Luật kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực từ 1/1/2023 vừa thông qua một nội dung hoàn toàn mới: “Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài giải thích đầy đủ và hiểu rõ nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm” (Điều 19).
Quy định trên theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm bảo đảm quyền lợi của khách hàng trong điều kiện các hợp đồng bảo hiểm thường có nhiều điều, khoản dài, phức tạp, khó hiểu, lại do doanh nghiệp bảo hiểm soạn sẵn.
Các chuyên gia pháp lý chuyên giải quyết các vụ tranh chấp bảo hiểm cũng cho rằng, việc bổ sung quy định trên là vô cùng cần thiết nhằm giảm bớt các tranh chấp không đáng có do hiện đang có nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện mà khách hàng kêu không được giải thích đầy đủ, không hiểu rõ một số nội dung trọng yếu như điều khoản loại trừ bảo hiểm.
Theo bà Bạch Thị Nhã Nam, GV. Khoa Luật, Trường đại học Kinh tế Luật, Đại học quốc gia TP. HCM, tại các quốc gia đang ở giai đoạn thị trường bảo hiểm sơ khai và tiềm năng như Việt Nam, dù đã được cải thiện nhưng nhiều hợp đồng theo mẫu được các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện việc dịch thuật từ ngôn ngữ gốc sang có thể gây ra tình trạng ngôn ngữ diễn đạt mơ hồ, dài dòng..., tạo ra sự khó hiểu nhất định cho những người mua bảo hiểm, dẫn đến có những cách hiểu sai khác so với bên soạn thảo - DNBH.
Thực tiễn ở Việt Nam những năm gần đây cho thấy, các tranh chấp về nội dung hợp đồng bảo hiểm thường hay xảy ra liên quan đến cách hiểu khác nhau về câu từ trong hợp đồng bảo hiểm giữa người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm.
Liên quan quan đến quy định mới vừa được bổ sung, trước đây từng có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra từ khi góp ý cho Dự thảo Luật để hoàn thiện dự án Luật. Có ý kiến phản đối, đề nghị bỏ quy định phải có bằng chứng xác nhận này, nhưng cũng có nhiều quan điểm đồng tình.
Trong đó, quan điểm phản đối đa phần đến từ các công ty bảo hiểm. Bảo vệ ý kiến của các công ty bảo hiểm, VCCI cũng từng cho rằng, việc yêu cầu phải có bằng chứng xác nhận bên mua đã được giải thích và hiểu rõ các nội dung về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, mục đích là bảo về quyền lợi của người mua, nhưng quy định này có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa các bên và thủ tục phiền hà khi giao kết hợp đồng.
Luật kinh doanh bảo hiểm mới vẫn bảo lưu quan điểm phải có bằng chứng xác nhận. Chứng cứ chứng minh được quy định cụ thể như thế nào theo các chuyên gia cần được quy định rõ tại các văn bản dưới luật để tránh các tranh chấp không đáng có trong giải quyết quyền lợi bảo hiểm sau này.
Từng có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm tại Điều 18 Dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm vì điều này chỉ quy định về hình thức hợp đồng bảo hiểm, không quy định về bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm; Quy định hình thức hợp đồng bảo hiểm bằng văn bản đã bao gồm trường hợp giao dịch điện tử; Không phải mọi trường hợp văn bản điện tử, điện báo, telex đều được xác định là đã giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh sửa quy định tại Điều 18 về hình thức của hợp đồng bảo hiểm theo hướng “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm và hình thức khác theo quy định của pháp luật”. Đồng thời, chỉnh sửa tên điều thành “Hình thức, bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm” để bảo đảm đúng nội hàm của điều luật.
Liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm, VCCI cũng khẳng định Dự thảo Luật cũng đã có nhiều quy định như: Thời gian cân nhắc tiếp tục tham gia hợp đồng (Điều 35 Dự thảo quy định, trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, người mua có thể quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm) nên trong khoảng thời gian này, người mua có thể tìm hiểu kỹ các nội dung hợp đồng, trong đó có các điều khoản về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm và có quyền tiếp tục hoặc từ chối tham gia bảo hiểm.
Ngoài ra, Điểm b khoản 2 Điều 20 Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải có nghĩa vụ “giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm” nên đề nghị cân nhắc bỏ quy định phải có bằng chứng xác nhận này.