Theo quy định của Hiến pháp, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình. Công khai danh tính chủ doanh nghiệp nợ thuế có vi phạm Hiến pháp không, thưa ông?
Hiến pháp cũng quy định: “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định”. Hơn nữa, theo Luật Quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế được công khai các thông tin vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế trên phương tiện thông tin đại chúng. Như vậy, công khai danh tính người nộp thuế không vi hiến.
Công khai danh tính người nộp thuế chỉ là một trong những nội dung quản lý thuế theo rủi ro, nhằm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, đồng thời hạn chế tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chiếm đoạt tiền hoàn thuế.
Thưa ông, doanh nghiệp vi phạm những gì sẽ bị công khai danh tính?
Trốn thuế; chiếm đoạt tiền thuế; mua bán hóa đơn bất hợp pháp, làm mất hóa đơn; vi phạm pháp luật về thuế rồi bỏ trốn khỏi trụ sở kinh doanh; tiếp tay cho hành vi trốn thuế; không nộp tiền thuế đúng thời hạn sau khi cơ quan quản lý thuế đã áp dụng các biện pháp xử phạt, cưỡng chế thu nợ thuế; từ chối không cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan quản lý thuế; không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra và các yêu cầu khác của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật… sẽ bị công khai danh tính.
Trong kinh doanh, không ai muốn nợ thuế, nhưng vì nhiều lý do buộc phải nợ thuế. Ông có cho rằng, việc công khai danh tính doanh nghiệp nợ thuế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quyền tự do sản xuất, kinh doanh?
Việc công khai danh tính doanh nghiệp vi phạm pháp luật về thuế không chỉ tạo điều kiện cho ngân sách thu được tiền thuế, mà còn minh bạch hóa môi trường kinh doanh. Việc công khai danh tính những người vi phạm còn nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của tổ chức, cá nhân khác. Đơn cử, doanh nghiệp A vi phạm chính sách thuế hoặc nợ thuế bị công khai danh tính, thì khách hàng, đối tác, chủ nợ, bạn hàng, ngân hàng... đều biết và sẽ có cách thức để giải quyết mối quan hệ.
Trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính do thiên tai, hỏa hoạn, bão lũ hay do Nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, thì được cơ quan thuế gia hạn nợ, kéo dài thời gian trả nợ, phân kỳ trả nợ, thậm chí là xóa nợ thuế và không bị công khai như các trường hợp chây ỳ tiền thuế, hoặc vi phạm các chính sách thuế khác.
Tôi cho rằng, công khai danh tính doanh nghiệp vi phạm chính sách thuế, nợ thuế không ảnh hưởng tiêu cực đến quyền tự do sản xuất, kinh doanh. Lý do là, trước khi công khai danh tính, thì các tổ chức, cá nhân vi phạm chính sách thuế, nợ thuế đã bị cơ quan quản lý thuế cưỡng chế việc nộp thuế bằng nhiều hình thức khác nhau...
Có doanh nghiệp quy mô vốn hàng ngàn tỷ đồng, thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng cũng có doanh nghiệp quy mô vốn chỉ vài tỷ đồng. Theo ông, nợ thuế đến bao nhiêu thì bị công khai danh tính?
Theo quan điểm của tôi, dù nợ một đồng tiền thuế cũng phải công khai danh tính. Doanh nghiệp có quy mô vốn hàng ngàn tỷ đồng, hàng chục ngàn tỷ đồng mà vài triệu đồng tiền thuế còn phải nợ, thì có nghĩa là, tình hình tài chính đang rất khó khăn. Khi cơ quan thuế công khai, khách hàng, bạn hàng, đối tác, người lao động trong doanh nghiệp, ngân hàng cho vay biết được rằng, tình hình tài chính của doanh nghiệp đang ở mức báo động.
Tổng cục Thuế vừa ban hành Công văn 815/TCT-KK, theo đó sẽ công khai cả họ tên, số chứng minh thư người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Việc công khai này, thưa ông, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người đại diện của doanh nghiệp?
Trên thế giới, hầu hết các nước đều công bố thông tin về nhân thân chủ doanh nghiệp nợ thuế, nên quy định này của Việt Nam không phải là ngoại lệ. Tôi cho rằng, công khai nhân thân người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp vi phạm chính sách thuế là hợp lý, bởi một khi chủ doanh nghiệp có “tiền án”, thì cơ quan thuế phải đưa anh vào “bộ nhớ” để theo dõi chặt chẽ.