Theo nhận định của ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, mô hình condotel không phải mới, mà có từ những năm 90 thế kỷ trước ở công trình Hà Nội Tower. Tuy nhiên, lúc đó chỉ là mô hình lưu trú khác với việc trở thành yếu tố kinh doanh mới hoàn toàn như mô hình condotel hiện nay.
Theo ông Thành, mô hình này có quá nhiều lợi thế, gắn liền với nhiều hoạt động du lịch. Hơn nữa, trong các kênh đầu tư, chưa có kênh nào có sức hút mạnh như bất động sản nói chung, condotel nói riêng. Tuy nhiên, điều băn khoăn và bất cập có thể thành rủi ro là tính pháp lý vẫn còn chông chênh, chưa được hoàn thiện.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đơn vị này đã có nhiều văn bản trình Bộ Xây dựng để báo cáo Chính phủ điều chỉnh một số luật để tạo khung pháp lý phù hợp cho sản phẩm này.
Song theo nhận định của các chuyên gia, các bộ luật hiện hành đều vướng khi phát triển hoàn thiện sản phẩm condotel theo đúng nghĩa của nó. Chẳng hạn, tính tương thích với giao dịch khách hàng có thể có rủi ro, quá trình phát triển phân khúc này khác với đầu tư khách sạn thông thường. Condotel mới phát triển 2 năm, nhưng đã bộc lộ những vấn đề như quản lý, dịch vụ, sử dụng bộ máy hiện có, công nghệ hiện có chưa chắc đã đảm bảo được nhu cầu condotel…
Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, quyền sử dụng condotel rất lâu dài, song theo Luật Đất đai 2013 hoàn toàn không đề cập đến việc cấp sổ đỏ cho loại hình này.
Dưới góc độ nhà quản lý, ông Phạm Văn Thường, Trưởng phòng Quản lý Bất động sản (Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng) nêu quan điểm, doanh nghiệp sáng tạo những loại hình kinh doanh mới, quy định pháp luật cũng có nhưng mang tính tương đối chung. Chẳng hạn, Luật Đất đai có quy định về nhà ở tương đối rõ và cả với những loại hình giữa ở - kinh doanh.
“Đối với những dự án du lịch nghỉ dưỡng hiện áp dụng theo Luật Đầu tư và chủ yếu các nhà đầu tư được địa phương chỉ định thầu hoặc giao đất. Trong đó, nhà đầu tư sẽ quy hoạch và được Nhà nước phê duyệt. Bộ Tài nguyên và Môi trường khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại vướng chuyện sử dụng đất, như thời hạn sử dụng lâu dài và có thời hạn”, ông Thường phân tích.
Ông Thường cũng cho biết, sau khi các hiệp hội có ý kiến với Bộ Xây dựng về tính pháp lý sở hữu condotel, Bộ Xây dựng đã báo cáo với Thủ tướng. Thủ tướng sau đó giao cho 3 bộ, trong đó Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ xây dựng quy chuẩn loại hình này, Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ xây dựng, quản lý, sở hữu tài sản trên đất, Bộ Tài chính chuẩn bị khung pháp lý quản lý tài chính phát triển mô hình này. Sắp tới, cơ sở pháp lý của condotel sẽ được tính đến rõ ràng hơn.
“Gần đây, Bộ Xây dựng tổ chức các đoàn đến tìm hiểu tại các địa phương, tổ chức toạ đàm để nghe nhà đầu tư đánh giá thị trường, cũng như nghe những đề xuất về pháp lý để thị trường phát triển bền vững, giúp người dân không lo ngại”, ông Thường nói và cho biết, một loại hình chỉ dựa vào cam kết của chủ đầu tư, dù có độ tin tưởng thế nào đi nữa thì cũng có nhiều vấn đề.
Trong đó, khách hàng yếu thế hơn chủ đầu tư, bởi hợp đồng do chủ đầu tư soạn, chứ không phải là thoả thuận. Do đó, theo ông Thường, cam kết phải do Nhà nước quản lý thì "chủ đầu tư mới không chạy đi đâu được".
Có thể thấy, với những động thái tích cực của Chính phủ và các đơn vị liên quan, hành lang pháp lý đối với condotel đang dần được “cởi trói” để phát triển một cách ổn định hơn và quan trọng là làm an tâm các nhà đầu tư khi rót tiền vào sản phẩm này.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com