Công nghệ mạng 5G và cuộc cách mạng xanh toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Việc tích hợp công nghệ mạng 5G vào các sáng kiến bền vững trong việc hỗ trợ hoạt động và giám sát môi trường đóng vai trò quan trọng đối với động lực phát triển của cuộc cách mạng xanh tại Việt Nam.
Công nghệ mạng 5G và cuộc cách mạng xanh toàn cầu

Xu thế phát triển của công nghệ mạng 5G

Trong báo cáo nghiên cứu thị trường thiết kế và quy hoạch mạng 5G toàn cầu năm 2022, thị trường 5G ước đạt 121,8 tỷ USD vào năm 2023 và được dự báo đạt 1.002,3 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 52,4%.

Mặt khác, số lượng người dùng điện thoại di động đang tăng nhanh trên toàn cầu. Sự thâm nhập của các thiết bị điện thoại thông minh ở các nước đang phát triển ghi nhận sự tăng trưởng khá mạnh mẽ trong giai đoạn 2017-2022. Tỷ trọng lưu lượng dữ liệu di động của thị trường 5G là khoảng 10% vào năm 2021 và tỷ lệ này được dự báo sẽ tăng lên 60% vào năm 2027. Đến cuối năm 2028, số thuê bao 5G trên toàn cầu dự kiến đạt con số 4,6 tỷ thuê bao.

Các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến nhất thế giới sẵn sàng chi trả ngân sách cho hoạt động thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng truyền thông 5G. Tiêu biểu như Quỹ Khoa học quốc gia Hoa Kỳ (NSF) đầu tư 25 triệu USD để cải tiến các giải pháp công nghệ và truyền thông 5G nhằm tăng tốc độ truy cập, truyền tải và vận hành an toàn thông qua mạng 5G.

Tại Vương Quốc Anh, liên doanh Vodafone và Three đã cam kết đầu tư 11 tỷ bảng Anh trong 10 năm đầu tiên với tư cách là một doanh nghiệp kết hợp nhằm giúp cung cấp vùng phủ sóng viễn thông 5G cho 99% dân số vào năm 2034. Điều này được dự báo sẽ tạo cơ hội việc làm và hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số cho các doanh nghiệp của Vương quốc Anh, mọi trường học và bệnh viện ở Anh sẽ có quyền truy cập 5G độc lập vào năm 2030.

Tác động của công nghệ mạng 5G trong cuộc cách mạng xanh

Được đánh giá về sự vượt trội trong công nghệ với tốc độ truyền tải nhanh hơn, băng thông rộng hơn và độ trễ giảm xuống, thế hệ thứ 5 của công nghệ mạng di động (5G) mở ra khả năng phản hồi “thời gian thực”, điều mà các thế hệ trước chưa thể cung cấp được. Các thử nghiệm trên thế giới đã chứng minh rằng, 5G có thể tối ưu hóa các hoạt động sản xuất năng lượng bằng cách giám sát các tuabin gió trong thời gian thực để tối đa hóa năng suất.

Bên cạnh đó, công nghệ 5G được thiết lập để “cách mạng hóa” cách quản lý và tái chế chất thải điện tử, giúp thu thập, xử lý và sử dụng dữ liệu cho phép quản lý chất thải để tái chế hiệu quả hơn thông qua việc lập kế hoạch tốt hơn. Trong các tòa nhà ở Singapore, bằng cách theo dõi mức tiêu thụ năng lượng theo thời gian thực, cư dân có thể điều chỉnh thói quen sinh hoạt để giảm mức tiêu thụ năng lượng thông qua việc tiết kiệm điện, nước, giảm chi phí sinh hoạt và góp phần bảo vệ môi trường.

Một nghiên cứu gần đây của Vodafone (Vương quốc Anh) chỉ ra rằng tiềm năng của 5G trong việc giảm lượng khí thải carbon là rất lớn. Công nghệ 5G không chỉ tăng cường cơ sở hạ tầng công nghệ, mà còn mang lại một bước tiến đáng kể hướng tới một tương lai bền vững không có carbon. Theo công bố, với sự hỗ trợ của 5G, kỳ vọng đến năm 2035, ngành nông nghiệp và sản xuất thực phẩm ở Anh có thể giảm lượng khí thải carbon lần lượt là 6% và 11%. Bên cạnh đó, việc khai thác công nghệ 5G có khả năng tạo ra đủ năng lượng bổ sung để sưởi ấm vào năm 2035, tương đương 2,4 triệu ngôi nhà.

Bứt phá tư duy xanh trên hành trình đổi mới công nghệ 5G

Công nghệ 5G hứa hẹn tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ trong nền kinh tế xanh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững. Theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA), tính đến nay, có tổng cộng 155 quốc gia đã và đang xây dựng mạng 5G dưới hình thức thử nghiệm, thí điểm, mua giấy phép, triển khai thực tế và theo kế hoạch.

Trong ứng dụng nông nghiệp thông minh, công nghệ 5G hỗ trợ canh tác đạt hiệu quả cao. Máy bay không người lái có kết nối cảm biến được kết nối qua công nghệ 5G cho phép giám sát và cung cấp phản hồi tức thì, chính xác về điều kiện đất đai, dự báo thời tiết và sức khỏe cây trồng, giảm đáng kể chất thải tác động đến môi trường và tối đa hóa năng suất. Trong ngành bảo trì, bảo dưỡng công nghiệp, công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) kết hợp với 5G giúp đơn giản hóa quá trình lắp ráp, vận hành thiết bị thông qua việc truy cập vào hệ thống dữ liệu, thông tin sai sót của thiết bị, từ đó giảm mức tiêu thụ năng lượng (điện, nước) và lãng phí chi phí phát sinh không cần thiết khác.

Ngoài ra, 5G sẽ hỗ trợ việc tận dụng các hệ thống giao thông thông minh sử dụng radar để giám sát luồng phương tiện và người đi bộ. Điều này giúp công tác lập kế hoạch tuyến đường thông minh thông qua hoạt động cập nhật trực tiếp và liên tục theo thời gian thực, điều này sẽ giúp hành trình hiệu quả hơn, cải thiện được vấn nạn ùn tắc giao thông.

Nguyễn Hoàng Nam
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục