Công bố thông tin nhìn từ thực trạng doanh nghiệp

(ĐTCK) Như thường lệ, cuộc gặp mặt các doanh nghiệp niêm yết thường niên của  Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) là dịp nhà quản lý khảo sát những vấn đề “sát sườn” với doanh nghiệp (DN) liên quan đến quy định pháp lý và khả năng thực thi các quy định pháp lý.

Tháng 11 năm nay, khoảng 300 DN niêm yết hội tụ tại sự kiện của HNX đã cùng tham gia khảo sát, đánh giá về 5 chủ điểm, trong đó đáng chú ý là chủ điểm đánh giá công bố thông tin đúng luật và chủ điểm về những vướng mắc của DN kể từ khi tham gia TTCK. Câu trả lời của các DN cho thấy một thực tế: nhiều quy định DN chưa thực thi đầy đủ hoặc không cảm thấy cần thiết phải thực hiện.

55% DN trả lời rằng, điểm vướng mắc nhất khi tham gia TTCK là các vấn đề về công bố thông tin đúng luật. Có 21% DN cho rằng, họ không gặp vấn đề gì đáng kể khi tham gia TTCK, trong khi có 10% DN cho rằng, vấn đề của họ là cách thức làm sao tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) đúng luật.

Liên quan đến ĐHCĐ, đây là nơi mà các cổ đông trực tiếp thể hiện quan điểm, thực hiện các quyền cơ bản của mình và theo kết quả chấm điểm thực tế tất cả các DN niêm yết trên HNX, thì các DN thực hiện tương đối tốt việc đảm bảo quyền tham dự ĐHCĐ đối với các cổ đông. Tuy nhiên, việc cho phép cổ đông đưa ra các vấn đề thảo luận trong ĐHCĐ lại chưa được các DN chú trọng.

Tại nhiều DN, Điều lệ thường quy định cổ đông phải sở hữu tối thiểu bao nhiêu phần trăm tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của DN để kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp, tuy nhiên quy định một mức sở hữu quá cao dẫn đến khó khăn cho các cổ đông thiểu số trong việc đưa các vấn đề vào chương trình họp.

Công bố thông tin nhìn từ thực trạng doanh nghiệp ảnh 1

Cổ tức là phần mà cổ đông có quyền được nhận trong tổng số lợi nhuận của DN dựa trên số lượng cổ phiếu mà cổ đông nắm giữ. Quyền được nhận cổ tức là một trong các quyền cơ bản nhất của cổ đông, ảnh hưởng trọng yếu đến các quyết định đầu tư. Luật Doanh nghiệp đã quy định, ĐHCĐ có quyền và nghĩa vụ quyết định mức cổ tức hàng năm của từng loại cổ phần và điểm này được các DN thực thi khá tốt (84% DN niêm yết có thông qua mức cổ tức cho năm vừa qua  và 70% DN có thông qua kế hoạch cổ tức cho năm sau).

Theo phân tích của HNX, tại các thị trường phát triển trên thế giới, cổ đông thường có quyền thông qua các giao dịch lớn và đặc biệt là các giao dịch với các bên liên quan của DN, điều này nhằm hạn chế việc HĐQT hoặc Ban điều hành lợi dụng các giao dịch lớn để mang lại lợi ích cá nhân và ảnh hưởng lợi ích của cổ đông. Hạn mức được quy định trong Điều lệ mẫu tại Thông tư 121/2012/TT-BTC là 20% tổng tài sản của DN.

Đây là một nội dung cơ bản và quan trọng, tuy nhiên theo kết quả đánh giá, chỉ có 62% DN niêm yết có chính sách cho phép cổ đông phê duyệt các giao dịch với các bên liên quan, ví dụ các công ty con, công ty liên doanh, liên kết hoặc các cá nhân liên quan đến chính DN đó. Năm 2014, chỉ có 44,3% DN tuân thủ được quy định này. Tỷ lệ này cho thấy kết quả mới phần nào được cải thiện, nhưng xét theo mức độ tuân thủ thì thực tế này chưa tốt. 

Một số kết quả đáng quan ngại khác về việc đảm bảo quyền cổ đông bao gồm thông tin về các loại cổ phần của DN niêm yết kèm theo các quyền lợi và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu các loại cổ phần này được thể hiện đầy đủ trong Điều lệ của 67% DN được đánh giá. Đây là một trong các yêu cầu tối thiểu trong việc đảm bảo quyền cổ đông được cung cấp các thông tin cơ bản về cổ phần mình nắm giữ, do đó 67% DN làm được điều này chưa phải là một kết quả tốt.

“Những điểm yếu kém cụ thể trên có liên quan đến việc thực hiện quyền cổ đông. Thực trạng cho thấy các công ty mới chỉ tuân thủ nguyên tắc về quyền cổ đông trên hình thức nhiều hơn là nội dung và chất lượng”, HNX nhấn mạnh. Chẳng hạn, thông lệ tốt là bảo đảm cho cổ đông nhận được thông tin về công ty kiểm toán trước khi phê duyệt công ty kiểm toán tại ĐHCĐ thường niên (ví dụ thông tin về tính độc lập của kiểm toán, mức phí kiểm toán và các dịch vụ phi kiểm toán khác mà công ty kiểm toán đang cung cấp).

Kết quả cho thấy, chỉ có 44% DN cung cấp đầy đủ trong bộ tài liệu họp ĐHCĐ thường niên các danh sách và thông tin về các công ty kiểm toán được đề cử cho năm sau.

Tiêu chí mà các DN đạt kết quả thấp nhất liên quan đến người liên lạc cho cổ đông/nhà đầu tư. Thực trạng kết quả cho thấy chỉ có 6,6% DN cung cấp đầy đủ họ tên, điện thoại và email của người phụ trách liên lạc cổ đông trên website của DN, 40% DN niêm yết cung cấp số điện thoại liên lạc chung của DN và email.

Kết quả này cũng không được cải thiện nhiều so với kết quả đánh giá năm 2015 khi có 4% DN công bố đầy đủ họ tên, điện thoại, email và 41% số DN công bố số liên lạc chung và email của công ty. Với kết quả như vậy, quyền yêu cầu các thông tin liên quan đến DN và quyền khiếu nại thông qua người phụ trách liên lạc cổ đông đang bị hạn chế, cần phải được tập trung khắc phục.   

Ngọc Hà

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục