Chiếc áo "room tín dụng"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) dù được coi là công cụ hành chính, mang tính chủ quan, nhưng vẫn là công cụ quản lý hữu hiệu khi trình độ phát triển hệ thống ngân hàng chưa hoàn hảo.
5 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức cho vay. Ảnh: Dũng Minh 5 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức cho vay. Ảnh: Dũng Minh

Nhiều khuyến nghị từ giới chuyên gia

Tín dụng tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm, với mức tăng 8,03% (theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước) khiến đầu tháng 6, hầu hết các ngân hàng sử dụng gần hết hạn mức cho vay, chỉ có thể cho vay cầm chừng. Nhiều nhà băng đang kiến nghị mở thêm hạn mức tín dụng để triển khai gói vốn hỗ trợ 2% lãi suất.

Thời điểm này, không chỉ lãnh đạo các nhà băng, mà ngay cả giới phân tích cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên bỏ cơ chế trần tín dụng, vì quy định này mang tính chất hành chính. Điều quan trọng là phải quản lý được các chỉ số an toàn cũng như đáp ứng được năng lực tăng trưởng của các ngân hàng.

TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh quốc) nêu quan điểm, hiện rất ít quốc gia trên thế giới còn sử dụng công cụ cấp room tín dụng như Việt Nam hiện nay.

Theo chuyên gia, thay vì khống chế trần tín dụng, Ngân hàng Nhà nước nên kiểm soát tăng trưởng tín dụng thông qua tiêu chuẩn về vốn theo Basel, kết hợp với công cụ quản lý ngân hàng hiện đại như kiểm tra định kỳ. Điều này vẫn tạo ra giới hạn tín dụng cho các ngân hàng, nhưng trên cơ sở định lượng, khách quan và minh bạch hơn.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) kiến nghị, nhu cầu vốn tín dụng hiện nay của doanh nghiệp là rất lớn, do đó, NHNN cần cân đối với mức lạm phát để đưa ra ngưỡng tăng trưởng tín dụng hợp lý, nếu không sẽ rất khó cho các ngân hàng.

Giới phân tích cho rằng, có thể việc bỏ room tín dụng sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước bớt đi một trong các công cụ để kiểm soát cung tiền, lãi suất và lạm phát mục tiêu, nhưng vẫn là bước đi cần thiết trong lộ trình Ngân hàng Nhà nước tiến tới định hướng hiện đại hóa hơn và tăng tính độc lập với Chính phủ. Tuy nhiên, khi đó, việc phân bổ tín dụng sẽ tập trung vào những ngân hàng lành mạnh và không phải nhà băng nào cũng có thể tăng trưởng tín dụng ở mức cao.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc cấp room chỉ nên được coi là giải pháp tạm thời trong thời gian 1 - 2 năm nữa, còn về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước cần bỏ trần tín dụng, chỉ quản lý tăng trưởng tín dụng thông qua hệ số an toàn vốn (CAR) kèm theo điều kiện là kiểm soát được việc tăng vốn của các nhà băng là thực chất.

Tuy vậy, trước mắt, Ngân hàng Nhà nước cũng nên tiếp tục linh hoạt, xem xét cấp hạn mức cho ngân hàng theo từng tháng, hoặc xem xét nới trần tín dụng cho từng ngân hàng ngay khi có yêu cầu, thay vì gom các yêu cầu lại vào một đợt rồi mới thực hiện. Nếu thực hiện được điều này sẽ giúp các ngân hàng cho vay kịp thời, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không bị gián đoạn.

Một chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, việc cấp room tín dụng làm cho hệ thống ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, nhà băng không có động lực cạnh tranh để hạ lãi suất cho vay. Điều đó không có lợi cho cả người vay tiền và người gửi tiền.

Tương tự, theo Moody’s, việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chính sách tiền tệ thông qua hạn mức tín dụng cũng như trần lãi suất cho vay và tiền gửi đã khiến hiệu quả chính sách tiền tệ của Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực. Bởi vậy, việc bỏ room tín dụng cần được xem xét càng sớm càng tốt.

Ngân hàng Nhà nước: Chưa bỏ được trần cho vay

Cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước duy trì suốt mười năm qua. Từ năm 2011 đến nay, sau giai đoạn ngành ngân hàng tăng trưởng nóng và lạm phát lên mức 2 chữ số, room tín dụng trở thành một trong những công cụ hiệu quả để Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chất lượng cho vay cũng như phục vụ các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác như lãi suất, cung tiền và lạm phát...

Tuy nhiên, khi ngành ngân hàng Việt Nam dần tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế, nhiều chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi, việc duy trì cấp room cứng định kỳ 1 - 2 lần hàng năm như hiện nay liệu có cần thiết hay không. Đây cũng là vấn đề Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận được chất vấn tại kỳ họp Quốc hội gần đây.

Chỉ khi thị trường vốn phát triển, doanh nghiệp có thể tiếp cận được nhiều nguồn vốn khác nhau thì mới giảm được áp lực kiểm soát tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng như hiện nay.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trước khi sử dụng biện pháp này, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng rất cao, nhiều năm tăng trên 30%/năm, cá biệt có năm toàn hệ thống tăng tới 53,8%, kéo theo cuộc đua huy động, kéo mặt bằng lãi suất đi lên.

Theo bà Hồng, Ngân hàng Nhà nước sẽ phân bổ tín dụng tới các ngân hàng thương mại dựa trên nguyên tắc chung, nhà băng nào lành mạnh, quản trị tốt hơn thì được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Câu hỏi khi nào các ngân hàng sẽ được nới room vẫn còn bỏ ngỏ và các nhà băng phải tiếp tục chờ đợi. Điều đó đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp, người dân có nhu cầu vay vốn tại một số ngân hàng đã cạn room phải xem lại kế hoạch kinh doanh, sử dụng vốn của mình.

Lãnh đạo một nhà băng cho rằng, cho đến khi nào được cấp thêm room mới thì các ngân hàng chỉ có thể thu hồi nợ cũ để quay vòng cho vay mới.

Do tín dụng đã tăng cao trong 5 tháng đầu năm nên Ngân hàng Nhà nước sẽ phải rà soát kỹ hoạt động tín dụng cũng như tình hình tài chính của các ngân hàng, vì vậy, việc nới room chắc chắn không đều. Cơ quan này sẽ phải căn cứ vào mức độ tuân thủ của các tổ chức tín dụng về an toàn vốn. Một khi cầu vốn tăng cao trong khi cung hạn chế, các ngân hàng cũng sẽ lựa chọn khách hàng để giải ngân một cách thận trọng hơn. Điều đó có thể dẫn tới một số tiêu chuẩn cho vay sẽ được nâng lên.

Ngân hàng Nhà nước hiện không công bố các tiêu chí để cấp room tín dụng và hạn mức cụ thể cấp cho từng nhà băng, mà chỉ cho biết ngân hàng nào có bộ đệm vốn tốt và chất lượng tài sản lành mạnh sẽ được giao chỉ tiêu rộng rãi hơn. Các ngân hàng cũng được Ngân hàng Nhà nước xếp hạng mức độ tín nhiệm thông qua một loạt chỉ tiêu về tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ nợ xấu, dư nợ cho vay trung, dài hạn trên vốn ngắn hạn...

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu, dần tiến tới chuẩn mực quốc tế trong khi thị trường vốn còn non trẻ. Chỉ khi thị trường vốn phát triển, doanh nghiệp có thể tiếp cận được nhiều nguồn vốn khác nhau, vốn trung dài hạn sẽ được lấy từ thị trường như trái phiếu, cổ phiếu còn hệ thống ngân hàng chỉ cung ứng vốn ngắn hạn, mới giảm được áp lực kiểm soát tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng như hiện nay.

Tuy nhiên, việc khống chế trần tín dụng cùng với bối cảnh các nhà băng đang cạn room cùng với lãi suất huy động tăng khiến thị trường lo ngại áp tăng lãi suất cho vay.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, lãi suất huy động tăng song lại không có đầu ra cho vay, điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng ngân hàng. NIM khả năng giảm trong quý II/2022 và áp lực cũng sẽ không ít với các ngân hàng.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục