Công ty bảo hiểm và văn hóa "chia tay” đại lý

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc đại lý (cá nhân) đến rồi đi diễn ra liên tục ở các doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng không phải cuộc “chia tay” nào cũng diễn ra êm ả và nếu không khéo có thể ảnh hưởng đến thương hiệu của nhà bảo hiểm.
Đại lý bảo hiểm vẫn là kênh đóng góp doanh thu lớn nhất cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Đại lý bảo hiểm vẫn là kênh đóng góp doanh thu lớn nhất cho các doanh nghiệp bảo hiểm.

Những cuộc chia tay không êm ả

Trong tuần qua, bà H. (60 tuổi, giáo hưu về hưu, trú tại Bình Phước), một đại lý bảo hiểm đã đề nghị luật sư hỗ trợ vì “bị công ty bảo hiểm hành xử bạc đãi”.

Đại lý bảo hiểm này cho biết, vì một vài lý do mà Công ty Bảo hiểm B. đã chủ động chấm dứt hợp đồng đại lý của bà. Khi không còn phù hợp thì việc chấm dứt hợp tác giữa doanh nghiệp bảo hiểm và đại lý là chuyện bình thường, nhưng điều khiến bà H. ấm ức là cách “chia tay” của doanh nghiệp bảo hiểm này, nhất là khi bà đã có thành công nhất định trong nghề với việc quản lý 500 khách hàng (tư vấn, giao kết hợp đồng với khách hàng, thu phí).

Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm đã gọi điện cho các khách hàng yêu cầu không được nộp phí bảo hiểm cho bà H. nữa, “nếu tiếp tục nộp cho mất thì ráng chịu”.

“Khách hàng phần lớn là học sinh của tôi, việc công ty bảo hiểm liên hệ với từng khách hàng để thông báo không được nộp phí cho đại lý nữa, nếu mất ráng chịu chả khác nào nói tôi là bên lừa đảo, ảnh hưởng đến danh dự cá nhân của tôi. Công ty hoàn toàn có thể chọn cách khác hợp lý hơn”, bà H. bức xúc.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước khi chia tay, giữa bà H. và Công ty Bảo hiểm B. có khúc mắc. Trong giai đoạn dịch Covid bùng phát, dù đang bán bảo hiểm cho Công ty B nhưng bà H. vẫn đăng trên facebook cá nhân nhiều hình ảnh quảng cáo bán bảo hiểm online cho một đại lý tổ chức. Bà H. cũng cho biết đã bán được một số sản phẩm bảo hiểm xe máy, ô tô cho đại lý kia.

Trường hợp chia tay không vui vẻ giữa công ty bảo hiểm như bà H. thực ra không phải hiếm gặp. Báo Đầu tư Chứng khoán thời gian qua tiếp tục nhận được thư phản ánh về việc đại lý bảo hiểm tuy đã hoàn tất các nghĩa vụ, xử lý các tồn đọng nhưng chưa được công ty bảo hiểm cắt mã số đại lý bảo hiểm (code) để chuyển sang làm tại công ty khác.

Hồi đầu năm 2022, Báo Đầu tư Chứng khoán đăng tải bài viết “Bất cập quản lý code đại lý”, phản ánh về việc nhóm đại lý bảo hiểm gồm 25 người tại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam (FWD) đã có văn bản gửi tới FWD đề nghị được chấm dứt hợp đồng đại lý bảo hiểm và làm thủ tục cắt code nhưng công ty này chưa thực hiện dù họ đã hoàn tất các nghĩa vụ, xử lý các tồn đọng.

Trước đó, cuối năm 2021, nhóm này đã gửi đơn đến Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) đề nghị xem xét xử lý việc cắt code, thậm chí gửi đơn tới cả Bộ trưởng Bộ Tài chính và Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính).

Đến nay, sau hơn nửa năm, trao đổi với phóng viên, đại diện pháp lý được ủy quyền của đại lý cho biết, vụ việc vẫn chưa được giải quyết, chưa có đại lý nào trong số 25 người của nhóm được cắt code. Phía doanh nghiệp bảo hiểm thì trả lời đại diện được ủy quyền của khách hàng rằng Công ty vẫn đang trong quá trình điều tra, xác minh xem có dấu hiệu sai phạm, làm giả hồ sơ hay không.

Phóng viên liên hệ với Công ty để tìm hiểu thì nhận được câu trả lời tương tự.

Cái khó của doanh nghiệp bảo hiểm

Đại lý là kênh phân phối truyền thống của các doanh nghiệp bảo hiểm, nhất là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Gần đây, dù kênh phân phối qua ngân hàng (bancassurance) có sự trỗi dậy, nhưng đây vẫn là kênh phân phối quan trọng của doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh này vẫn đóng góp hơn một nửa tổng doanh thu phí mới. Đặc điểm chung của đại lý bảo hiểm tại Việt Nam là họ thường xem đây là nghề “tay trái” và chủ yếu khai thác tệp khách hàng là người thân, người quen, bạn bè nên việc đại lý đến rồi đi ở công ty bảo hiểm diễn ra liên tục. Tuy vậy, “văn hóa chia tay” của mỗi doanh nghiệp lại khác nhau.

Trở lại với trường hợp của bà H., có quan điểm cho rằng, việc công ty bảo hiểm nhắc nhở khách hàng “không nộp tiền cho tư vấn đã nghỉ việc” phù hợp với trách nhiệm của bên bán bảo hiểm. Điều này xuất phát từ thực tế thời gian qua phát sinh không ít trường hợp đại lý chiếm đoạt phí bảo hiểm của khách hàng ngay cả khi đang làm việc cho công ty bảo hiểm.

Thậm chí, một số đại lý bảo hiểm còn bị phát lệnh truy nã sau khi “cuỗm” tiền tỷ của khách hàng bỏ trốn. Tình trạng trên không chỉ xảy ra ở khối bảo hiểm nhân thọ mà còn cả ở mảng bảo hiểm phi nhân thọ.

Khi câu chuyện trên được chia sẻ một diễn đàn của các đại lý bảo hiểm, một số ý kiến cho rằng, với cách hành xử như trên, công ty bảo hiểm tự làm khó mình, có thể làm tăng tỷ lệ hủy ngang hợp đồng.

Bởi lẽ, đại lý nghỉ việc và khách hàng thường có mối quan hệ thân thiết, khách hàng mua bảo hiểm vì niềm tin đối với người làm đại lý. Có đại lý còn khẳng định, sau khi chia tay doanh nghiệp bảo hiểm cũ, chuyển sang làm đại lý cho công ty khác, họ vẫn chăm sóc và hỗ trợ khách hàng bình thường, chỉ khác là không nhận hoa hồng tái tục.

Trong phiên thảo luận của Quốc hội tại Hội trường về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tháng 6 vừa qua, có đại biểu cho rằng, cần phải có những quy định chặt chẽ hơn để hạn chế hợp đồng bảo hiểm mồ côi, nhất là đối với từ phía công ty bảo hiểm phải có trách nhiệm chỉ định đại lý bảo hiểm kịp thời, giám sát việc chuyển giao các hợp đồng bảo hiểm “mồ côi” một cách kịp thời, cũng như các quyền, nghĩa vụ liên quan

Trong khi đó, luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội nêu quan điểm về văn hóa ứng xử khi doanh nghiệp bảo hiểm và đại lý không còn hợp tác. Theo luật sư Sơn, pháp luật hiện hành không cấm việc công ty bảo hiểm nhắc nhở khách hàng và cũng không điều chỉnh các hành vi chi tiết trong mối quan hệ giữa công ty bảo hiểm với đại lý, nhưng không vì thế mà phía nhà bảo hiểm tự cho mình cái quyền thiếu tôn trọng với những người đã từng mang về doanh thu, nuôi sống doanh nghiệp. Thay vào đó, nên chọn cách hành xử hậu chia tay sao cho êm đẹp, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau.

“Đừng để đại lý nghỉ việc có cảm giác như mình bị coi là bên lừa đảo, nhất là khi khách hàng đều có mối quan hệ thân thiết với các đại lý này, gây ảnh hưởng đến niềm tin chung của khách hàng dành cho toàn ngành”, ông Sơn nói.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục