Ngọt, đắng vị M&A trên sàn chứng khoán

(ĐTCK) Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã tạo ra nhiều thay đổi trong tư duy kinh doanh của các DN trên toàn cầu, trong đó có DN Việt Nam. 
Ngọt, đắng vị M&A trên sàn chứng khoán

Xu thế tìm đối tác có tiềm lực tài chính mạnh để khôi phục và phát huy các thế mạnh của doanh nghiệp để bán cổ phần và ngược lại tìm kiếm các doanh nghiệp có sẵn thị trường nhưng thiếu vốn để đầu tư, thay vì bỏ vốn thành lập từ đầu gia tăng mạnh. Giai đoạn 2008 - 2013 diễn ra làn sóng M&A thứ nhất, nhưng thời gian cho thấy, không phải cuộc M&A nào cũng cho kết quả ngọt ngào...

Bài 1: M&A: Vị ngọt đắng thẩm thấu cùng thời gian 

Mở lối cho M&A

Có thể nói, thương vụ M&A đầu tiên trên thị trường Việt Nam là vụ Ngân hàng TMCP Phương Nam sáp nhập với Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp vào năm 1997, mặc dù lúc đó chưa có một văn bản pháp luật nào điều chỉnh hoạt động này.

Đối với hoạt động M&A xuyên quốc gia, thương vụ đầu tiên tại Việt Nam được ghi nhận từ năm 1998 khi Colgate Palmolive mua lại kem đánh răng Dạ Lan với giá 3 triệu USD. Đây được xem là thương vụ thâu tóm thù địch đầu tiên tại Việt Nam. Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều bỡ ngỡ và không hề có kinh nghiệm trong việc tiến hành một thương vụ M&A.

Hoạt động M&A chỉ thực sự gia tăng nhanh về số lượng và giá trị giao dịch từ khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), với nhiều rào cản được dỡ bỏ cho các nhà đầu tư nước ngoài và các công ty đa quốc gia tham gia kinh doanh tại Việt Nam cùng với sự phát triển của TTCK trong nước.

Theo thống kê, trước năm 2007, tại Việt Nam, mỗi năm chỉ diễn ra không quá 50 thương vụ M&A, với tổng giá trị giao dịch cao nhất khoảng 300 triệu USD. Nhưng từ năm 2007 trở đi, số thương vụ M&A gia tăng nhanh chóng. Cụ thể, năm 2007, có 108 vụ với tổng giá trị thực hiện gần 1,72 tỷ USD; năm 2008 có 146 vụ, với tổng giá trị thực hiện hơn 1,1 tỷ USD; năm 2009 có 295 thương vụ với tổng giá trị đạt gần 1,14 tỷ USD; năm 2010 có 345 thương vụ với giá trị lên tới 1,75 tỷ USD.

Giai đoạn 2010 - 2013 đánh dấu một bước phát triển mới với sự gia tăng về cả số lượng lẫn giá trị các thương vụ. Bắt đầu từ năm 2011, các hoạt động M&A có yếu tố nước ngoài chiếm trên 80%, với dòng tiền chảy mạnh từ Đài Loan, Singapore và đặc biệt là Nhật Bản. Việc nhiều quỹ đầu tư hết hạn sau khoảng 5 năm hoạt động tại Việt Nam thoái vốn đã tạo điều kiện cho các giao dịch M&A diễn ra sôi động trong các lĩnh vực tài chính, bất động sản và hàng tiêu dùng. Chẳng hạn, Tập đoàn đồ uống Diego mua lại cổ phần Halico từ VOF của VinaCapital hay Dragon Capital chuyển nhượng 6,6% cổ phần tại Sacombank...

Theo đánh giá của nhiều tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực quán trị và đầu tư, giai đoạn này, mặc dù so với so với một nền kinh tế đang phát triển năng động bao gồm khoảng 500.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế như Việt Nam, con số trên còn khá khiêm tốn. Nhưng so với những năm trước đó, số vụ M&A thành công đã tăng 71%, trong đó có khá nhiều vụ M&A trên TTCK.

Một trong những thương vụ M&A đình đám trên TTCK Việt Nam trong giai đoạn này phải kể đến là cú “bắt tay” giữa Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng CTCP Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Giữa bối cảnh nhiều quỹ ngoại rút lui khỏi doanh nghiệp này, Viettel vẫn không ngần ngại bỏ ra 700 tỷ đồng để sở hữu 35 triệu cổ phiếu Vinaconex.

"Vào thời điểm mới cổ phần hóa, Tribeco là một trong những doanh nghiệp ngành tiêu dùng có vốn điều lệ lớn nhất trên HOSE. Tuy nhiên, sau khi lần lượt bị Kinh Đô và Uni-President thâu tóm, dù được đầu tư mạnh mẽ, nhưng kết quả là chuỗi “trượt dài” không có hồi kết của doanh nghiệp này".

Nhờ nguồn lực tài chính của Viettel, Vinaconex có thể đẩy nhanh tiến độ các dự án bất động sản xung quanh khu vực Trung Hòa - Nhân Chính, nhằm đem lại lợi nhuận đột biến trong một vài năm tiếp theo.

Kết quả của thương vụ này là sau 7 tháng, giá cổ phiếu VCG đã đạt gần 80.000 đồng/CP, đồng nghĩa khoản đầu tư của Viettel tính trên sổ sách có lãi gấp gần 4 lần. Tuy nhiên, thành công chỉ đến trong ngắn hạn, khi vào thời điểm hiện tại, Viettel sở hữu trên 21% vốn tại Vinaconex, nhưng giá cổ phiếu VCG chỉ còn quanh mệnh giá.

Ngoài thương vụ của Viettel, TTCK cũng chứng kiến hàng loạt thương vụ M&A quy mô lớn như Tập đoàn Tài chính ngân hàng Hồng Kông -Thượng Hải (HSBC) tăng sở hữu cổ phần tại Tập đoàn Bảo Việt; hai đại gia ngành xi măng phía Nam là CTCP Xi măng Hà Tiên 1 và CTCP Xi măng Hà Tiên 2 hợp nhất.

Ngoài ra, các vụ M&A giữa Pomina với Thép Việt, Công ty International Consumer Products (ICP) với CTCP Thực phẩm Thuận Phát, EL International Ltd với Công ty Thương mại Đầu tư May mặc Thành Công... Hay Tập đoàn Masan mua lại 40% cổ phần của CTCP Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) từ Prudential; hãng bảo hiểm Đức Talanx tăng tỷ lệ sở hữu tại PVI…, tuy nhiên, thời gian cho thấy, không phải thương vụ nào cũng mang đến lợi ích lâu bền. 

Những dư vị cay đắng

Nhiều thương vụ M&A trong giai đoạn 2008-2013 mang vị “đắng ngắt”.

Vào thời điểm mới cổ phần hóa, Tribeco là một trong những doanh nghiệp ngành tiêu dùng có vốn điều lệ lớn nhất trên HOSE và có sự phát triển vượt bậc so với những thương hiệu giải khát lớn của nước ngoài có mặt tại Việt Nam như Pepsi hay Coca-Cola. Xét về thị phần nước ngọt có gas trong nước, Tribeco chiếm khoảng 15 - 20%, còn đối với nước không có gas như sữa đậu nành, trà…, Tribeco chiếm khoảng 25%.

Tuy nhiên, sau khi lần lượt bị Kinh Đô và Uni-President thâu tóm, dù được đầu tư mạnh mẽ vào dây chuyền sản xuất với 2 nhà máy lớn ở Bình Dương và vươn ra miền Bắc với Tribeco Hưng Yên, nhưng kết quả là chuỗi “trượt dài” không có hồi kết của doanh nghiệp này.

Tính từ quý IV/2008 tới cuối năm 2011, Tribeco lỗ lũy kế tới 300 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu. 7 tháng đầu năm 2012, Tribeco lỗ tiếp gần 100 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến cuối tháng 7/2012 lên đến 412 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 126 tỷ đồng. Cuối tháng 8/2012, Đại hội cổ đông bất thường của Tribeco Sài Gòn đã tuyên bố giải thể doanh nghiệp.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thất bại của Tribeco ngoài việc thị trường tiêu thụ đột ngột giảm mạnh thì việc thay vì tư vấn để đưa bánh lái “con tàu” Tribeco về đúng quỹ đạo, nhóm cổ đông chiến lược chỉ biết "bơm vốn" để rồi lãnh đạo Tribeco thỏa sức đầu tư không cần biết đến hiệu quả. Chỉ sau 1 năm Uni-President đặt chân vào, Tribeco đã đối mặt với chuỗi quý thua lỗ dài.

Không đến nỗi như Tribeco, tuy nhiên, việc Lotte trở thành cổ đông chính của Bibica vào năm 2008 và nắm quyền điều hành cũng biến việc quản trị tại Bibica trở nên phức tạp. Thời điểm mới bắt tay với cổ đông chiến lược Lotte, lãnh đạo Bibica hy vọng sẽ được thụ hưởng từ đối tác Lotte sức mạnh công nghệ, kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển sản phẩm, được hỗ trợ về kinh nghiệm quản trị, phát triển nguồn nhân lực và mở rộng thị trường, không những tại Việt Nam mà cả ở nước ngoài. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, cuộc “hôn nhân” này đã không mang lại hạnh phúc cho cả hai bên, tranh cãi giữa cổ đông lớn trong nước và cổ đông ngoại xảy ra vì sự khác biệt về tầm nhìn chiến lược của 2 doanh nghiệp.

Tất nhiên, bất kỳ thương vụ M&A nào cũng đòi hỏi việc nhận dạng mục tiêu, định giá, cấu trúc một thương vụ, giải quyết việc kinh doanh và dành được hiệu quả kinh tế về quy mô. Đây là những tiêu chí thích hợp và cần thiết tối thiểu để một thương vụ sau khi tiến hành có được những nền tảng căn bản để khai thác được lợi ích đôi bên. Các yêu cầu đó khó mà được đáp ứng trong bối cảnh quá mới mẻ, còn nhiều hạn chế trong nền kinh tế cũng như trong giới doanh nghiệp Việt Nam.

(Còn nữa)

Bài 2: Bước chuyển trong nhận thức

Năm 2016 sẽ tiếp tục là năm hoạt động M&A nở rộ

Ngọt, đắng vị M&A trên sàn chứng khoán ảnh 1

Ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính – Học viện Tài chính 

Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho các NĐT tiếp tục phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh. Dù xuất hiện khá muộn màng tại Việt Nam, nhưng thị trường M&A đã có sự tăng trưởng nhảy vọt về số lượng, giá trị các thương vụ. Nhờ có hoạt động M&A, nhiều DN đã tận dụng được cơ hội, nhanh chóng vươn lên thành những tập đoàn lớn có quy mô và tầm ảnh hưởng tại Việt Nam.

Năm 2016 sẽ tiếp tục là một năm hoạt động M&A nở rộ với việc kinh tế tiếp tục phục hồi ổn định rõ nét, khi tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6 – 6,5%, trong khi lạm phát duy trì mức 1%... Ngoài ra, hàng loạt văn bản pháp luật theo hướng quy định chặt chẽ và chuẩn mực hơn được ban hành cùng các hiệp định thương mại tự do được ký kết cũng là những yếu tố để thị trường kỳ vọng vào sự bùng nổ M&A, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh hàng tiêu dùng, bán lẻ, ngân hàng và bất động sản.

Tuy nhiên, hoạt động M&A chưa phải đã hết những rào cản. Hiện tại, cạnh tranh thu hút FDI trong khu vực ASEAN hiện đang rất lớn, khu vực DN tư nhân thời gian qua phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn thiếu những DN lớn, thương hiệu mạnh. Để thu hút được nguồn vốn từ M&A, thời gian sắp tới, Chính phủ sẽ cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, tạo thuận lợi cho các NĐT nước ngoài tham gia đầu tư. Đồng thời, cần tập trung nguồn lực, hỗ trợ, phát triển khu vực DN tư nhân trong nước, mở ra cơ hội hút vốn đầu tư thông qua các hoạt động M&A.

“Vẫn có một số vướng mắc về mặt pháp lý trong hoạt động M&A“

Ngọt, đắng vị M&A trên sàn chứng khoán ảnh 2

 Nguyễn Thanh Hà, Trưởng văn phòng Luật sư SB Law

Dư luận đang lo ngại là một số ngành kinh tế của Việt Nam như sản xuất vật liệu xây dựng, phân phối đang bị thâu tóm bởi các DN nước ngoài đặc biệt là DN Thái Lan. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, hoạt động M&A là nhu cầu tất yếu của DN, khi DN làm ăn không hiệu quả thì việc M&A là một cách “giải thoát”. Khi hoạt động này được thị trường điều tiết thì nhà nước chỉ cần tạo ra cơ chế để hỗ trợ và quản lý tốt, chống chuyển giá và thu được thuế khi hoạt động này diễn ra.

Tất nhiên, cơ hội cho DN ngoại và nội có sự khác nhau, các tập đoàn ngoại có nhiều vốn, kinh nghiệm trong lĩnh vực M&A, khi họ thấy dự án tại Việt Nam tiềm năng và có thể phát triển được thì họ sẽ tiến hành nhanh chóng và quyết liệt.

Hiện vẫn có một số vướng mắc về mặt pháp lý trong hoạt động M&A hiện nay, gây những khó khăn cho NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài. Thông thường, một DN Việt Nam có rất nhiều ngành nghề đăng ký kinh doanh, tuy nhiên, khi NĐT nước ngoài vào mua lại cổ phần của những công ty Việt Nam thì họ sẽ bị bắt buộc phải loại bỏ một số ngành nghề mà Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường hoặc các ngành nghề mà NĐT nước ngoài bị hạn chế. Điều này gây khó hiểu cho NĐT nước ngoài.

Việt Dương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục