Tại cuộc tòa đàm về condotel tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, tình hình thị trường bất động sản 7 tháng đầu năm 2017 đã chững lại do sự lệch pha cung cầu, nhất là ở phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp.
“Chúng tôi cảnh báo các nhà đầu tư, bởi 7 tháng vừa qua, giao dịch chững lại. Ở TP.HCM, căn hộ cao cấp giao dịch cực khó”, ông Châu nói.
Với sản phẩm condotel, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, loại hình này đang có nhiều đánh giá khác nhau trên thị trường, trong đó có những lo ngại về thời gian cam kết lợi nhuận 10 năm. Nhiều ý kiến lo ngại sau 10 năm cam kết này, thì hiệu quả của khoản đầu tư này sẽ như thế nào?
Dưới góc độ, nhà quản lý, ông Phạm Văn Thường, Trưởng phòng Quản lý Bất động sản (Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng) cho biết: “Hiện chúng ta đang nói đến sự lo ngại của khách hàng, bởi đây là loại hình chỉ dựa vào cam kết của chủ đầu tư. Tôi không nói không tin tưởng cam kết chủ đầu tư, nhưng cũng nhiều vấn đề. Cam kết phải do Nhà nước quản lý thì chủ đầu tư mới không chạy đi đâu được. Nhiều chủ đầu tư cam kết mạnh, mua 1 biệt thự 10 năm sau đã thu hồi vốn rồi, nghe rất đơn giản, nhưng 10 năm sau mới là câu chuyện”, ông Thường nhận định.
Về vấn đề này, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FLC cho biết, hiện nay, trên thị trường có nhiều ý kiến quan ngại về cung - cầu condotel, nhưng với bản thân FLC chưa thấy gì. Với sự gia tăng khách du lịch hiện nay, nguồn cung condotel vẫn chưa nhiều.
“Nhiều quan ngại về condotel không vận hành được sau 10 năm, song chúng tôi thấy hiện nay nhiều khách sạn trên 10 năm vẫn hiệu quả. Tất nhiên, trong quá trình hoạt động, condotel sẽ thường xuyên được bảo trì, nâng cấp. Giả sử, trong quá trình vận hành, chủ đầu tư phá sản thì sẽ phải được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư khác, cam kết các quyền lợi tối đa với nhà đầu tư. Do đó, không có rủi ro về tài sản, họ vẫn đảm bảo được vốn, lãi suất tốt hàng năm”, bà Dung nhận định.
Tương tự, bà Vũ Thị Lan Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO cho rằng, sau 10 năm hết hạn cam kết mức lợi nhuận cố định, khách hàng đầu tư vào condotel có thể lựa chọn sở hữu hoặc tiếp tục cho cho thuê với tỷ lệ 85% lợi nhuận nhà đầu tư được hưởng, còn 15% chủ đầu tư được hưởng. Điều này cũng đảm bảo lợi ích tài sản lâu dài, sau 10 năm, condotel vẫn đảm bảo sinh lời.
“Nhà đầu tư phải lựa chọn chủ đầu tư uy tín, lợi nhuận được hưởng, nhưng sau 10 năm còn là giá trị gia tăng hay không thì phải chọn vị trí. Cho nên, việc đầu tư vào vị trí du lịch tiềm năng thì sẽ đảm bảo lợi ích tốt hơn”, bà Lan nhận định.
Đồng quan điểm, ông Giáp Văn Kiểm, Phó tổng giám đốc CEN Land (CEN Group) đánh giá, condotel vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất. Các nhà đầu tư cam kết lợi nhuận tối thiểu 8-10%/năm, tương đương 200 triệu đồng/năm cho mỗi căn hộ 2 tỷ đồng, sau 10 năm, đương nhiên giá đất tăng, trong khi gửi lãi suất ngân hàng 6,8%.
Theo ông Kiểm, sau 10 năm, giá đất ở Việt Nam thậm chí đắt hơn Singapore, Thái Lan, nhưng quan trọng là cần làm rõ hơn về mặt pháp lý với loại hình này.
Tuy nhiên, một chuyên gia lại cho rằng, người mua phải kiểm soát được chi phí, nếu không thì mức lợi nhuận được chia dù có 80 - 85% cũng vô nghĩa, chưa nói đến lỗ. Giá trị tài sản của nhà đầu tư có thể giảm mạnh khi chủ đầu tư mất giá trị thương hiệu. Cho nên, các chủ đầu tư tốt là đem giá trị cho xã hội, cho khách hàng và phải giữ thương hiệu, khách hàng chứ không phải đến một thời điểm nào đó, rời khỏi cuộc chơi, bỏ rơi khách hàng.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com