Công an Hà Nội mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự

0:00 / 0:00
0:00

Công an TP Hà Nội mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Tết Nguyên đán, tập trung vào tội phạm có tổ chức, tội phạm “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng vũ khí “nóng”.

Đại tá Nguyễn Thanh Tùng- Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội thông tin về tình hình bảo đảm anh ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô. Đại tá Nguyễn Thanh Tùng- Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội thông tin về tình hình bảo đảm anh ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô.

Chiều 24/11, tại cuộc họp giao ban Thành ủy, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội cho biết, trong 10 tháng đầu năm, Công an Thành phố đã bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, địa bàn trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, hội nghị quốc tế, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế... diễn ra trên địa bàn.

Đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng giải quyết tốt tình hình khiếu nại, tố cáo trái quy định.

Đặc biệt, tình hình tội phạm được kiềm chế, kéo giảm so với cùng kỳ năm 2019 (xảy ra 3.518 vụ phạm tội về trật tự xã hội, giảm 730 vụ).

Đồng thời điều tra, khám phá 2.958 vụ, 6.903 đối tượng phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 84,08%; 188 vụ, bắt 365 đối tượng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt tỷ lệ 95,6%. Triệt phá 26 băng nhóm tội phạm có tổ chức, bắt 115 đối tượng.

Không để tội phạm và tệ nạn xã hội hoạt động công khai trắng trợn, lộng hành gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Khám phá được nhiều vụ án lớn, gây tiếng vang, được lãnh đạo Bộ Công an và Thành ủy, UBND TP. Hà Nội biểu dương, đánh giá cao.

Lãnh đạo Công an Thành phố Hà Nội lưu ý về tình hình giả danh lừa đảo gọi điện, thời gian qua công an xác định đối tượng sử dụng công nghệ cao từ nước ngoài lừa đảo rất nhiều người. Công an Thành phố đã tuyên truyền rất nhiều qua cảnh sát khu vực tới từng nhà để tuyên truyền người dân cảnh giác.

Tại tất cả các quầy giao ngân hàng trên địa bàn đều có biển cảnh báo khi người dân chuyển tiền có hiện tượng lập tức báo công an. Trong năm vừa rồi xảy ra 58 vụ, Công an Thành phố Hà Nội đã ngăn chặn được 48 vụ, xấp xỉ 30 tỷ đồng, còn thất thoát 86 tỷ đồng.

Qua các vụ việc thấy rằng đối tượng đầu tiên ở nước ngoài móc nối với các đối tượng người Việt Nam làm chứng minh thư giả, căn cước giả, thậm chí mua chứng minh thư tên người khác để thực hiện lừa đảo gọi điện dọa dẫm tự xưng công an, viện kiểm soát đang điều tra liên quan đến tài sản buôn bán ma túy hoặc có người gửi bưu kiện yêu cầu chuyển tiền.

Đại tá Nguyễn Thanh Tùng- Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, nói: "Mặc dù chúng tôi tuyên truyền nhiều nhưng vẫn có người bị dính vào vấn đề chuyển tiền với số lượng không phải là ít, mà khi đã chuyển tiền thì công an cũng rất khó xử lý". Để ngăn chặn được việc này công an vô cùng khó khăn.

Ngoài việc đặt biển cảnh báo tại quầy giao dịch tín dụng ở các ngân hàng đồng thời Công an TP triển khai tập huấn, có công văn yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có quy chế phối hợp ngăn chặn khi lực lượng công an yêu cầu phong tỏa tài khoản “ nghi ngờ” để phục vụ công tác điều tra.

Tương tự với các trường hợp ăn cắp tài khoản mạng xã hội (facebook) sau đó nhờ chuyển tiền để lừa đảo. “Đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật và phạm tội vì vậy Công an TP đề nghị người nào rơi vào tình trạng này nhanh nhất báo cho cơ quan công an gần nhất để cơ quan công an này tiến hành thụ lý giải quyết vụ việc. Đây là môt trong những địa chỉ trách nhiệm của công an phải giải quyết”, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh.

Ngoài ra, đơn vị đã tổ chức tiếp nhận 100% tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố; tổ chức phân loại, xác minh giải quyết đạt tỷ lệ 90,23% tổng số đơn, tin tiếp nhận.

Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự, chưa phát hiện sai phạm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra và Điều tra viên các cấp Công an Thành phố trong hoạt động điều tra. Công tác chấp hành pháp luật được bảo đảm không oan sai, bỏ lọt tội phạm, không có vụ án nào Tòa án tuyên không tội.

Với vai trò là một trong những lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nơi tuyến đầu, Công an Thành phố cũng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp, giải pháp hiệu quả, sát hợp với thực tiễn; tăng cường quản lý, rà soát người nước ngoài, người trong các diện F với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; một số giải pháp mang tính chất đón đầu được lãnh đạo Bộ, Thành phố ghi nhận, đánh giá cao, góp phần vào thành công trong phòng, chống dịch của Thành phố.

Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, theo Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, cần xây dựng và triển khai thực hiện các phương án, kế hoạch bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, sự kiện chính trị, quốc tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại quan trọng, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam diễn ra trên địa bàn Thủ đô. Trọng tâm là Tết Nguyên đán 2021; Đại hội lần thứ XIII của Đảng...

Tập trung rà soát, tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết dứt điểm các biểu hiện mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ; các vụ khiếu kiện, tranh chấp, đình công, lãn công, các “điểm nóng”liên quan đến tôn giáo, nông thôn, đô thị, không để phức tạp lan rộng, kéo dài.

Triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật bảo đảm an ninh, trật tự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Tết Nguyên đán, tập trung vào tội phạm có tổ chức, tội phạm “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng vũ khí “nóng” vào dịp cuối năm.

Đồng thời tiếp tục có Kế hoạch tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn Thành phố; tập trung đấu tranh, ngăn chặn các hành vi, sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển sử dụng trái phép các loại pháo.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục