Công khai, minh bạch thông tin khi xây dựng văn bản pháp luật

Quá trình xây dựng các văn bản pháp luật nhất thiết phải công khai, minh bạch dự thảo văn bản để người dân và doanh nghiệp có thể tham gia góp ý kiến, hạn chế tối đa việc áp dụng các thủ tục rút gọn.
Xây dựng chính sách pháp luật. Xây dựng chính sách pháp luật.

Một cuộc hội thảo liên quan đến nội dung xây dựng chính sách pháp luật vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), chất lượng văn bản pháp luật là rất quan trọng, bởi nó có tác động ngày càng lớn tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và người dân. Mà để đảm bảo chất lượng, thì văn bản pháp luật đó phải có tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi và tính minh bạch. Đây là những yếu tố vô cùng quan trọng. 

“Việc xây dựng các chính sách pháp luật trong thời gian tới cần loại bỏ những quy định không minh bạch, tiếp tục giảm rào cản gia nhập thị trường, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, chống lợi ích nhóm, chống chồng chéo pháp luật, tăng cường công khai, lấy ý kiến doanh nghiệp, người dân”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, thì với những văn bản pháp luật có ảnh hưởng rộng rãi, như các luật thuế, thì không nên làm theo quy trình rút gọn, để đảm bảo người dân và các đối tượng có liên quan được tham gia góp ý trong quá trình xây dựng văn bản luật.

Trên thực tế, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu. Để thực hiện các cam kết quốc tế, nhiều văn bản pháp luật cần phải xem xét và sửa đổi, nâng cao chất lượng. Luật Ban hành các văn bản pháp luật cũng đã quy định rõ về việc phải công khai, minh bạch và lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật. 

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có những văn bản được soạn thảo và ban hành chưa theo những quy định này hoặc chưa có đánh giá tác động kinh tế - xã hội một cách toàn diện.  

“Cơ quan soạn thảo cần xác định các đối tượng liên quan, đảm bảo sự tham gia của họ trong suốt quá trình xây dựng chính sách, hiểu rõ mức độ ảnh hưởng lợi ích của chính sách đối với các bên liên quan, để loại trừ việc chính sách chỉ phục vụ lợi ích của một hoặc một số nhóm mà gây ra những rủi ro, thiệt hại cho các nhóm còn lại”, ông Mark Grillin, Trưởng nhóm Công tác Thuế và Hải quan, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) bày tỏ.

Đồng quan điểm, Luật gia Nguyễn Tiến Vỵ, Phó chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu và Nước giải khát cũng đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước cần công khai, minh bạch các văn bản pháp luật, nhất là các luật và chính sách về thuế, vì các chính sách thuế có tác động sâu rộng không chỉ đối với những đối tượng trực tiếp nộp thuế mà còn các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan. 

Một ví dụ được nhắc tới, đó là nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt thì không chỉ người tiêu dùng và ngành công nghiệp nước giải khát bị ảnh hưởng mà 21 ngành công nghiệp phụ trợ và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng bị ảnh hưởng theo.

Với những chính sách có tác động lớn như vậy, thì cần được công khai, minh bạch, lấy ý kiến rộng rãi của những đối tượng bị ảnh hưởng.

“Quá trình xây dựng các văn bản pháp luật nhất thiết phải công khai, minh bạch dự thảo văn bản để người dân và doanh nghiệp có thể tham gia góp ý kiến, hạn chế tối đa việc áp dụng các thủ tục rút gọn”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tiến hành đánh giá tác động kinh tế - xã hội của các văn bản pháp luật và chính sách mới trước khi ban hành để không tạo ra những hệ quả không mong đợi.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục