Diễn đàn doanh nghiệp (DN) Việt Nam hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) 2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tổ chức đã diễn ra sáng 13/12.
Mục đích của Diễn đàn nhằm trao đổi thông tin, tham vấn và định hướng cho cộng đồng DN trước khi AEC hình thành và thực hiện từ cuối năm 2015, đồng thời nắm bắt thông tin về các hiệp định mà Việt Nam đã và đang chuẩn bị tham gia như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) về xóa bỏ hàng rào thuế quan với thuế suất bằng 0% cho các nước thành viên, hiệp định thương mại khu vực (RTA) và các hiệp định thương mại tự do song phương (FTA), hiệp định đối tác xuyên thái bình dương (TPP).
"Hầu hết các cam kết về mở cửa thì thực chất Việt Nam đã và đang triển khai đều đặn theo đúng lộ trình từ lâu nay, nên thách thức và cơ hội hầu như là điều mà DN đã và đang đối mặt. Do đó, các doanh nghiệp không cần quá lo ngại về sự thay đổi" - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, việc hình thành và chính thức vận hành AEC đã góp phần mở ra một thị trường chung, thống nhất với không gian sản xuất rộng mở; trong đó các DN được phép luân chuyển tự do đối với vốn, nguồn lao động để phục vụ mục tiêu của hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Từ đó, mỗi đơn vị cần tìm hiểu, nắm bắt quy định, nhất là thị hiếu tiêu dùng các quốc gia láng giềng và làm chủ tình huống, có chuẩn bị sẵn sàng để hội nhập thành công trên cơ sở phát huy tính sáng tạo, tận dụng thế mạnh kết hợp với hạn chế những điểm yếu, bất lợi của mình.
Chủ tịch VCCI nhận định, AEC được hình thành với cơ cấu tương đối lỏng và không có sự tương thích nhiều. AEC bản chất chỉ là tiến trình hội nhập chứ không phải là Hiệp định, là kỳ vọng của toàn khối chứ không phải bắt buộc của cộng đồng kinh tế ASEAN.
Như vậy, AEC là một tiến trình trong quá trình phát triển của hợp tác ASEAN và thời điểm 1/1/2016 là thời điểm toàn khối thống nhất tuyên bố hình thành cộng đồng kinh tế thống nhất, là khởi đầu để xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN.
Để có thể xây dựng được AEC thành mô hình như EU thì còn cần một thời gian dài nữa. Ông Lộc cho biết, trong số FTA Việt Nam đã tham gia từ trước tới nay thì sự cắt giảm thuế quan trong cộng đồng kinh tế ASEAN là cao nhất hiện nay, cao hơn cả so với TPP và các FTA khác. Về tự do hàng hóa và dịch vụ thì mức độ cam kết cũng cao nhất gần như cao nhất.
Cũng theo ông Lộc, chỉ còn 2 tuần nữa AEC chính thức hình thành (1/1/2016). Tuy nhiên, với cơ cấu và tính chất mục tiêu còn khá lỏng như đã phân tích, thì việc tham gia AEC từ thời điểm 1/1/2016 đối với doanh nghiệp Việt Nam, tình hình sẽ không có thay đổi gì nhiều so với hiện tại bởi đây vẫn là tiến trình thực hiện cam kết theo lộ trình đã có.
Đồng thời, hầu hết các cam kết về mở cửa thì thực chất Việt Nam đã và đang triển khai đều đặn theo đúng lộ trình từ lâu nay, nên thách thức và cơ hội hầu như là điều mà DN đã và đang đối mặt. Do đó, các doanh nghiệp không cần quá lo ngại về sự thay đổi.
Tuy nhiên, ông Lộc cũng khuyến nghị doanh nghiệp cũng cần chủ động nắm bắt đầy đủ thông tin và có sự chuẩn bị tích cực hơn để đón đầu cơ hội cũng như đối phó với các thách thức từ việc tham gia này.
Bên cạnh đó, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần nhìn nhận việc tham gia AEC là một thời điểm hiếm có, đầy ý nghĩa và có nhiều thuận lợi đối với cộng đồng DN Việt.
Mỗi đơn vị sản xuất, kinh doanh nên hiểu AEC là khu vực đang phát triển nhanh và năng động nhất thế giới, nơi có sức mua gia tăng nhanh chóng cũng như là điểm hút vốn đầu tư nước ngoài hàng đầu.
Theo dự báo, các ngành sản xuất và dịch vụ mang tính tăng trưởng bền vững và thân thiện với môi trường và phục vụ nhu cầu con người sẽ có nhiều cơ hội hơn cả bên cạnh những yếu tố mới để DN có thể tận dụng. Cụ thể, các ngành có nhiều cơ hội khi tham gia AEC bao gồm Logistic, du lịch, công nghệ thông tin, thiết kế, thời trang…
Ông Thành nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra cho DN là tìm biết phân biệt và phát hiện được cơ hội, tạo dựng được lợi thế cạnh tranh để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm trong bối cảnh mới. DN Việt Nam sẽ được hưởng lợi thế khi là đối tác và cầu nối của DN ngoài khu vực bởi qua đó DN quốc tế sẽ có dịp thâm nhập thị trường ASEAN với hơn 650 triệu người tiêu dùng, GDP hàng năm khoảng 2.000 tỷ USD và phần lớn thuế suất sẽ từng bước lùi về mức 0% vào năm 2018…
Vấn đề quan trọng để tận dụng được các cơ hội là nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm giữa các nền kinh tế, cũng như hạn chế được các rào cản trong hợp tác thương mại giữa các quốc gia thành viên.