"Cơn khát" vốn vay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ cách đây ít ngày, nhiều ngân hàng cạn room tín dụng từ cuối quý I/2022 vẫn lạc quan về khả năng được nới trần tín dụng ở mức cao như các năm trước, nhưng hiện tại phải nhường chỗ cho những trăn trở.
Trần tín dụng có thể được nới nhưng không nhiều. Ảnh: Dũng Minh Trần tín dụng có thể được nới nhưng không nhiều. Ảnh: Dũng Minh

Sàng lọc, phân loại khách hàng

Trong tháng 6/2022, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 0,7% so với tháng trước, song lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm vẫn nằm trong kỳ vọng là 2,4%. Điểm đáng chú ý là chỉ số giá thực phẩm tăng 0,8% so với tháng trước. Đây cũng là mức tăng theo tháng cao nhất kể từ cuối năm 2019, nếu không kể đến ảnh hưởng yếu tố tăng giá trong các kỳ lễ, tết lên nhóm hàng này.

“Diễn biến lạm phát hiện tại sẽ tác động mạnh đến chính sách tiền tệ bởi Ngân hàng Nhà nước vẫn đang gánh vác trách nhiệm kiểm soát lạm phát và cơ quan quản lý đã bắn tín hiệu tới các thành viên trong hệ thống về room tăng trưởng tín dụng sẽ không còn xông xênh như thời gian trước. Sẽ không có chuyện tăng trưởng tín dụng tăng như thông lệ là 6 tháng đầu năm tăng bao nhiêu thì 6 tháng cuối năm sẽ tăng gấp đôi con số đó, có nghĩa là tăng trưởng tín dụng năm 2022 sẽ không lên đến 24% như kỳ vọng của các ngân hàng”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nói.

Room tín dụng cạn kiệt, các ngân hàng làm cách nào để chống chọi “cơn khát” này? Giám đốc một chi nhánh của MSB cho biết, khách hàng đang vay vốn trước đây vẫn được giải ngân bình thường, còn khách hàng vay mới thì phải sàng lọc. Cụ thể, nhóm khách hàng mang lại lợi nhuận cao và bền vững mới cho vay, còn những khách hàng khác thì đành chấp nhận không khai thác.

“Thậm chí, khách vay tiêu dùng mua sắm đồ đạc trong nhà… vẫn được vay bình thường chứ không dừng nếu chứng minh nguồn thu rõ ràng, mục đích vay cụ thể”, vị giám đốc trên cho hay.

Ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc Khối Cho vay khách hàng cá nhân, Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho biết, chủ trương kiểm soát, hạn chế tín dụng bất động sản, như đại diện Ngân hàng Nhà nước nhiều lần chia sẻ, chỉ áp dụng đối với các dự án không phục vụ nhu cầu ở thực, những sản phẩm có tính chất đầu cơ..., còn với phân khúc cho cá nhân vay mua nhà để ở thì không hạn chế, thậm chí còn khuyến khích như với các dự án xây dựng nhà ở xã hội. Dù vậy, Shinhan Việt Nam chỉ duy trì phần nào dư địa cho vay phân khúc này với số tiền không quá lớn.

“Một khi room tín dụng hết hoặc còn lại quá ít thì việc hạn chế giải ngân của các ngân hàng sẽ mở rộng cho hầu hết các mục đích sử dụng vốn. Shinhan Việt Nam cũng phải chọn lọc khách hàng để cho vay đến khi có thông báo mới từ Ngân hàng Nhà nước về room tín dụng năm 2022”, ông Vũ nhấn mạnh.

Còn tại TPBank, giám đốc một chi nhánh tại Bắc Giang cho biết, cho vay các dự án bất động sản Ngân hàng không triển khai, nhưng với khách vay mua nhà để ở vẫn thực hiện bình thường, còn khách vay mua xe ô tô thì chỉ giải ngân khi mua xe trả góp tại các hãng xe Ngân hàng có liên kết như Mitsubishi, Mercedes.

“Điểm đáng chú ý, đối với nguồn vốn lưu động, vẫn được giải ngân tài trợ theo UPAS L/C, đó là các doanh nghiệp trong nước sử dụng nguồn vốn từ các ngân hàng nội địa chưa dùng hết hạn mức cho vay như HSBC, Standard Chartered Bank, Citi Bank…, hay nói cách khác là dùng nguồn của liên ngân hàng để tài trợ thẳng cho đối tác của khách hàng. Cụ thể, đối tác của khách hàng được nhận tiền ngay, còn khách hàng trả chậm cho ngân hàng trong 6 tháng. Sau khi khách hàng trả xong thì ngân hàng của khách hàng có trách nhiệm thanh toán cho ngân hàng của đối tác khách hàng”, vị giám đốc trên giải thích.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, từng thừa nhận, bên cạnh những nhà băng sớm cạn room tín dụng, vẫn còn ngân hàng chưa sử dụng hết hạn mức cho vay được cấp từ đầu năm.

Cơ cấu lại khoản nợ

Một lãnh đạo cao cấp TPBank cho biết thêm, trong bối cảnh chưa được cấp room tín dụng mới, khoản vay cũ đáo hạn sẽ giúp tổng tín dụng Ngân hàng giảm xuống, tạo thêm dư địa cho vay tiếp. Theo đó, Ngân hàng sẽ cân nhắc chọn khách hàng cũ có lịch sử vay nợ tốt cũng như khách hàng mới tiềm năng để cho vay tiếp, hoặc dừng lại để hạn mức tín dụng đó cho khách hàng khác. Cùng với đó, rốt ráo thu hồi nợ, xử lý nợ xấu cũng là giải pháp giúp các ngân hàng tự tạo room tín dụng và thực tế cho thấy, các ngân hàng đã đẩy mạnh bán nợ từ nhiều tháng nay.

Cụ thể, BIDV Nam Hà Nội thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh với giá khởi điểm hơn 1.154 tỷ đồng. VietinBank đăng trên website chính thức của Ngân hàng thông báo lựa chọn đơn vị để định giá tài sản đảm bảo cho khoản nợ 1.364 tỷ đồng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà. Tương tự, Vietcombank rao bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Kỹ Nghệ Evergreen Việt Nam với giá 1.000 tỷ đồng…

Từ đầu tháng 6/2022 đến nay, số tin bài thông báo thu giữ tài sản, bán đấu giá tài sản, đấu giá khoản nợ, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, thẩm định giá tài sản để bán thu hồi nợ… tại Vietcombank là 14 tin bài, BIDV gần 50 tin bài, VietinBank đăng 56 tin bài, còn tại Agribank lên tới 100 tin bài.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn ngân hàng thương mại, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã chia sẻ một thông tin quan trọng, tính đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%); huy động vốn đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,51% (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,09%).

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank nhận định, tăng trưởng tín dụng đã đạt trên 9%, nếu muốn cao hơn nữa thì áp lực lạm phát sẽ rất lớn. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước chỉ cho phép Agribank tăng trưởng tín dụng 7% trong năm nay và hiện đã đạt gần 6%. Con số này mới bằng 2/3 so với tăng trưởng của toàn hệ thống, bởi Agribank cũng hiểu không thể quá gây áp lực lên tăng trưởng tín dụng.

“Với hơn 1% room tín dụng còn lại, cân đối cho vay trong 2 quý cuối năm sẽ bài toán không dễ giải với Agribank”, ông Ấn nói, đồng thời mong muốn các ngân hàng thương mại kiểm soát tăng trưởng tín dụng thời gian tới bởi nguồn lực trong dân có hạn, huy động vốn trên thực tế năm nay cao hơn năm trước không nhiều, do đó chỉ có thể giành giật khách hàng từ ngân hàng nọ sang ngân hàng kia, như vậy sẽ dẫn đến cuộc đua tăng lãi suất và kéo theo tăng chi phí đầu ra cho doanh nghiệp, hàng hoá tăng giá, cuối cùng vẫn lặp lại vòng tròn gây áp lực lên lạm phát.

“Chúng tôi sẽ tuân thủ hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước cũng như các cơ quan quản lý liên quan, mong rằng tới đây sẽ không có cuộc chiến cạnh tranh lãi suất huy động quá lớn để đảm bảo vừa tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát được lạm phát”, ông Ấn nhấn mạnh.

TS. Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm, năm 2009, khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất 17.000 tỷ đồng cũng là giai đoạn tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng không bị giới hạn bởi cơ quan quản lý. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến gói hỗ trợ này để lại nhiều hệ lụy lên nền kinh tế. Đây là bài học mà các bộ, ban, ngành cần phải nhìn thấy để kiểm soát chặt chẽ hơn gói hỗ trợ lãi suất lần này nhằm giảm thiểu rủi ro.

“Hiện nhiều ngân hàng không còn đủ room tín dụng để thực hiện gói hỗ trợ lãi suất đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước cần nâng hạn mức cho vay cho những ngân hàng này mà vẫn phải bảo đảm kiểm soát lạm phát là một thách thức lớn. Tôi kỳ vọng room tín dụng sẽ được nới trong quý III này và hạn mức mới sẽ không tăng mạnh so với hạn mức hiện tại ở đa số ngân hàng”, ông Nghĩa chia sẻ.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục