Áp lực chỉ tiêu
Tại Đại hội đồng cổ đông Bảo hiểm BIDV (BIC) vừa diễn ra, theo đề xuất của cổ đông lớn nhất - Ngân hàng BIDV, mục tiêu lợi nhuận đã được điều chỉnh tăng thêm 50 tỷ đồng so với tờ trình ban đầu. Theo đó, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay được chốt ở mức 435 tỷ đồng, giảm 13,4% so với kết quả thực hiện trong năm 2021; cổ tức dự kiến ở mức 12%.
Trước đó, Hội đồng quản trị BIC đưa ra tờ trình kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu lợi nhuận 384 tỷ đồng, giảm 23,3% so với năm trước; doanh thu phí bảo hiểm phấn đấu đạt 3.310 tỷ đồng, tăng 16,4% so với năm 2021.
Ông Trần Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIC cho biết thêm, BIDV cam kết giữ 51% vốn đến năm 2030 nên cũng đặt ra yêu cầu cao cho BIC với mục tiêu vào Top 5 doanh thu, Top 3 về hiệu quả kinh doanh.
Ngoài cổ đông lớn BIDV thì trong cơ cấu cổ đông của BIC, còn có cổ đông lớn khác là Tập đoàn Fairfax Asia (chiếm 35% vốn)…
Không riêng tại BIC, với cơ cấu cổ đông ngày càng cô đặc, các chiến lược hoạt động, chỉ tiêu kinh doanh, nhất là chỉ tiêu lợi nhuận, cổ tức của các công ty bảo hiểm ngày càng chịu sự chi phối bởi các cổ đông lớn.
Tại Công ty cổ phần PVI (mã PVI), cơ cấu cổ đông hiện khá cô đặc, trong đó 4 cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, HDI Global SE, Funderburk Lighthouse Limited và IFC (vừa đầu tư vào PVI từ tháng 8/2021, sở hữu 6%) đã nắm giữ tới 91,49% vốn. Còn tại Bảo Minh (mã BMI), Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu xấp xỉ 51%, Tập đoàn AXA (Pháp) và cổ đông lớn nước ngoài khác sở hữu trên 20%.
Tổng công ty Tái bảo hiểm Việt Nam (Vinare) thì có cổ đông chi phối là thì Swiss Re, Axa …; ABIC là Agribank. PTI có cổ đông lớn nhất là Công ty Chứng khoán VNDirect. PJICO ngoài cổ đông lớn là Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) thì có nhà đầu tư chiến lược Samsung Firre & Marine Insurance (chiếm 20% vốn).
Từng lên kế hoạch chi trả cổ tức 27%, sau đó dự kiến là 29%, nhưng đến phút chót, PVI bất ngờ chốt cổ tức năm 2021 là 33%. Sự điều chỉnh này cũng dựa trên sự thống nhất của các cổ đông lớn.
Tuy năm 2022 thông qua tỷ lệ chi trả cổ tức 25% (một kế hoạch tham vọng đối với doanh nghiệp có doanh thu lớn như PVI) nhưng lãnh đạo PVI cho biết Công ty sẽ cố gắng để có kết quả tốt hơn. Theo ông Dương Thanh Francois, thành viên Hội đồng quản trị PVI, trong 5 năm tới, Công ty sẽ phấn đấu tỷ lệ chia cổ tức hàng năm đạt trên 30%.
Tương tự, tại Tổng công ty Bảo hiểm Ngân hàng Quân đội (MIC), quyền chi phối các chỉ tiêu kinh doanh thuộc về Ngân hàng Quân đội (MB), cổ đông nắm giữ trên 68% cổ phần tại thời điểm cuối năm 2021. Sau một năm tăng trưởng khá mạnh, với doanh thu bảo hiểm gốc đạt 3.932 tỷ đồng, tăng trưởng 24,6% so với năm 2020 và cao gấp 6 lần so với mức bình quân của các doanh nghiệp trong khối bảo hiểm phi nhân thọ.
Không chỉ giao chỉ tiêu tài chính cao hơn, mà cổ đông lớn cũng liên tục nâng “mức sào” về thứ hạng thị phần để doanh nghiệp bảo hiểm phấn đấu.
Không chỉ giao chỉ tiêu tài chính cao hơn, mà cổ đông lớn cũng liên tục nâng “mức sào” về thứ hạng thị phần để doanh nghiệp bảo hiểm phấn đấu. Chẳng hạn, sau khi vươn lên vị trí Top 5 về thị phần, MIC tiếp tục được ngân hàng mẹ MB giao mục tiêu lọt Top 4 về thị phần và hiệu quả trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2022, Top 3 về thị phần trong năm 2026, dẫn đầu về chuyển đổi số trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ.
Hay tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), cổ đông lớn đã giao nhiệm vụ cho Hội đồng quản trị, Ban điều hành lựa chọn đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, hàng đầu của nước ngoài để tư vấn chiến lược giúp BSH trở thành doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hiệu quả nhất, duy trì Top 7 về thị phần, tiệm cận dần Top 6; đạt Top 3 thị trường đối với doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và tỷ lệ bồi thường không vượt quá 54%, hướng tới có lãi từ nghiệp vụ này.
Sẽ nhiều thách thức
Việc các doanh nghiệp nói chung, công ty bảo hiểm nói riêng đặt chỉ tiêu tài chính theo ý chí của cổ đông lớn là chuyện đương nhiên. Với những công ty bảo hiểm được tận dụng lợi thế từ cổ đông lớn, từ hệ sinh thái công ty mẹ, đặc biệt là công ty bảo hiểm được tận dụng nguồn lực tệp khách hàng của ngân hàng mẹ thì việc giao chỉ tiêu cao là có cơ sở, mang tính khả thi cao, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc không có áp lực lớn với ban điều hành các công ty bảo hiểm.
Bản thân lãnh đạo các công ty bảo hiểm đều ngại việc đặt chỉ tiêu cao, nhưng bị cổ đông lớn ép theo kiểu “bố bảo con phải nghe” nên đành chịu, nhất là công ty có công ty mẹ là ngân hàng. Trong những trường hợp này, cổ đông lớn thường mang tư duy quản trị ngân hàng sang áp cho công ty bảo hiểm.
Đơn cử như tại MIC, tuy lãnh đạo Công ty nỗ lực bảo vệ kế hoạch lợi nhuận ở mức thấp hơn thông qua việc trình bày dữ liệu thị trường, với con số tổng doanh thu tăng trưởng 24,6% thì lợi nhuận khó tăng trưởng ở mức 35 - 40%, nhưng MB vẫn giao chỉ tiêu cao. Theo tư tưởng quản trị ngân hàng thì dư nợ càng tăng mà quản trị được nợ xấu tốt thì lợi nhuận càng cao, nên cũng áp dụng tương tự với MIC.
Nhưng thực tế, lợi nhuận của các công ty bảo hiểm khó tịnh tiến theo đà tăng trưởng của doanh thu giống như các ngân hàng.
Chưa kể, năm qua, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư của một số công ty bảo hiểm như Bảo Minh, PJICO, MIC… tăng trưởng đột biến nhờ thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh. Nhưng năm nay, bối cảnh thị trường không còn thuận lợi khi chỉ số điều chỉnh mạnh từ tháng 4 đến nay, các cổ phiếu ít nhất cũng rơi 20-23% so với giá đỉnh, có nhiều cổ phiếu rơi 60-70%.
Ông Đinh Việt Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo Minh cũng khẳng định: “Kết quả tốt của hoạt động đầu tư trong năm 2021 vừa là động lực vừa là áp lực cho Ban lãnh đạo Công ty trong năm nay”.
Dù đánh giá các chỉ tiêu cổ đông lớn giao cho là “đầy thách thức”, “khó nhằn”, nhưng ban lãnh đạo các công ty bảo hiểm đều cho biết sẽ nỗ lực đạt được và thực tế cũng đã đạt được.
Chẳng hạn, quý đầu năm nay, MIC ghi nhận kết quả kinh doanh khá khả quan với tổng doanh thu bảo hiểm gốc hơn 1.247 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ, gấp 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của ngành. Lãnh đạo MIC cho biết, “chỉ thiếu một chút xíu nữa là MIC vượt Bảo Minh và đứng trong Top 4 về thị phần”.
Lợi nhuận trước thuế của MIC trong 3 tháng đầu năm ước đạt hơn 85 tỷ đồng, tăng trưởng 82% so với cùng kỳ, nhờ việc tăng trưởng doanh thu và quản lý hiệu quả chi phí. Kênh bảo hiểm số đóng góp quan trọng vào việc tăng trưởng doanh thu với mức tăng ấn tượng 5 lần so với cùng kỳ, chiếm 20% doanh thu.
Đối với một công ty bảo hiểm, nguồn vốn đầu tư đến từ vốn chủ sở hữu và vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ, mục tiêu quan trọng là phải đảm bảo an toàn vốn, đảm bảo thanh khoản để chi trả bồi thường, đảm bảo chất lượng dịch vụ khách hàng, tiếp đến mới là tối đa hóa lợi nhuận bằng cách sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi.
Gần đây, thị trường chứng khoán có biến động nên các công ty bảo hiểm cho rằng, năm 2022 sẽ có nhiều thách thức trong việc thực hiện chỉ tiêu lợi nhuận tăng trưởng cao.