Công ty chứng khoán 'bắt tay' ngân hàng, làm giả hồ sơ vay

0:00 / 0:00
0:00
Cựu lãnh đạo Công ty Chứng khoán Trường Sơn đã cấu kết với một số lãnh đạo Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa, lập khống hồ sơ để giải ngân 2.700 tỷ đồng.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm

Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội vừa xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, xảy ra tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và Công ty cổ phần Chứng khoán Trường Sơn.

Trong vụ án này, Phan Thanh Long (sinh năm 1954), cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa và Nguyễn Thị Phi Yến (sinh năm 1974), cựu Trưởng phòng giao dịch Bạch Mai bị cáo buộc cho vay sai quy định 2.700 tỷ đồng.

Cùng với đó, Hoàng Minh Sơn (sinh năm 1956), cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Trường Sơn; Hồ Hoài Nam (sinh năm 1977), cựu Tổng giám đốc và Nguyễn Trung Thành (sinh năm 1980), cựu Phó tổng giám đốc, đã lập khống hàng ngàn hồ sơ, để ngân hàng giải ngân số tiền trên.

Trục lợi chính sách

Vụ án xảy ra tại Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa vào năm 2010 và 2011, trước khi ngân hàng này được hợp nhất với Ngân hàng TMCP Đệ Nhất và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vào năm 2012.

Đây là vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, các cơ quan tố tụng đã nhiều lần phải điều tra bổ sung để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan.

Theo cáo trạng, năm 2008, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép hoạt động cho Công ty cổ phần Chứng khoán Trường Sơn, có ngành nghề kinh doanh là môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán.

Thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương về cho vay chiết khấu giấy tờ có giá để kinh doanh chứng khoán; đồng thời, Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa cũng có chủ trương cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán.

Nguyễn Thị Phi Yến khi đó là Giám đốc Phòng giao dịch Bạch Mai (Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa) đã chủ động trao đổi với Công ty Chứng khoán Trường Sơn về việc hợp tác cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán.

Căn cứ vào Dự thảo Hợp đồng hợp tác do Yến soạn, tháng 3/2010, đại diện Ngân hàng là Tổng giám đốc Lê Anh Tài và Công ty Chứng khoán Trường Sơn, đại diện là Tổng giám đốc Phạm Ngọc Thắng đã ký kết Hợp đồng hợp tác cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán niêm yết.

Theo hợp đồng này, việc cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán được hiểu là hình thức cho vay, trong đó Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa cho các khách hàng đầu tư chứng khoán của Công ty Chứng khoán Trường Sơn vay tiền trên cơ sở tài sản đảm bảo và nguồn trả nợ là nguồn thu từ việc bán chứng khoán niêm yết thuộc sở hữu của chính khách hàng vay.

Việc quản lý, thu hồi nợ vay căn cứ vào bảng kê danh sách khách hàng vay, Công ty Chứng khoán Trường Sơn có trách nhiệm chủ động chuyển số tiền khách hàng đến hạn, hoàn trả cho phía ngân hàng, bao gồm gốc và lãi về tài khoản chứng khoán lập tại Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa.

Phía ngân hàng sẽ tự động trích tiền để thu hồi tiền ứng trước của các khách hàng đến hạn. Hạn mức cho vay là 30 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán Trường Sơn được hưởng 3% phí giao dịch chứng khoán.

Lập khống hàng ngàn hồ sơ để giải ngân hơn 2.700 tỷ đồng

Tháng 3/2011, hai bên tiếp tục ký hợp đồng hợp tác để nối tiếp hoạt động vay vốn trên, song nâng hạn mức từ 30 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng. Thời điểm này, Hồ Hoài Nam làm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Trường Sơn. Điều khoản được hưởng 3% phí giao dịch trong hợp đồng cũng được bỏ đi.

Cơ quan tố tụng xác định, từ ngày 4/3/2010 đến ngày 31/5/2011, các bị cáo tại Công ty Chứng khoán Trường Sơn đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền lập và ký 1.628 xác nhận kết quả giao dịch chứng khoán, trong đó chỉ 70 xác nhận là có thật.

Thêm vào đó, nhóm trên cũng chỉ đạo lập 1.691 bộ hồ sơ mang tên các nhà đầu tư cá nhân để vay tiền ngân hàng dưới hình thức ứng trước tiền bán chứng khoán. Tuy nhiên, toàn bộ số hồ sơ trên được lập và ký khống, trong đó Nguyễn Trung Thành ký khống 1.204 bộ hồ sơ, vay hơn 1.933 tỷ đồng; còn Hồ Hoài Nam ký khống 487 hồ sơ, vay hơn 781 tỷ đồng.

Tổng số tiền Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa đã giải ngân là gần 2.715 tỷ đồng, bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của Công ty Chứng khoán Trường Sơn mở tại ngân hàng này.

Quá trình giải ngân, phía ngân hàng cũng không thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán niêm yết; không kiểm tra lại các thông tin và hồ sơ được chuyển đến theo quy định.

Sau khi có chủ trương siết tín dụng cho vay chứng khoán của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa đã chấm dứt hợp đồng hợp tác trên. Thời điểm này, Phòng giao dịch Bạch Mai đã giải ngân tổng cộng gần 2.840 tỷ đồng, thu lại gốc và lãi hơn 2.804 tỷ đồng.

Còn lại tổng dư nợ gốc và lãi gần 45,5 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán Trường Sơn không có khả năng thanh toán.

Cơ quan tố tụng cáo buộc, quan hệ tín dụng trên là mối quan hệ “bắt tay” để đôi bên cùng có lợi; lợi dụng chính sách cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán để cùng hưởng lợi.

Qua đó, Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa đã nhận được nhiều lợi ích trong thời điểm chứng khoán tăng trưởng nóng như nâng cao doanh số, thu được lãi suất. Công ty Chứng khoán Trường Sơn được 3% trên tổng số tiền lãi phía ngân hàng thu được.

Ngoài ra, cơ quan tố tụng cũng xác định, một số khoản vay và giải ngân giữa hai bên có dấu hiệu thông đồng, cho vay để đảo nợ, với mục đích thu tiền lãi phát sinh.

Sau khi xem xét hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo, người liên quan tại tòa, Hội đồng Xét xử đã tuyên phạt bị cáo Phan Thanh Long và Nguyễn Thị Phi Yến cùng mức án 42 tháng tù; Hoàng Minh Sơn 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Hồ Hoài Nam và Nguyễn Trung Thành cùng nhận án 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Tòa cũng buộc bị cáo Hoàng Minh Sơn phải bồi thường số tiền lãi phát sinh cho phía ngân hàng là hơn 18 tỷ đồng.

Huệ Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục