Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một trong ba trụ cột của cộng đồng ASEAN, cùng với cộng đồng Chính trị - An ninh, cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Hiện tại, đây được đánh giá là khu vực phát triển sôi động trên thế giới với hơn 640 triệu dân, tổng GDP khoảng 2.480 tỷ USD và kim ngạch thương mại đạt 2.530 tỷ USD vào năm 2014.
“GDP của ASEAN dự kiến sẽ đạt 4.700 tỷ USD vào năm 2020. Theo dự báo, khu vực có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030. Có rất nhiều lợi ích kinh tế mà chúng ta sẽ gặt hái được, qua đó mang lại cuộc sống sung túc hơn cho tất cả người dân ASEAN”, Thủ tướng Malaysia Najib Razak phát biểu tại lễ ký kết hồi tháng 11/2015.
Theo Hiệp định ưu đãi thuế quan ATIGA, các nước ASEAN-6 (gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines) đã xóa bỏ gần 100% dòng thuế từ năm 2010, trừ một số sản phẩm được miễn trừ vĩnh viễn vì lý do an ninh quốc gia, đạo đức và sức khỏe. Từ năm 2015, Việt Nam đã tiến hành giảm 93% dòng thuế về 0%, chỉ giữ lại 7% số dòng thuế đến năm 2018, bao gồm các mặt hàng ôtô và linh kiện, sắt thép, linh kiện và phụ tùng xe máy, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, xe đạp và phụ tùng, rượu bia, sản phẩm chất dẻo, giấy các loại.
Từ năm 2018, Việt Nam chỉ còn được duy trì thuế nhập khẩu với mức thuế suất tối đa là 5% đối với khoảng 3% số dòng thuế, bao gồm phần lớn là các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm (gia cầm sống, thịt già, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thịt chế biến, đường).
Lộ trình gỡ bỏ thuế quan này đã tác động lớn đến kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khu vực. Về xuất khẩu, ASEAN hiện là thị trường lớn thứ 3 của các doanh nghiệp Việt Nam, sau Mỹ và liên minh châu Âu, với các mặt hàng chủ yếu gồm gạo, dầu thô, dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, cao su, máy vi tính và các sản phẩm điện tử, sắt thép...
Ở chiều ngược lại, đây là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hoá lớn thứ 3 cho các doanh nghiệp Việt Nam, sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong nhiều năm qua, kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN chủ yếu là những mặt hàng thiết yếu, nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước như xăng dầu các loại, máy móc thiết bị, hàng gia dụng, hóa chất, chất dẻo..
Song từ trước đến nay, Việt Nam vẫn chưa cải thiện được mức độ thâm hụt cán cân thương mại với ASEAN. Năm 2015, Việt Nam ước tính nhập siêu từ khu vực này khoảng 5,5 tỷ USD, tăng 45% so với năm ngoái, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Malaysia là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm một phần tư kim ngạch. Mặt khác. Thái Lan đứng đầu trong các đối tác cung cấp hàng hoá cho Việt Nam.