Dù không quá lạc quan, nhưng ông có công nhận rằng, sản xuất công nghiệp nói chung, công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng đã có bước chuyển biến tích cực hơn?
Tôi không phủ nhận dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp nói riêng, khi năm 2013 chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tăng 5,9%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,6%. Còn trong 5 tháng đầu năm nay, IPP tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các cụ dạy: “phi nông bất ổn”, “phi công bất thịnh”. Tốc độ phát triển của ngành công nghiệp cứ loanh quoanh ở mức 5-6%/năm, thì bao giờ mới “thịnh” được. Đấy là chưa kể, ngành công nghiệp của chúng ta thực ra chỉ đang ở giai đoạn “may, dán”.
Ngành công nghiệp “may, dán”? Hiểu thế nào đây về khái niệm này, thưa ông?
Về nghĩa đen, ngành may mặc, giày dép chiếm tỷ trọng lớn cả về thu hút lao động, giá trị sản xuất, kim ngạch xuất khẩu, mà thực ra chúng ta chủ yếu nhập khẩu da giày, vải, nguyên phụ kiện về để may, dán lại để xuất khẩu.
Còn hiểu theo nghĩa bóng, ngành công nghiệp ô tô chỉ có khoảng 5% chi tiết, linh kiện, phụ tùng, thiết bị được sản xuất trong nước, còn lại nhập khẩu toàn bộ về để lắp ráp. Ngành công nghiệp đóng tàu biển, kể cả ở thời “hoàng kim” cũng nhập toàn bộ (kể cả sắt thép làm vỏ tàu lẫn hầu hết các chi tiết, linh kiện, phụ tùng, máy móc, thiết bị) về “dán” lại, “may” lại. Chỉ có điều khác với ngành da giày, may mặc là may bằng máy khâu và phụ kiện là chỉ khâu..., thì ngành công nghiệp ô tô, đóng tàu và hầu hết các ngành công nghiệp cơ khí khác là “may, dán” bằng máy hàn còn phụ kiện là que hàn.
Dường như ông hơi bi quan thì phải?
Nhìn lại 10 chương trình trọng điểm về cơ khí, nhìn lại chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô thời gian qua, thì làm sao có thể lạc quan được. Chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế tạo, với mong muốn là tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cung cấp sản phẩm cho ngành sản xuất cơ khí thành phẩm, nhưng sau nhiều năm, tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm cơ khí vẫn rất thấp, ngành công nghiệp phụ trợ phát triển rất hạn chế thì làm sao lạc quan được.
Nhìn sang các nước xung quanh, chẳng phải đâu xa, ngay như Campuchia cũng đã hình thành ngành công nghiệp ô tô, còn chúng ta vẫn chỉ thuần tuý nhập khẩu các chi tiết, linh kiện về để lắp ráp lại thành cái xe hoàn chỉnh. Như thế thì làm sao mà lạc quan được.
Ngành công nghiệp chưa qua khỏi giai đoạn “may, dán”, theo ông, có phải do công tác dự báo quá kém?
Công tác dự báo kém đã được Quốc hội nói đến rất nhiều. Kỳ họp nào, trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, trong các phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội cũng phản ánh về thực trạng công tác dự báo kém, không chính xác.
Một khi mà dự báo không chính xác thì làm sao có thể đưa ra các quyết sách chính xác, phù hợp trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp cơ khí, ô tô, đóng tàu… Khi đã không có quyết sách đúng, thì ngành công nghiệp vẫn chỉ tăng trưởng ở mức 5-6%/năm, ngành công nghiệp cơ khí nói chung vẫn cứ “may, dán”.
Công tác dự báo kém cũng bộc lộ trong việc điều hành kinh tế - xã hội, thưa ông?
Không chỉ bộc lộ, mà thể hiện rất rõ. Cụ thể, tháng 10/2013, Bộ Tài chính dự báo hụt thu 63.630 tỷ đồng, cuối cùng lại tăng thu 6.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính dự báo thu từ cổ tức phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và phần thu sau thuế của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là 6.000-9.000 tỷ đồng, nhưng rút cục lại thu được 29.100 tỷ đồng.
Phần thu từ cổ tức và lợi nhuận sau thuế tại tập đoàn, tổng công ty có khó dự báo không? Không hề khó vì tất cả số liệu đều rất rõ ràng trong báo cáo tài chính, sổ sách, hóa đơn, chứng từ của doanh nghiệp, vậy mà số thực thu cao gấp 4-5 lần số dự báo. Dự báo không sát khiến việc quản lý, phân bổ ngân sách của Quốc hội rất bị động.
Đó là chuyện của năm ngoái, thế còn năm nay?
Công tác dự báo yếu lại càng bộc lộ. Cụ thể, Trung Quốc đóng giàn khoan Hải Dương-981 mấy năm nay rồi mà mình không dự báo được họ sẽ mang giàn khoan này tới đâu để tìm cách ứng phó từ trước. Khi họ mang giàn khoan này đến vùng biển nước ta thì các cơ quan chức năng vẫn không dự báo được diễn biến biểu tình của người dân trong nước thế nào để tìm cách ứng phó từ trước.
Tôi đánh giá rất cao các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Thường trực Chính phủ trong việc xử lý sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan tại Biển Đông cũng như công tác xử lý đối với tình trạng công nhân biểu tình, đập phá nhà máy của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh… Nhưng do công tác dự báo kém, nên các giải pháp xử lý của chúng ta thường bị động, bất ngờ.
Ngành công nghiệp mà không có các dự báo chính xác, các giải pháp đưa ra chỉ là xử lý tình thế thì tình trạng “may, dán” vẫn còn kéo dài, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ chỉ là ước mơ.