Công khai thông tin tự doanh, tại sao không?

(ĐTCK-online) Nhiều NĐT đã ví, nếu TTCK là một “chiến trường” thì hoạt động tự doanh của các CTCK đang được ẩn nấp, che chắn trong bóng tối và thật khó bị lộ diện, trong khi những NĐT còn lại luôn phải công khai về giao dịch và dễ bị thua thiệt. Sự bất đối xứng thông tin dẫn đến sự mất công bằng về lợi ích.
Các CTCK nên công bố tổng giá trị giao dịch mỗi ngày - Ảnh: Hoài Nam Các CTCK nên công bố tổng giá trị giao dịch mỗi ngày - Ảnh: Hoài Nam

Theo nhiều NĐT, hiện nay cần phải công khai số liệu tự doanh của CTCK. Vì sao CTCK được bí mật số liệu tự doanh, việc công khai có phương hại đến hoạt động của họ?

Theo số liệu thống kê của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), tổng vốn điều lệ của các CTCK trên thị trường hiện nay khoảng 30.000 tỷ đồng. Trong số 105 CTCK đang hoạt động, nhiều CTCK có nghiệp vụ tự doanh. Với lượng vốn lớn, hoạt động tự doanh của các CTCK đang đóng vai trò quan trọng trên thị trường. Động thái mua - bán của các công ty này có tác động đáng kể đến tâm lý NĐT. Tuy nhiên, một vấn đề đang đặt ra là những thông tin trong hoạt động tự doanh không được công khai khiến thị trường bị bất đối xứng về thông tin. Các CTCK đang có một lợi thế riêng là bí mật việc mua - bán cổ phiếu gì, giá trị ra sao, trong khi hàng ngày, các công ty này lại thực hiện việc tư vấn và môi giới giao dịch cho các nhà đầu tư khác.

Ông Lê Minh Tuấn, quản lý đầu tư, CTQL Quỹ đầu tư EGAM cho rằng "với vai trò của một nhà môi giới trung gian và có chức năng liên kết nguồn vốn, các CTCK luôn có được những thông tin quan trọng một cách nhanh chóng và chính xác hơn những NĐT khác. Trong khi phần lớn các CTCK luôn có hoạt động tự doanh chủ đạo, nên việc chia sẻ thông tin với các NĐT khác thường không công bằng và không trung thực". Do đó, theo ông Tuấn, để đảm bảo công bằng giữa các NĐT, cần có sự công khai thông tin về giao dịch tự doanh của các CTCK.

Một số NĐT lâu năm trên thị trường thì cho rằng, các CTCK có thể không công bố cụ thể từng mã cổ phiếu nhưng nên công bố tổng giá trị giao dịch mỗi ngày (giá trị mua và bán). Điều này không ảnh hưởng đến bí mật kinh doanh của CTCK mà giúp thị trường có thêm kênh tham khảo. Mạnh mẽ hơn, một số ý kiến còn cho rằng cần tách hoạt động tự doanh ra khỏi hoạt động của CTCK nhằm tránh xung đột về lợi ích.

Cũng dưới góc nhìn của Quỹ đầu tư nhưng ông Lưu Nguyễn Chí Nhân, Phó Tổng giám đốc, Công ty quản lý quỹ Sài Gòn - Hà Nội lại cho rằng việc công khai thông tin tự doanh của CTCK là nên cân nhắc kỹ. Nếu danh mục của CTCK bị tiết lộ, điều đó có thể khiến các nhóm NĐT hoặc các CTCK khác biết xu hướng dòng tiền chảy vào mã nào, ngành nào và qua đó có thể tác động đến giá chứng khoán. Có chăng, theo ông Nhân, định kỳ hàng quý, bán niên khi công bố báo cáo tài chính thì CTCK cần nêu rõ bao nhiêu lợi nhuận đến từ hoạt động tự doanh và phải trích lập dự phòng ra sao cho các khoản đầu tư này.

"Dù với lý do gì đi nữa thì việc không công bố thông tin giao dịch của bộ phận tự doanh của các CTCK là không công bằng với các NĐT khác, trong khi CTCK thì vừa tư vấn, vừa kiểm soát tài khoản của NĐT một cách chặt chẽ" một NĐT tại Hà Nội đặt câu hỏi.

Ông Phạm Trung Minh, Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cho biết, với chức năng thanh toán, bù trừ trên toàn thị trường, VSD có thể nắm được thông tin về giá trị giao dịch và danh mục đầu tư của từng CTCK. Tuy nhiên, việc công bố thông tin liên quan đến giao dịch thì chỉ các Sở mới có chức năng. Theo ông Minh, hiện chưa có quy định nào bắt buộc phải công khai thông tin này.

Trên thực tế, theo qui định tại Thông tư 09/2010/TT -BTC, các Sở GDCK không phải thực hiện công bố thông tin giao dịch tự doanh của CTCK mà chỉ phải công khai giao dịch của NĐT nước ngoài. Như vậy, việc công bố thông tin về hoạt động tự doanh của CTCK theo quy định hiện hành là chưa có quy định.

Theo ghi nhận của ĐTCK, nhiều CTCK cho rằng cần giữ bí mật kinh doanh của CTCK bằng cách không tiết lộ danh mục cụ thể của từng công ty. Việc công khai cũng có thể nhưng chỉ nên ở một mức độ nhất định.

Nếu quy định pháp lý yêu cầu, các Sở GDCK hoàn toàn có thể làm được điều này vì tài khoản tự doanh của các CTCK là một tài khoản riêng biệt (có ký hiệu là P) với tài khoản NĐT trong và ngoài nước. Trước những nghi vấn về rò rỉ danh mục đầu tư của CTCK hồi tháng 3/2010, một số ý kiến từ cơ quan quản lý cũng đặt ra vấn đề xem xét có nên công khai số liệu tự doanh CTCK. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mọi việc vẫn chìm trong im lặng trong khi đòi hỏi về sự minh bạch và công bằng trong hoạt động của các CTCK từ thị trường ngày càng lớn.

Trần Trung
Trần Trung

Tin cùng chuyên mục