn chế, cộng với khoản lỗ lũy kế tính đến thời điểm hiện tại là hơn 100 tỷ đồng, việc sáp nhập gặp khó khăn hơn nhiều.
“Tìm một đối tác có thể hỗ trợ Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn rất không đơn giản, bởi đối với những công ty chứng khoán lớn, có tiềm lực thì VIG không phải là đối tượng nhắm đến. Còn nếu hợp nhất với một doanh nghiệp trong hoàn cảnh tương tự, hai cơ thể ốm yếu khó mà trở thành cơ thể khỏe mạnh”, đại diện VIG đặt vấn đề và chia sẻ, cơ quan quản lý nên đưa ra một số phương án hỗ trợ các công ty chứng khoán được giảm mức lỗ lũy kế thông qua hình thức giảm vốn điều lệ.
Cùng chung hoàn cảnh với SBS, VIG, Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông (ORS) hiện vẫn chưa tìm được đối tác để tiến hành sáp nhập nhằm nâng cao năng lực tài chính, mở rộng mạng lưới.
Tìm được đối tác đã khó, việc có thể chính thức “về một nhà” cũng không kém phần nan giải. Theo đó, mất gần 4 năm lên kế hoạch sáp nhập, Công ty cổ phần Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APEC) mới tìm được “nửa còn lại” là Công ty cổ phần Chứng khoán Sen Vàng (GLS). Tuy vậy, sau gần 2 năm công bố đối tác, thực hiện các phương án phát hành, hoán đổi cổ phiếu, cuối cùng, hai bên lại phải “chia tay” do vướng nhiều thủ tục.
Theo APEC, nếu như các công ty chứng khoán khác tiến hành M&A để xóa lỗ, thì mục tiêu khi sáp nhập của APS và GLS chủ yếu là mang đến hiệu quả cao hơn cho cổ đông. APEC đã kỳ vọng, với vị thế của các cổ đông Sen Vàng như Gạch Đồng Tâm, Nhà Thủ Đức, các đối tác này sẽ hỗ trợ cho Công ty hậu sáp nhập. Việc “chưa hợp đã tan” giữa APEC và Sen Vàng là do sự phản đối của cổ đông APEC, bởi sau khi sáp nhập, cái tên “APEC” sẽ phải xóa sổ trên thị trường, trong khi đây là công ty niêm yết với hàng trăm cổ đông khiến việc xử lý rất khó khăn.
Thực tế, xu hướng M&A của khối công ty chứng khoán đã được dự báo sẽ diễn ra rõ nét, mạnh mẽ từ đầu năm 2015 với kỳ vọng phương án này không chỉ xóa lỗ lũy kế mà còn tạo cơ hội giúp các doanh nghiệp hồi sinh trở lại và bước sang một trang mới. Tuy nhiên, mục tiêu ấy đến nay vẫn còn xa vời, bởi thực tế, quá trình M&A của hàng loạt công ty chứng khoán mới dừng lại ở việc công bố kế hoạch.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một công ty chứng khoán đang có nhu cầu tìm đối tác M&A chia sẻ, trong bối cảnh hiện tại, việc hợp nhất, sáp nhập quả thực rất khó, bởi phải cân bằng và giải quyết các vấn đề nội tại như bộ máy nhân sự, co sở vật chất… cho tới các khoản nợ phải trả, phải thu…