Doanh nghiệp sản xuất trong nước: Thiệt hại nghiêm trọng
Công ty tư vấn WTL, đại diện cho các nhà sản xuất phân bón DAP trong nước là Công ty cổ phần DAP – Vinachem và Công ty cổ phần DAP số 2 – Vinachem đã cho rằng, việc áp dụng biện pháp tự vệ là phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và Hiệp định Tự vệ của WTO.
Với thực tế, ngành sản xuất phân bón DAP trong nước trong những năm gần đây và đặc biệt là trong năm 2016 đã chịu thiệt hại nghiêm trọng và tình trạng này cũng đang tiếp diễn trong 8 tháng đầu năm 2017, phía Công ty WTL cũng cho rằng, trước tình hình thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất DAP hiện nay, biện pháp tự vệ là sự hỗ trợ mang tính cấp bách để cứu ngành sản xuất phân bón DAP trong nước khỏi nguy cơ bị xóa sổ do sức ép của hàng hóa nhập khẩu.
Điều này sẽ giúp ngành sản xuất DAP trong nước duy trì, phát triển, và cuối cùng đem lại lợi ích lâu dài cho người nông dân, tránh sự lệ thuộc hoàn toàn vào hàng hóa nhập khẩu.
“Biện pháp tự vệ có tác dụng trong một khoảng thời gian nhất định, vì vậy ngành sản xuất phân bón DAP trong nước cũng đã có các kế hoạch điều chỉnh trong trung và dài hạn để đảm bảo trong tương lai có thể cạnh tranh công bằng với hàng hóa nhập khẩu”, đại diện Công ty WTL cho hay.
Doanh nghiệp nhập khẩu: phản pháo mạnh mẽ
Không đồng ý với các lập luận trên, đại diện Công ty Baconco cho rằng, lý do chính cho việc sản phẩm DAP, MAP sản xuất trong nước từ các nhà máy như Lào Cai, Đình Vũ hay Đức Giang hiện chưa có kết quả kinh doanh tốt không liên quan đến giá nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài mà chủ yếu do chất lượng không phù hợp thói quen tiêu dùng của người sử dụng như các sản phẩm có khả năng hòa tan tốt, và hiệu ứng xanh tươi nhanh chóng trên cây trồng của các sản phẩm DAP nhập khẩu.
Các sản phẩm nhập khẩu đang bán chạy tốt trong khi các mặt hàng nội địa đang gặp khó khăn cho thấy, giá cả không phải là vấn đề.
Mặt khác, tình trạng khó khăn của ngành sản xuất DAP là chung trên thế giới, chứ không chỉ có tại mỗi ngành DAP của Việt Nam.
“Nông dân Việt Nam sẽ là người phải chi trả thuế phòng vệ này, dẫn tới làm tăng chi phí sản xuất và giảm khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam. Do mức thuế này chỉ áp dụng cho sản phẩm DAP nhập khẩu chứ không áp dụng cho thành phẩm phân phức hợp NPK, sẽ tạo nên lợi thế bất công bằng cho các mặt hàng NPK nhập khẩu”, đại diện Công ty Baconco cho hay.
Cũng cho rằng việc áp dụng các biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP nhập khẩu sẽ tạo nên tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam, Công ty Phân bón Việt Nhật cho hay, lượng sản xuất DAP hàng năm trên thế giới khoảng 40 triệu tấn trong khi lượng sản xuất DAP trong nước hàng năm của cả hai nhà máy DAP của Vinachem nếu sử dụng hết công suất thiết kế chỉ là 0,66 triệu tấn, và Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất nhập khẩu DAP với lượng nhập khẩu không nhiều bằng các nước khác.
Nông dân Việt Nam sẽ là người phải chi trả thuế phòng vệ này, dẫn tới làm tăng chi phí sản xuất và giảm khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam
Thêm vào đó, chất lượng phân DAP của Vinachem không phù hợp cho sự phát triển của cây trồng. Dẫn chứng cho nhận xét này, Công ty Phân bón Việt Nhật cho hay, thành phần dinh dưỡng quan trọng nhất là tỷ lệ hòa tan Phosphor trong nước.
Tuy nhiên, theo báo cáo phân tích của phòng thí nghiệm, tỷ lệ hòa tan trong nước trong phân DAP của Vinachem chỉ đạt 36,4%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ hòa tan Phosphor trong nước trong phân DAP nhập khẩu mà Công ty đang sử dụng.
Điều này khiến Công ty Phân bón Việt Nhật sản xuất sẽ mất uy tín và lời cam kết về chất lượng sản phẩm đối với nông dân.
Từ các thực tế này, đại diện các doanh nghiệp đang nhập khẩu DAP cũng cho rằng, cần xem xét lại việc áp dụng mức thuế mới này và ngừng áp dụng bởi vì làm gia tăng gánh nặng cho cả người nông dân và các nhà sản xuất NPK trong nước.
“Cần tạo ra các ưu đãi thuế hoặc hình thức hỗ trợ khác cho các nhà sản xuất DAP nội địa, cho phép họ đầu tư nâng cấp công nghệ sản xuất để sản phẩm trong nước có thể đạt được chất lượng cạnh tranh và được chấp nhận trên thị trường Việt Nam”, Công ty Baconco cho hay.
Về phía mình, Công ty PhosAgro cũng nhận xét, qua các nguồn thông tin, chúng tôi hiểu rằng, việc thực hiện điều tra áp dụng biện pháp tự vệ trong vụ việc SG06 này là một trong các giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp phân bón trực thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem theo chỉ đạo từ Chính phủ đầu năm 2017.
Bên cạnh vụ việc này, các bộ ngành liên quan đã có những nỗ lực để thực hiện các giải pháp giải cứu khác trong đó đáng chú ý là việc xem xét lại giá bán nguyên liệu từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và sửa đổi chính sách thuế VAT. Tuy nhiên, vấn đề này đang không được coi trọng trong vụ việc này.
“Tự vệ thương mại chỉ được xem là ngoại lệ được áp dụng trong các trường hợp khẩn cấp. Việc sử dụng biện pháp tự vệ trong trường hợp này là chưa thỏa đáng và trái với cam kết quốc tế của Việt Nam.
Vụ việc hiện tại có thể dẫn đến hành vi trả đũa thương mại từ các thành viên bị ảnh hưởng. Vì vậy, Cơ quan điều tra cần xem xét thận trọng, không đi ngược lại vấn đề về lợi ích kinh tế, xã hội, đại diện Công ty PhosAgro nhận xét.
Cũng trình bày về câu chuyện áp dụng biện pháp tự vệ với phân bón DAP nhập khẩu, Cục Cứu tế thương mại – Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho rằng, biện pháp tự vệ nên phù hợp với lợi ích chung, xem xét đến sự phát triển lành mạnh của toàn bộ chuỗi sản xuất trong ngành.
Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng chung tay với phía Việt Nam thúc đẩy ngành sản xuất hai nước cùng phát triển và mong Việt Nam có thể theo đúng quy tắc WTO để triển khai điều tra công bằng, công chính, minh bạch, đảm bảo các quyền lợi của Chính phủ Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc.
Không đồng ý với việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hoá nhập khẩu từ Arap Saudi, Công ty Saudi Basic Industries Corporation cho hay, việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hóa từ Ả Rập Saudi là không có cơ sở.
Căn cứ điều 13 của Nghị định 150 và Điều 9.1 của Hiệp định WTO, mặt hàng phân bón nhập khẩu từ Ả Rập Saudi bao gồm phân bón hóa học và phân khoáng thỏa mãn cả hai điều kiện quy định tại 2 Điều trên.
“Chúng tôi một lần nữa đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh cung cấp cho tất cả các bên liên quan tổng hợp số liệu chính thức về nhập khẩu và xác nhận rằng mặt hàng phân bón nhập khẩu từ Ả Rập Saudi là không đáng kể”, đại diện của Saudi Basic Industries Corporation cho hay.
Được biết, sau Phiên tham vấn, Cục Phòng vệ thương mại sẽ hoàn thành kết luận điều tra cuối cùng và gửi dự thảo để các bên liên quan đóng góp ý kiến.
“Cục Phòng vệ thương mại sẽ xem xét một cách thỏa đáng và khách quan quan điểm của các bên nêu ra trong Phiên tham vấn, đồng thời đảm bảo quy trình điều tra được tiến hành theo đúng quy định pháp luật của Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”, thông tin từ Cục này cho hay.