Việc để cho chi nhánh chủ động trong mọi vấn đề có thể đẩy công ty bảo hiểm vào nhiều rủi ro
Trong mô hình cơ cấu tổ chức này, thông thường, việc phân quyền giữa chi nhánh và trụ sở chính thường được hiểu là trụ sở chính sẽ là nơi nắm quyền lực. Nhưng trên thực tế, tại nhiều công ty bảo hiểm Việt Nam, trụ sở chính và chi nhánh, ai sẽ nắm quyền nhiều hơn?!
“Thực tế, chi nhánh mới là nơi quản lý nhân sự, sản phẩm… thực sự. Ở nhiều công ty, mỗi chi nhánh hoạt động độc lập như một công ty riêng”, ông Prajeesh Mukudan, Giám đốc bộ phận tư vấn bảo hiểm của EY nhận xét.
Với nhiều công ty bảo hiểm, giám đốc chi nhánh có chức năng, nhiệm vụ như một giám đốc điều hành nhỏ, có nhóm khách hàng, có chiến lược kinh doanh cũng như chiến lược về chi phí riêng.
Họ được giao các chỉ tiêu kinh doanh từ trụ sở chính, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, chi nhánh được chủ động trong mọi vấn đề, miễn sao đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Tất nhiên, chi nhánh cũng có một số nghĩa vụ với trụ sở chính, như nộp báo cáo định kỳ, tuân thủ một số quy định…
Theo đánh giá của một số chuyên gia, mô hình cơ cấu quản lý trụ sở chính - chi nhánh có thể phù hợp với các doanh nghiệp ở một quy mô nhất định, nhưng trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, cần phải cân nhắc khi áp dụng mô hình quản lý này.
Bởi việc giao chỉ tiêu và để cho chi nhánh gần như toàn quyền lựa chọn cách thức để hoàn thành mục tiêu có thể đẩy công ty bảo hiểm vào nhiều rủi ro. Hơn nữa, ngoài yếu tố doanh thu và lợi nhuận, công ty bảo hiểm còn phải xem xét để xây dựng thương hiệu, hình ảnh cho riêng mình. Và quan trọng hơn cả là việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Đây là thách thức không nhỏ đối với các công ty bảo hiểm quản lý theo mô hình trụ sở chính - chi nhánh.
Nhìn sang một lĩnh vực tài chính khác – ngân hàng, tại Việt Nam, ngành ngân hàng đã sớm nhận thức những hạn chế của mô hình trụ sở chính - chi nhánh và lựa chọn cách thức quản lý theo khối nghiệp vụ. Theo đó, trụ sở chính hình thành bộ máy để quản lý toàn bộ các vấn đề về phát triển thương hiệu, phát triển sản phẩm, chính sách bán hàng, hậu mãi…
Các chi nhánh chỉ còn tồn tại như những đại lý bán hàng. Đến nay, về cơ bản hầu hết ngân hàng đều sử dụng mô hình cơ cấu tổ chức này.
Với ngành bảo hiểm, bước chuyển biến về cơ cấu tổ chức dường như còn rất chậm, dù rằng ngành bảo hiểm đã có Đề án tái cấu trúc và một số công ty đã thuộc diện buộc phải có phương án tái cấu trúc.
Tại hội thảo “Phát triển bền vững – Lựa chọn nào cho doanh nghiệp bảo hiểm” do Cục Quản lý giám sát bảo hiểm và EY Việt Nam tổ chức vừa qua, nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh vai trò quan trọng trong việc xác định một mô hình cơ cấu tổ chức phù hợp với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức là yếu tố then chốt tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, cũng chia sẻ tại hội thảo, không ít công ty bảo hiểm vẫn còn e ngại về tác động trái chiều khi doanh nghiệp đột nhiên thay đổi toàn bộ phương thức quản lý, hoạt động.
“Không nên nhìn nhận tái cấu trúc như một cuộc đảo chính, tái cấu trúc không phải là đột nhiên thay đổi toàn bộ, mà các dự án tái cấu trúc có thể có quy mô và ảnh hưởng khác nhau.
Khi bắt đầu, dự án tái cấu trúc có thể chỉ ảnh hưởng một số quy trình, môt số bộ phận, nhân sự nhất định. Nhưng thông qua sự thay đổi này, nó sẽ có tác động đến phần còn lại của hệ thống”, ông Prajeesh Mukudan, một chuyên gia của EY lưu ý và dẫn ra một trường hợp EY đã tư vấn thành công tái cấu trúc mô hình tổ chức cho một hãng bảo hiểm nhân thọ tại Ấn Độ, khi sau 6 tháng tiến hành dự án, chi phí bồi thường xe cơ giới của hãng này đã giảm 12%.
“Tái cơ cấu có thể tiến hành từng bước một tùy thuộc vào nguồn lực mà công ty đang có, nói cách khác, các công ty có thể tiến hành những thay đổi nhỏ một cách khoa học và quan sát lợi ích mà thay đổi này mang lại để rồi tiến hành những thay đổi lớn hơn”, ông Saman Bandara, Phó tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực bảo hiểm và dịch vụ kế toán pháp lý của EY Vietnam nói.